Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Tận mắt khám phá nông nghiệp tuần hoàn ở thủ phủ bò sữa Mộc Châu (bài 5)

Văn Ngọc Chủ nhật, ngày 03/12/2023 06:49 AM (GMT+7)
Những hộ nông dân nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu (Sơn La) đang đẩy mạnh chăn nuôi theo quy trình khép kín, bò được chăm sóc bằng thức ăn là ngô, cỏ sau đó phân thải ra lại được tái chế thành phân hữu cơ bón cho cỏ làm thức ăn cho bò. Chuỗi nông nghiệp tuần hoàn đang diễn ra như thế ở Mộc Châu.
Bình luận 0

Clip: Phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững ở Mộc Châu (Sơn La)

Tái chế phân bò thành phân hữu cơ trồng cò, rồi lại dùng cỏ làm... thức ăn cho bò

Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi trở lại cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), nơi đây có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho phát triển các loại cây ăn quả, cây công nghiệp chủ lực như chè, mận, mơ, hồng,… cũng là điểm du lịch hút khách đến với Sơn La. 

Đặc biệt, cao nguyên Mộc Châu là vùng đất tương đối bằng phẳng, đây là điều kiện tốt nhất để phát triển đồng cò phục vụ chăn nuôi bò sữa, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, khi đàn bò phát triển nhanh chóng thì lượng chất thải cũng gia tăng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và phát triển du lịch trên địa bàn. Để giải quyết vấn đề này, nhiều hộ chăn nuôi bò sữa đã mạnh dạn đầu tư xây dựng dây chuyền xử lý phân tự động, hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Bò được chăm sóc bằng thức ăn là ngô, cỏ sau đó phân thải ra lại được tái chế thành phân hữu cơ để trồng cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho bò.

Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Về thủ phủ bò sữa Mộc Châu- nơi không bỏ đi một thứ gì - Ảnh 2.

Nông dân huyện Mộc Châu (Sơn La) đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững. Ảnh: Anh Đức

Gia đình ông Trần Đình Ba, đơn vị chăn nuôi 77, Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La) đã có 20 năm trong nghề chăn nuôi bò sữa. Với 4 ha đất nhận khoán, gia đình ông hiện có 102 bò bê, trong đó có 40 con đang cho sữa, mỗi tháng thu về trên 300 triệu đồng từ bán sữa cho Công ty. Để có được kết quả như vậy, gia đình ông đã có một lộ trình phát triển nuôi bò sữa một cách khoa học, tận dụng mọi yếu tố, phát triển đàn bò sữa bền vững, bảo vệ môi trường.

Đi một vòng thăm quan khu nuôi bò sữa rộng hơn 300m2 của ông Ba, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là đường ra, lối vào khu chăn nuôi luôn sạch sẽ. Từng ấy con bò và hàng tấn chất thải ra mỗi ngày nhưng không có chút mùi hôi khó chịu nào, không giống như những trang trại chăn nuôi ở một số nơi khiến cả làng bịt mũi vì ô nhiễm môi trường không khí.

Ông Ba chia sẻ: Khi bắt đầu lập nghiệp, gia đình ông cũng như các hộ chăn nuôi bò sữa trên cao nguyên Mộc Châu sản xuất rất thô sơ, sử dụng sức người là chính. Đến nay, tất cả các khâu trong chăn nuôi đều sử dụng máy móc hiện đại như: máy cày, bừa đất trồng cỏ; máy cắt cỏ; máy băm cỏ; máy vắt sữa… Hiện nay, gia đình tôi đã có một trang trại bề thế, lên tới hàng trăm con bò sữa, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Thế nhưng bài toán khó đặt ra với ông Ba khi đàn bò phát triển thì lượng chất thải cũng gia tăng, gây ô nhiễm môi trường. Nếu không xử lý chất thải tốt còn tăng nguy cơ gây dịch bệnh cho đàn bò. Sau những trăn trở, tính toán việc xử lý chất thải của bò sữa hằng ngày, ông Ba quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng dây chuyền xử lý phân tự động, nhằm tiếp tục phát triển bò sữa bền vững và thân thiện với môi trường.

Theo ông Ba, với cách làm này, vừa mang lại nguồn chất đốt cho gia đình, vừa mang nguồn thu từ bán phân vi sinh và còn mang lại lợi ích lớn hơn đó là giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường xanh, thân thiện với cuộc sống.

Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Về thủ phủ bò sữa Mộc Châu- nơi không bỏ đi một thứ gì - Ảnh 3.

Ông Trần Đình Ba, đơn vị chăn nuôi 77, Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La) kiểm tra sinh trưởng đàn bò của gia đình. Ảnh: Anh Đức

Toàn bộ chất thải hàng ngày của bò sữa được dọn rửa, đưa về bể thu gom để xử lý bằng men vi sinh. Sau đó chất thải sẽ được máy hút lên để tách nước và chất thải rắn. Đối với nước khi được tách ra một phần chảy vào hầm biogas, phần còn lại chảy qua các bể xử lý bằng men vi sinh và enzym theo phương pháp hiếm khí. Sau đó, nước thải tiếp tục được đưa qua các bể lọc đến khi đạt tiêu chuẩn cho phép sẽ được đưa đi tưới cho đồng cỏ.

Đối với chất thải rắn, sau khi đã tách nước tiếp tục được xử lý bằng các loại men vi sinh, tới khi độ ẩm còn khoảng 15-20%. Sau 10 ngày chất thải này là loại phân hữu cơ rất tốt cho trồng rau màu, hoa, cây ăn quả. 

