Đi tìm một chữ “xanh” trong nông nghiệp: Khởi động "siêu" đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp (Bài 3)

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 01/12/2023 06:05 AM (GMT+7)
Nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp rất đồng lòng thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiều tỉnh đã chuẩn bị bắt đầu khởi động cho "siêu" đề án này.
Bình luận 0

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp sẽ dược thực hiện như thế nào?

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, không phải khi Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký quyết định phê duyệt, các địa phương vùng ĐBSCL mới triển khai thực hiện. Mà thực tế, các địa phương đã chủ động đăng ký diện tích cũng như có các giải pháp phối hợp với Bộ NNPTNT thực hiện, phát triển dần vùng trồng lúa qua các năm.

Đi tìm một chữ “xanh” trong nông nghiệp: Khẩn trương thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp - Ảnh 1.

Các địa phương ở ĐBSCL đã chủ động trong việc thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Cụ thể, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đã đăng ký với Bộ NNPTNT là đến năm 2025 sẽ dành khoảng 103.000ha để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đến năm 2030, địa phương đăng ký khoảng 152.900ha.

Khi đề án bắt đầu triển khai, tỉnh sẽ chọn những vùng triển khai dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) để triển khai trước, tạo động lực. Sau đó, mở rộng dần.

Theo ông Lâm, An Giang có 15 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ lúa của nông dân. Trong đó, có Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đăng ký khoảng 13.800 ha tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Theo Sở NNPTNT tỉnh An Giang, ngoài việc có nhiều doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo liên kết, địa phương có điều kiện thuận lợi để triển khai đề án nữa là diện tích lúa lớn, cơ sở hạ tầng nhiều khu vực thuận lợi. Ngoài ra, An Giang còn có trên 1.099 tổ hợp tác, 267 câu lạc bộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, 173 chi tổ hội nghề nghiệp, 217 hợp tác xã nông nghiệp.

Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh với diện tích gieo trồng khoảng 494.000ha/năm, sản lượng hàng năm khoảng 3,3 triệu tấn, tỷ lệ sử dụng nhóm giống chất lượng cao đạt 69,6%.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký với Bộ NNPTNT Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp với diện tích đến năm 2025 là 70.000ha, đến năm 2030 là 163.000ha. Riêng vụ đông xuân 2023 - 2024, tỉnh đảm bảo các tiêu chí tham gia đề án với tổng diện tích 40.955ha.

Việc trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải là xu hướng tất yếu trong thời gian tới, do đó, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đang kêu gọi nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia dự án. Từ đó, tiến đến việc phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng xanh của tỉnh Đồng Tháp và của toàn vùng ĐBSCL.

Đi tìm một chữ “xanh” trong nông nghiệp: Khởi động "siêu" đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp (Bài 3) - Ảnh 2.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải sẽ được triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL.

Liên quan đến Đến đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, địa phương đăng ký đến năm 2025 sẽ thực hiện 28.000ha, đến năm 2030 thực hiện 46.000ha.

Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, đây là thời điểm buộc chúng ta phải làm và có quyết tâm. Địa phương rất cần sự quan tâm và hỗ trợ của các bên liên quan trong quá trình triển khai đề án, sao cho người nhận thấy rõ sự khác biệt, lợi ích của đề án so với các đề án và dự án trước đây.

Diện tích gieo trồng cây lúa của tỉnh Hậu Giang đạt trên 180.000 ha/năm, sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu tấn, năng suất trung bình đạt khoảng 6,8 tấn/ha.

Những năm qua, Hậu Giang đã dịch chuyển cơ cấu giống lúa dần từ nhóm chất lượng thấp (IR 50404, OM 576…) sang các giống lúa chất lượng cao (OM 5451, OM 18, Jasmin 85, RVT, Đài Thơm 8, ST24…). Hiện giống chất lượng cao trên 95% tổng diện tích gieo trồng lúa của tỉnh, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ông Thanh nhận định, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp được coi là mô hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới.

Nông dân sẵn lòng trồng lúa giảm phát thải

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, nhiều nông dân bảy tỏ rằng, rất đồng lòng về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.

"Trong đề án, mục tiêu đề ra là giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha là hoàn toàn khả thi, nếu làm đất bằng phẳng, gieo sạ giống xác nhận phù hợp theo thời tiết từng vùng và từng mùa. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, thậm chí có thể hạ xuống 70kg/ha vẫn được" - anh Dương Văn Siêu - Phó Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Thuận Thắng, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ nói.

Đi tìm một chữ “xanh” trong nông nghiệp: Khẩn trương thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp - Ảnh 2.

Anh Dương Văn Siêu - Phó Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Thuận Thắng, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây

Thời gian qua, anh Siêu cũng như một số thành viên trong hợp tác xã nông nghiệp Thuận Thắng cũng đã có tham gia một số chương trình sản xuất lúa giảm phát thải. Do giảm giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân, giảm thuốc, mà thu nhập tốt, thậm chí tốt hơn cách trồng lúa truyền thống (tốn nhiều chi phí) nên anh Siêu rất đồng lòng với đề án.

Anh Siêu tâm sự: "Lúc mới làm lúa theo hướng giảm phát thải, người dân ở kế bên đều lắc đầu, cho rằng không hiệu quả, không muốn làm theo. Nhưng thực tế mô hình của tôi đã được chứng minh thu nhập cao, được lãnh đạo Sở NNPTNT, lãnh đạo huyện đến tận ruộng lúa xem và ai cũng khen, cũng mê. Và đặc biệt, khi thu hoạch, tôi đem sản phẩm đến cơ quan chức năng kiểm tra đều không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật".

Khi hỏi về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL mà Bộ NNPTNT sắp triển khai thực hiện, ông Nguyễn Văn Thích - Phó Giám đốc hợp tác xã Tân Long ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho hay, đơn vị của ông rất mong muốn tham gia bởi đã hội tụ đủ các yêu cầu mà đề án đưa ra.

Bởi, theo ông Thích, từ năm 2020, hợp tác xã Tân Long đã tham gia chương trình VnSAT. Do đó, có điều kiện thuận lợi để tham gia đề án và "làm được liền". Riêng yêu cầu của đề án về việc giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha, ông Thích cho biết, hợp tác xã Tân Long đang gieo sạ ở lượng giống 80kg/ha và đang tính tới phương án kéo xuống 60kg/ha.

"Nếu làm đất tốt, bằng phẳng thì gieo sạ giống thưa sẽ đạt hiệu quả rất cao. Ngoài tiết kiệm được lượng giống, còn giảm phun thuốc và phân bón do lúa ít sâu bệnh. Lúc này cây lúa mau nở bụi do không bị cạnh tranh dinh dưỡng quá nhiều như sạ dày" - Ông Thích thông tin.

Tại buổi trao đổi với các Đại biểu Quốc hội 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Chưa có đề án nào được Thủ tướng Chính phủ quan tâm như Đề án triển khai 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Đây là minh chứng cho hành động của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP 26. "Chúng ta phải có trách nhiệm thông tin, nói với bà con về việc chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất đơn giá trị sang sản xuất đa giá trị, gắn với tăng trưởng xanh. Chỉ có như thế, đời sống người nông dân trồng lúa mới được đổi thay"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngay từ bây giờ, chúng ta cần bắt tay khởi động thực hiện Đề án này, để một thời gian không xa nữa, Thủ tướng Chính phủ sẽ đứng giữa cánh đồng lúa trong diện tích 1 triệu ha giảm phát thải và nói với thế giới về sự thay đổi, về trách nhiệm của Việt Nam với vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Theo thiết kế, Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải se có tổng nguồn vốn thực hiện là 650 triệu USD, trong đó có hơn 410 triệu USD sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới- WB. Ông Cao Thăng Bình- đại diện WB tại Việt Nam cho biết: "Từ thành công của của 180.000ha lúa thuộc dự án VnSAT, WB đánh giá rất cao những cam kết của Việt Nam trong vấn đề chống biến đổi khí hậu và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành triển khai đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải".

Ngày 27/11 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký quyết định phê duyệt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Theo đề án được phê duyệt, có 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia thực hiện đề án (trừ Bến Tre).

Trong giai đoạn 1 (2024 - 2025), các địa phương sẽ tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 ha. Giai đoạn 2 (2026 - 2030), sẽ mở rộng thêm 820.000 ha.

Mục tiêu của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa.

Ngoài ra đề án còn nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem