dd/mm/yyyy

Dịch Covid-19: Chính phủ nên ưu tiên hỗ trợ ai?

Khi người dân, doanh nghiệp, lẫn ngân sách Nhà nước đều “mất sức” nhiều vì đại dịch, chuyên gia cho rằng Chính phủ nên cứu trợ theo thứ tự ưu tiên.

Khi người dân, doanh nghiệp, lẫn ngân sách Nhà nước đều “mất sức” nhiều vì đại dịch, chuyên gia cho rằng Chính phủ nên cứu trợ theo thứ tự ưu tiên.

Số liệu của các bộ ngành gần đây cho thấy thể trạng của nền kinh tế nhìn chung đã "hao" nhiều qua đợt dịch đầu tiên.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hết tháng 7, lượng doanh nghiệp dừng kinh doanh tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2019. Gần 31 triệu người mất việc, giảm thu nhập vì dịch. Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cũng dự báo mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 100.000 người thất nghiệp. Những lao động này tập trung ở các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo...

Bộ Tài chính thì cho biết luỹ kế thu ngân sách 7 tháng đạt giảm 13,1% nhưng chi ngân sách tăng 10,1% so với cùng kỳ. Trong đó, ngân sách đã chi khoảng 17.670 tỷ đồng cho công tác phòng, chống Covid-19 và người bị tác động.

Dù vậy, chính sách "giảm đau" cho các đối tượng bị tổn thương đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả. Gói hỗ trợ an sinh mới giải ngân được 11.000 tỷ đồng, tương ứng 17,7%. Ngoài gói an sinh, nhiều chính sách khác cũng chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Dịch Covid-19: Chính phủ nên ưu tiên hỗ trợ ai?  - Ảnh 1.

Người dân chờ nhận quà từ một nhóm từ thiện trên đường Lý Chính Thắng (TP HCM) hồi tháng 4. Ảnh: Nguyệt Nhi.

Đơn cử gói vay không lãi suất 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương đến 31/7 - khi kết thúc giải ngân, chưa có đơn vị nào tiếp cận được. Hay gói gia hạn thuế, tiền thuê đất, Bộ Tài chính chỉ nhận được 25% số đơn của 700.000 doanh nghiệp dự trù vào ngày hết hạn nộp hồ sơ. Số tiền gia hạn chỉ đạt 29% của 182.000 tỷ đồng trong kế hoạch.

Chia sẻ với VnExpress, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần có cách tiếp cận khác khi nền kinh tế nhận "cú đấm bồi" từ Covid-19. Một trong những vấn đề cần quan tâm là xác định thứ hạng ưu tiên trong một tập hợp thành phần kinh tế đều bị tác động.

An sinh cho người lao động là vấn đề được các chuyên gia lưu tâm hàng đầu. Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica nhấn mạnh "người lao động khó chống đỡ với đợt dịch mới". Nếu doanh nghiệp còn cầm cự được vài tháng, người lao động không có khả năng chống chọi khi mất đi sinh kế.

Người lao động được chia thành hai nhóm: chính thức và phi chính thức. Việc ưu tiên nhóm nào cũng có nhiều tranh luận.

Ông Vũ Thành Tự Anh, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến 5 triệu hộ kinh doanh cá thể thuộc khu vực phi chính thức bị tác động bởi dịch. Ông ước tính khoảng 20 triệu người chịu tác động. Khác với lao động chính thức dù ít nhiều vẫn có thể duy trì cuộc sống nhờ trợ cấp và các chính sách trợ cấp và bảo hiểm xã hội, lao động tự do sẽ về số 0 khi mất đi sinh kế.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh khu vực phi chính thức có thể tạo ra rạn nứt, thậm chí đổ vỡ cho nền kinh tế nếu không có biện pháp hỗ trợ phù hợp. "Rất nhiều vấn đề xã hội xảy ra khi con người ta bị bần cùng hoá, do vậy đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là câu chuyện an ninh và xã hội, tiềm ẩn hệ quả to lớn", ông nói.

Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính – Đại học Kinh tế TP HCM lại cho rằng đối tượng cần được quan tâm là công nhân, người có tay nghề thấp trong khu vực chính thức. Theo ông, lao động tự do có tính linh hoạt, dễ thích nghi hơn những người này, vốn chỉ làm một hoặc vài công việc giản đơn, mang tính lặp lại.

"Pou Yuen được đánh giá là có chính sách hỗ trợ rất tốt cho người lao động bị nghỉ việc nhưng nhiều công nhân khi cầm trong tay cục tiền rất hoang mang vì không biết làm gì tiếp theo", ông nói.

Dù có cách đặt trọng tâm khác nhau, tựu chung, các chuyên gia nhấn mạnh người lao động cần được hỗ trợ đầu tiên trong dịch bệnh. Theo đó, chính sách nên cân nhắc mở rộng phạm vi người được hỗ trợ. Và như ông Tự Anh nhìn nhận, nhân tố then chốt để thực thi thành công gói hỗ trợ cho người lao động là bộ máy ở địa phương - cơ quan có thể nắm bắt và tiếp cận người dân đang gặp khó khăn nhanh và chính xác nhất.

Thứ tự hỗ trợ cho các doanh nghiệp thậm chí còn là bài toán hóc búa hơn với Chính phủ khi doanh nghiệp nhà nước, tư nhân quy mô từ lớn đến bé đang đồng loạt "kêu cứu".

Dịch Covid-19: Chính phủ nên ưu tiên hỗ trợ ai?  - Ảnh 2.

Dòng người lấy phiếu làm trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm Cầu Giấy (Hà Nội) hồi đầu tháng 6. Ảnh: Ngọc Thành.

Để giải quyết vấn đề này, ông Tự Anh cho rằng cần hỗ trợ tương ứng với mức độ thương tổn của từng ngành và giữ vững nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Các ngành bị ảnh hưởng nặng do Covid-19 sẽ là du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn...

"Với những doanh nghiệp trong ngành có tốc độ suy giảm mạnh vì dịch, ví dụ 15-20% trở lên, không cần xét hồ sơ rồi hậu kiểm để đảm bảo khoản hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích. Các doanh nghiệp không nằm trong những ngành này nhưng bị tác động sẽ được xem xét tiếp theo", ông nói. Điều này đảm bảo tính mục tiêu cũng như tốc độ giải ngân. Nếu thủ tục quá lâu, doanh nghiệp có thể "chết" trước khi nhận được tiền.

Với quan điểm bình đẳng trong cứu trợ này, trường hợp giải cứu Vietnam Airlines gây nhiều tranh cãi cũng có cơ sở để được hỗ trợ khi nằm trong nhóm bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mức độ hưởng của các doanh nghiệp nhà nước cần được cân đối dựa trên sự đóng góp ngân sách tương ứng trong quá khứ.

"Ví dụ các doanh nghiệp nhà nước đóng góp 25% GDP, họ cũng có thể được hưởng tối đa mức này nếu thực sự nằm trong nhóm bị tổn thương. Nguyên tắc là ai làm người nấy chịu, ai đóng góp người nấy hưởng", ông nói. Điều này ít nhất sẽ đảm bảo minh bạch và một mức độ công bằng nhất định, giúp tạo ra sự đồng thuận nhất định trong xã hội.

Ông Tự Anh cũng lưu ý đến tính quy mô doanh nghiệp khi đặt trọng tâm vào các đơn vị nhỏ và vừa. Nguyên nhân nhóm này có "thể trạng" yếu, không thể "nín thở" quá lâu và khó chống đỡ trước những biến động lớn.

Thứ tự ưu tiên doanh nghiệp của ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo lại được sắp xếp theo: doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp tư nhân lớn sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp trong lĩnh vực trọng yếu, doanh nghiệp nhà nước.

Thứ nhất, với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Bảo lập luận dù được cho là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, nhóm này ít khi được ưu tiên về cơ chế, sức đề kháng của doanh nghiệp yếu, dễ bị tổn thương. Do vậy, để giữ cho kinh tế ổn định, giống như chuyên gia của Fulbright, ông lưu ý nhóm này cần được ưu tiên tiếp cận các gói hỗ trợ. Điều này cũng tạo ra sự đồng nhất trong quan điểm của Chính phủ khi luôn khuyến khích người dân khởi sự, tạo lập doanh nghiệp mới.

Thứ hai là các doanh nghiệp tư nhân sử dụng nhiều lao động. Ông nói: "Cứu một doanh nghiệp lúc này là bảo vệ cả ngàn lao động". Tiếp đến là các doanh nghiệp đảm đương những vị trí quan trọng của nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực rồi mới đến những doanh nghiệp nhà nước khác cùng các lĩnh vực chưa thực sự cần thiết như vui chơi, giải trí...

"Trong điều kiện nguồn lực chung hữu hạn cần ưu tiên hỗ trợ cho các lĩnh vực giúp nền kinh tế được thụ hưởng nhiều nhất. Còn ai ra đời làm ăn hợp pháp, đóng thuế đầy đủ thì cũng xứng đáng được hỗ trợ, cứu trợ hết", ông nói.

Phân hạng ưu tiên cứu trợ cũng sẽ có những sai số nhất định bởi không có công bằng tuyệt đối trong khủng hoảng. "Việc đòi hỏi công bằng tuyệt đối sẽ khó cứu được các thành phần bị tổn thương khi họ cần nhất. Do vậy, các lựa chọn phải chấp nhận tính tương đối nhưng tuân theo những nguyên tắc cơ bản, như ưu tiên y tế, bảo vệ việc làm, đúng đối tượng và kịp thời", ông Tự Anh nói.


Phương Ánh