Thứ Năm, ngày 16/01/2025 12:02 PM (GMT+7)
Điều gì đang làm khó doanh nghiệp gia đình Việt Nam?
2023-06-13 15:47:00
Các doanh nghiệp gia đình xác định sự tin tưởng của khách hàng là rất quan trọng (chiếm 75%) nhưng doanh nghiệp hoàn toàn giành được niềm tin từ khách hàng chỉ khoảng 32%, tức cách biệt đến 43%.
Chiều 13/6, PwC Việt Nam công bố báo cáo khảo sát Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam năm 2023.
Khảo sát Doanh nghiệp Gia đình 2023 của PwC là một khảo sát toàn cầu về các doanh nghiệp gia đình. Mục đích nhằm tìm hiểu cách các lãnh đạo doanh nghiệp gia đình nhìn nhận về doanh nghiệp của họ và về môi trường kinh doanh.
Khảo sát được thực hiện từ ngày 20/10/2022 đến ngày 22/1/2023, với sự tham gia từ 2.043 chủ doanh nghiệp ở 82 vùng lãnh thổ, trong đó có 36 đại diện doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam.
Doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang đối mặt khoảng cách lớn về niềm tin của khách hàng
Ông Trần Văn Thắng - Giám đốc Dịch vụ kiểm toán PwC Việt Nam, cho biết khảo sát doanh nghiệp gia đình năm 2023 nhấn mạnh việc rút ngắn “khoảng cách niềm tin” là chìa khóa để đảm bảo sự phát triển của các doanh nghiệp gia đình trong tương lai.
Các doanh nghiệp gia đình hiện đang gặp khó khăn trong việc dành ưu tiên cho các yếu tố nền tảng, để xây dựng niềm tin với tất cả các bên liên quan, bao gồm cả công chúng.
Kết quả khảo sát của PwC cho thấy các doanh nghiệp gia đình Việt Nam hiểu rằng xây dựng niềm tin là vấn đề tối quan trọng.
Trong đó, niềm tin với khách hàng (75%) là đối tượng quan trọng nhất đối với doanh nghiệp gia đình để xây dựng niềm tin. Đạt được sự tin tưởng và lòng trung thành của khách hàng là điều cốt yếu đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, để thành công lâu dài. Trong khi đó, với nhân viên là 61% và nhà đầu tư 61%.
Theo PwC, các doanh nghiệp gia đình hiện đối mặt với vấn đề “khoảng cách niềm tin”.
“Khảo sát của chúng tôi cho thấy các doanh nghiệp gia đình Việt Nam, cũng giống như các doanh nghiệp gia đình trên toàn cầu và khu vực, đang đối mặt với sự thiếu hụt niềm tin. Cụ thể là, các doanh nghiệp gia đình đều đề cao sự tín nhiệm của khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư, nhưng họ cho rằng doanh nghiệp chưa hoàn toàn giành được niềm tin từ các bên liên quan chủ chốt này”, PwC nhận định.
Với khách hàng, báo cáo cho biết trong khi các doanh nghiệp gia đình xác định sự tin tưởng của nhóm này là rất quan trọng (75%), nhưng số hoàn toàn giành được niềm tin từ khách hàng chỉ khoảng 32%, tức cách biệt đến 43%.
Trong khi đó, tỷ lệ cách biệt về niềm tin ở nhóm nhân viên và nhà đầu tư có phần thu hẹp hơn, với tỷ lệ cách biệt lần lượt là 11% và 14%.
Theo PwC, rõ ràng các doanh nghiệp gia đình cần phải thu hẹp khoảng cách niềm tin giữa doanh nghiệp gia đình và các bên liên quan chính.
Làm thế nào để doanh nghiệp gia đình cải thiện niềm tin với khách hàng?
Khảo sát CEO Toàn cầu của PwC thấy sau yếu tố điều kiện thị trường, mức độ tin tưởng của khách hàng là quyết định lớn nhất tiếp theo, để tạo nên sự khác biệt về hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, “khách hàng là thượng đế” là câu châm ngôn của tất cả doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam đặc biệt đề cao yếu tố niềm tin của khách hàng. Nhìn nhận tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin từ khách hàng, các doanh nghiệp gia đình đã đặt sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu kinh doanh hàng đầu (86%), bên cạnh mục tiêu doanh thu và lợi nhuận.
Con số này cao hơn đáng kể so với toàn cầu (77%) và châu Á Thái Bình Dương (76%).
Theo PwC, lấy được niềm tin từ khách hàng là vấn đề còn nhiều việc phải làm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên bắt đầu quan tâm đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Ngày nay, khách hàng ngày càng quan tâm đến ESG, nhất là hầu hết khách hàng và nhân thuộc thuộc thế hệ Y và gen Z.
Đây là lúc các doanh nghiệp gia đình Việt Nam cần nắm bắt cơ hội và chuyển trọng tâm, nguồn lực vào ESG, cũng như cho khách hàng thấy hành động của mình.
Ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ tư vấn ESG, Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo, PwC Việt Nam, cho biết việc báo cáo các mục tiêu phi tài chính liên quan đến ESG có thể phức tạp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gia đình có thể bắt đầu từng bước nhỏ, bằng cách tập trung vào các vấn đề ESG chính có liên quan đến ngành và các bên liên quan.
“Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể chia sẻ về cách họ bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu, vốn là vấn đề mà người tiêu dùng đang rất quan tâm. Hoặc, doanh nghiệp gia đình có thể chia sẻ về các hoạt động trách nhiệm xã hội, từ thiện, mà theo khảo sát của chúng tôi cho thấy, hiện có 72% doanh nghiệp gia đình đang thực hiện những hoạt động này”, ông Nam nói thêm.
Theo PwC, bằng cách minh bạch về các hoạt động kinh doanh và duy trì chất lượng nhất quán trong các sản phẩm hoặc dịch vụ của minh, các doanh nghiệp gia đình có thể tạo nền tảng vững chắc để xây dựng niềm tin với khách hàng. Điều này có thể mang lại thành công lâu dài trong tương lai.
Gen Z - Thế hệ vung tiền nhiều hơn nhưng không dễ kiếm lợi nhuận từ họ
Thế hệ Gen Z đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp thay đổi hoàn toàn cách họ tiếp cận với khách hàng.