Chính phủ chính thức phê duyệt Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 28/11/2023 09:03 AM (GMT+7)
Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký quyết định phê duyệt. Bộ NNPTNT đặt nhiều kỳ vọng vào đề án này, bởi sẽ giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Bình luận 0

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được triển khai như thế nào?

Ngày 27/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký quyết định phê duyệt Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL - Ảnh 1.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký quyết định phê duyệt. Trong ảnh, nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo đề án được phê duyệt, ngoại trừ tỉnh Bến Tre không tham gia thì 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL sẽ tham gia thực hiện đạt 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Trong giai đoạn 1 (2024 - 2025), ngành nông nghiệp sẽ tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 ha, bao gồm công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV), kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ các bon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình.

Lúc này, tại các vùng lúa triển khai đề án, phải giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80 - 100 kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững.

100% diện tích lúa có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%.

Giai đoạn 2 (2026 - 2030), ngành nông nghiệp sẽ mở rộng thêm 820.000 ha. Giai đoạn này sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống hệ thống MRV. Đồng thời, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng thực hiện trong giai đoạn 1.

Trong giai đoạn 2, người dân tham gia đề án giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững.

100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận đạt trên 50%.

Đặc biệt, lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân phải cam kết gì, được hỗ trợ ra sao?

Mục tiêu của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa.

Ngoài ra đề án còn nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Đối với doanh nghiệp tham gia đề án phải có liên kết với hợp tác xã hoặc tổ chức nông dân ít nhất về bao tiêu sản phẩm. Các doanh nghiệp phải cam kết tham gia đề án và có năng lực để tổ chức, giám sát quá trình sản xuất lúa gạo ở vùng liên kết.

Tham gia đề án, các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tín dụng trung và dài hạn trong liên kết sản xuất tiêu thụ với các hợp tác xã, tổ hợp tác, được hưởng lợi từ bán tín chỉ các bon và ưu tiên tiếp cận các dự án quốc tế trong lĩnh vực này.

Các hộ dân trồng lúa, hợp tác xã phải đăng ký tham gia và cam kết thực hiện quy trình canh tác lúa bền vững và phát thải thấp.

Khi tham gia đề án, hộ dân trồng lúa được ưu tiên tham gia đào tạo tập huấn, được vay vốn ưu đãi từ các chính sách tín dụng của nhà nước và được hưởng lợi ích do bán tín chỉ các-bon từ sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính. Các hợp tác xã, tổ hợp tác được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, được hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật xây dựng các mô hình thí điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem