Thứ Năm, ngày 16/01/2025 12:03 PM (GMT+7)

Có vị thế nhiều năm trên thị trường, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn trầy trật, vì thua từ thức ăn đến con giống

2023-06-13 09:56:00

Giá thành tôm Việt Nam cao, khó cạnh tranh với quốc tế do giá thức ăn cao, nhất là khi thức ăn nuôi tôm được cung cấp bởi phần lớn các nhà máy có vốn FDI. Con giống thì các nước tỷ lệ sống đến 80%, Việt Nam chỉ 40-50%.

Thua các nước từ thức ăn nuôi tôm đến con giống

Chia sẻ tại Hội nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức ngày 12/6, bà Lê Thị Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết năm 2023, xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn do cung lớn hơn cầu. Đặc biệt sản lượng tôm lớn từ Ecuador khiến cho giá tôm sụt giảm nghiêm trọng, trong khi sức mua yếu.

Hiện nay, tôm Việt Nam không đủ sức cạnh tranh, do giá thành cao và tỷ lệ sống thấp, môi trường nuôi nhìn chung chưa đảm bảo.

Ngoài ra, công ty còn gặp nhiều khó khăn khác về tài chính, và gần đây nhất là việc tăng giá điện, khiến cho doanh nghiệp nuôi và chế biến xuất khẩu tôm đều chật vật.

Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023. Ảnh: Trần Khánh

Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023. Ảnh: Trần Khánh

Bà Thảo nhận định thị trường có khả năng tiếp tục chiều hướng ảm đạm đến hết năm 2023. Hiện nay, giá tôm đã giảm 30-40%. 

"Do đó, kế hoạch kinh doanh của công ty cũng sẽ giảm 30% so với năm trước", bà Thảo cho biết.

Ông Bùi Nguyên Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cà Mau, cho biết giá thành tôm Việt Nam cao, khó cạnh tranh với quốc tế, nhất là 2 nước sản xuất tôm lớn là Ecuador và Ấn Độ.

Giá thành tôm Việt Nam cao, do giá thức ăn cao (chiếm tới 50% giá thành), nhất là khi thức ăn nuôi tôm được cung cấp bởi phần lớn các nhà máy có vốn FDI.

Con giống tuy chiếm giá trị không cao, nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành, bởi liên quan đến tỷ lệ sống của tôm. 

Ở các nước khác, con giống được chọn lọc tốt nên tỷ lệ sống lên tới 80%. Trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ đạt 40-50%.

Vấn đề về giá thức ăn nuôi tôm quá cao và chất lượng con giống trong nước dù đã bàn thảo rất nhiều, nhưng vẫn chưa được giải quyết tốt.

Ông Khánh kể, lúc đầu công ty ông nhận định đến tháng 6 năm nay, tình hình sẽ tích cực hơn. Nhưng đến lúc này, thị trường vẫn chưa thấy có gì khả quan, khó khăn vẫn kéo dài chưa có điểm dừng và rất khó dự đoán.

Công ty Thủy sản Cà Mau dù rất thận trọng trong việc sử dụng vốn, nhưng nguồn vốn bắt đầu có dấu hiệu khó khăn. Hàng không bán được, tồn kho tăng cao, dòng tiền quay vòng không tốt. 

"Không riêng công ty tôi mà toàn ngành thủy sản đều phải đối mặt với đợt khủng hoảng này", ông Khánh nói.

Một doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu ở Cà Mau. Ảnh: Trần Khánh

Một doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu ở Cà Mau. Ảnh: Trần Khánh

Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cũng cho biết tình hình tiêu thụ đến gần cuối quý 2 vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc về sức mua lẫn giá cả.

Điều này chứng tỏ 2 khả năng. Một là lạm phát, suy thoái toàn cầu khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm, nên tồn kho các thị trường vẫn còn. Thứ hai là các nước như Indonesia, Ecuador thu hoạch tôm sớm, sản lượng tôm nuôi trúng mùa, cả về lượng và kích cỡ tôm lớn.

Và các nước cung ứng với giá rẻ hơn tôm Việt Nam từ 1-2USD/kg, khiến việc tìm đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm khó khăn.

"Điều này cũng lý giải vì sao 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt thấp hơn khoảng 30% so cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu tôm Ecuador dự kiến tăng tưởng 20%", ông Lực giải thích.

Không có con đường cạnh tranh nào khác ngoài giảm giá thành 

Nhận định về xu thế sắp tới, ông Lực cho rằng từ quý 3/2023, việc tiêu thụ tôm trong nước sẽ khởi sắc hơn. Bởi thị trường sẽ vào giai đoạn cao điểm tiêu thụ ở EU, Bắc Mỹ; mùa lễ Tết ở Nhật Bản; và sau đó là nhu cầu tập kết hàng cho đợt tiêu thụ cuối năm.

Thế mạnh về tôm chế biến sâu của Việt Nam. Ảnh: Trần Khánh

Thế mạnh về tôm chế biến sâu của Việt Nam. Ảnh: Trần Khánh

Tôm chế biến sâu vẫn có nhu cầu nhất định từ phân khúc thị phần của người trung lưu. Và đó là thế mạnh của ngành tôm Việt Nam.

Nhưng không có gì bất biến. Về lâu dài, các nước đối thủ chắc chắn sẽ nỗ lực nâng cao trình độ chế biến của họ, nhằm tấn công khúc thị phần tôm cao cấp của Việt Nam.

"Chúng ta chỉ có con đường là làm sao giảm giá thành, và phải tập trung giảm giá thành tôm nuôi. Đồng thời các doanh nghiệp tôm nỗ lực tạo ra sản phẩm mới thu hút người tiêu dùng", ông Lực nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Phẩm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), cho rằng muốn giảm giá thành và cạnh tranh dài lâu, doanh nghiệp phải tập trung vào khâu nuôi trồng, bằng các chiến lược dài hơi và thường xuyên.

Tuy nhiên, trong cuộc đua chất lượng và giá thành, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp cũng không thể tự lo được giống tôm, nên rất cần sự hỗ trợ của Vasep.

Ông Võ Văn Phục – Ủy viên BCH Hiệp hội Vasep, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sạch Việt Nam, thì nói rằng doanh nghiệp cần cuộc cách mạng trong lĩnh vực nuôi. Mà người đứng đầu cuộc cách mạng này chính là những chủ doanh nghiệp tôm.

Bởi vì theo ông Phục, chính những người này mới có đủ nguồn nhân lực, tài lực và khoa học công nghệ để giảm giá thành, tăng năng suất.

Các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu đồng tình quan điểm đầu tư nhiều hơn vào vùng nuôi. Ảnh: Trần Khánh

Các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu đồng tình quan điểm đầu tư nhiều hơn vào vùng nuôi. Ảnh: Trần Khánh

Tuy nhiên, vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu trong ngành nuôi tôm lâu nay chưa thực sự rõ ràng. Các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc đầu tư nuôi tôm.

Nếu doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nhập từ bên ngoài để xuất khẩu tôm chỉ khuyến khích cho đối thủ phát triển, đồng thời làm mai một ngành nuôi tôm trong nước.  

Vì thế, ông Phục cho rằng, thời gian tới, doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ, và có được sự đầu tư mạnh mẽ vào vùng nuôi. Đây là tiền đề để giải quyết thách thức về giá thành nguyên liệu.

Trần Khánh
Xuất khẩu tôm sụt giảm nửa tỷ USD

Xuất khẩu tôm sụt giảm nửa tỷ USD

Nếu 4 tháng đầu năm ngoái, ngành tôm mang về kim ngạch xuất khẩu 1,4 tỷ USD, thì cùng kỳ của năm 2023 mới mang về 887 triệu USD, giảm nửa tỷ USD.