Như vậy, các hộ chăn nuôi bò sữa theo quy trình khép kín, sử dụng dây chuyền xử lý chất thải trong chăn nuôi không những bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh cho đàn bò mà còn mang lại nguồn thu đáng kể từ khí đốt của bể biogas phục vụ sinh hoạt của gia đình và sản phẩm phân ép khô vi sinh bón cho đồng cỏ, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi.

Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Về thủ phủ bò sữa Mộc Châu- nơi không bỏ đi một thứ gì - Ảnh 4.

Trang trại chăn nuôi bò sữa của gia đình ông Trần Đình Ba tận dụng chất thải chăn nuôi bò sữa tái chế thành phân hữu cơ. Ảnh: Anh Đức

Gia đình bà Hoàng Thị Nhô, đơn vị chăn nuôi 19.5 Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La) cũng là một trong những hộ chăn nuôi bò sữa có tiếng của vùng. Để phát triển chăn nuôi bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, gia đình bà đã đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín đủ sức nuôi hàng trăm con bò sữa, có đầy đủ hệ thống xử lý chất thải thành phân vi sinh.

Quan điểm của bà Nhô rất rõ ràng, đã đầu tư chăn nuôi thì hệ thống xử lý thải phải đảm bảo nếu không hệ lụy khó lường. Việc đầu tư xử lý chất thải thành phân vi sinh, ngoài việc không ô nhiễm, gia đình bà có nguồn phân để bón cho cỏ, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi. Số phân dư thừa còn lại, gia đình bà bán cho các hộ dân trong vùng bón cây trồng, mỗi tháng thu về được hơn 10 triệu.

"Với cách làm này, nước và chất thải được xử lý không gây mùi, khó phát ra xung quanh, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn không khi đưa ra môi trường. Sau đó, sẽ được đem làm phân bón cho cỏ, ngô hoặc tưới rau", bà Nhô tâm sự.

Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Về thủ phủ bò sữa Mộc Châu- nơi không bỏ đi một thứ gì - Ảnh 5.

Trang trại chăn nuôi bò sữa của gia đình bà Hoàng Thị Nhô, Đơn vị chăn nuôi 19.5, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Anh Đức

Phát triển bò sữa Mộc Châu bền vững

Để phát triển chăn nuôi bò sữa một cách bền vững, khép kín, bảo vệ môi trường, nhiều năm qua, Mộc Châu Milk (Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu) đã mạnh dạn lựa chọn mô hình nông hộ bền vững với liên kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học. 

Mô hình liên kết bền chặt này đã góp phần đảm bảo đời sống ấm no cho hàng trăm hộ dân chăn nuôi bò sữa, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Đặc biệt, Công ty đã chú trọng chăn nuôi theo hình thức khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, tận dụng chất thải nông nghiệp để tạo ra phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Ông Phạm Hải Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, tỉnh Sơn La thông tin: Trong tổng số gần 600 hộ liên kết nuôi bò sữa ở Mộc Châu, bình quân mỗi hộ nuôi khoảng 50 con bò sữa, trong đó hộ nuôi nhiều nhất hơn 250 con. Nhiều hộ đã có trên 300 tấn sữa tươi/năm bán cho Công ty, có hộ đã đạt trên 800 tấn/năm.

Nhờ nuôi bò sữa, hàng nghìn nông dân Mộc Châu đã thoát nghèo, không ít người trở thành "tỷ phú" chăn bò với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Họ từng bước giúp thảo nguyên Mộc Châu trở thành vùng nguyên liệu sữa tươi lớn và chất lượng nhất toàn miền Bắc.

Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Về thủ phủ bò sữa Mộc Châu- nơi không bỏ đi một thứ gì - Ảnh 6.

Nông dân chăn nuôi bò sữa Mộc Châu (Sơn La) tận dụng phân thải tái chế thành phân hữu cơ bón cho cỏ làm thức ăn cho bò. Ảnh Ngọc Mai

Cũng theo Tổng Giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, toàn bộ gần 600 nông hộ của Mộc Châu Milk đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng công nghệ chăn nuôi đạt tiêu chuẩn châu Âu với máy vắt sữa, khẩu phần thức ăn cho bò đạt chuẩn dinh dưỡng với thức ăn TMR, cỏ Alfalfa Mỹ, thức ăn tinh, cỏ tươi, hệ thống xử lý chất thải tự động không gây ô nhiễm môi trường…

Nguồn sữa tươi nguyên liệu sau khi thu được từ các trang trại sẽ được chuyển về nhà máy. Tại đây, sữa tươi được đưa vào sản xuất trên dây chuyền tự động hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu của Tetra Pak (Thụy Điển), đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe nhất như ISO 9001:2015, FSSC 22000… Nhờ vậy, các sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng, giữ trọn dinh dưỡng và hương vị thơm ngon thuần khiết của sữa tươi nguyên chất.

Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Về thủ phủ bò sữa Mộc Châu- nơi không bỏ đi một thứ gì - Ảnh 7.

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học trông chăn nuôi bò sữa, nông dân Mộc Châu Sơn La đã có thu nhập ổn định. Ảnh: Anh Đức

Nhờ bàn tay cần cù chăm chỉ của người nông dân cùng với sự kiên định phát triển bền vững của doanh nghiệp, những dòng sữa tươi mát lành thuần khiết từ thảo nguyên xanh đã và đang được trao tận tay hàng triệu gia đình Việt Nam.

Những thành công của mô hình liên kết nông hộ, hỗ trợ bà con chăn nuôi khép kín, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đưa Mộc Châu trở thành "thủ phủ" bò sữa công nghệ cao của Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem