Bà chủ tiết lộ lý do "bắt tay" với nông dân làm dược liệu, bán chục nghìn sản phẩm đi khắp nơi

Hoài An Thứ ba, ngày 28/11/2023 07:00 AM (GMT+7)
Sau khi chữa khỏi bệnh viêm tuyến giáp bằng thuốc nam, bà Nguyễn Thị Băng, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, (tỉnh Đắk Nông) đã bỏ nghề buôn bán nông sản, thành lập HTX dược liệu An Phúc Khang để liên kết với nông dân sản xuất, chế biến dược liệu.
Bình luận 0

Đến nay HTX đã cho ra đời khoảng 30 dòng sản phẩm bảo vệ sức khỏe, mỗi năm cung cấp cả chục nghìn sản phẩm cho thị trường.

Là một người kinh doanh nông sản, vật tư nông nghiệp gần 30 năm, bà Nguyễn Thị Băng (thôn 8, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) chưa hề nghĩ sẽ gắn bó với ngành nghề khác. Cách đây khoảng 7 năm, bà Băng bị mắc viêm tuyến giáp và cứ mỗi tháng phải đi xuống bệnh viện dưới Thành phố Hồ Chí Minh để lấy thuốc và thăm khám rất vất vả, nhưng hơn 1 năm mà bệnh tình không thuyên giảm. Bà nghe theo những người bạn và đọc sách gia truyền để lại, chuyển sang uống thuốc nam, điều kỳ diệu là bệnh tình đã khỏi hoàn toàn.

Bà chủ tiết lộ lý do "bắt tay" nông dân làm dược liệu, mỗi năm bán cả chục nghìn sản phẩm đi khắp nơi  - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Băng giới thiệu các sản phẩm dược liệu của HTX dược liệu An Phúc Khang với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông.

Từ đó, bà Băng có tình yêu vào cây thuốc nam và mong muốn làm một điều nhỏ bé để giúp ích cho xã hội. Cùng khoảng thời gian đó tại Đắk Nông, tiêu là cây trồng chính của người dân bị chết hàng loạt, làm kinh tế người dân tại địa phương suy giảm nghiêm trọng. Bà Băng vận động một số người cùng sở thích đối với cây thảo dược, thành lập Hợp tác xã Dược liệu An Phúc và quyết định thay đổi mô hình cây trồng từ cây cà phê, tiêu sang mô hình trồng các loại cây dược liệu có lợi cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị các bệnh thông thường và nan y.

Hợp tác xã dược liệu An Phúc Khang được tổ chức sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết: Người dân trồng cây dược liệu, hợp tác xã sẽ hợp đồng thu mua nguyên liệu để chế biến, sản xuất thành sản phẩm. Các thành viên hợp tác xã chính là những đầu mối tập hợp, cung cấp nguyên liệu để chế biến dược liệu. Đến thời điểm này, Hợp tác xã dược liệu An Phúc Khang là hợp tác xã duy nhất thực hiện mô hình sản xuất và chế biến dược liệu tại tỉnh Đắk Nông.

Bà chủ tiết lộ lý do "bắt tay" nông dân làm dược liệu, mỗi năm bán cả chục nghìn sản phẩm đi khắp nơi  - Ảnh 2.

Hợp tác xã dược liệu An Phúc Khang cung cấp dược liệu cho nhiều phòng khám, quầy thuốc tại các tỉnh, thành.

Bà Băng chia sẻ, Đắk Ha nơi bà sinh sống nói riêng và Đắk Nông nói chung có sẵn rất nhiều loại cây dược liệu trong tự nhiên và các loại dược liệu này đều có thể trồng được, nếu chăm sóc tốt có thể tạo được vùng nguyên liệu dồi dào, có thể trở thành nguồn thu nhập chính cho bà con. Hợp tác xã hiện nay đang liên kết sản xuất một số loại cây dược liệu chính như: Sâm bố chính, sâm đại hành, nghệ bọ cạp, cây an xoa, cây gắm và một số cây dược liệu quý trong tự nhiên.

Với mong muốn tạo thương hiệu sạch, có lợi cho sức khỏe vì đa phần sản phẩm là dòng thảo dược nên bà Băng dùng kiến thức bản thân và Hợp tác xã để hướng dẫn bà con quy trình trồng, chăm sóc. Đồng thời cung cấp giống đúng chuẩn cho bà con, phổ biến cho bà con trong quá trình trồng tuyệt đối không được sử dụng thuốc hóa học hay chất kích thích sinh trưởng. Và quan trọng nhất là Hợp tác xã cam kết thu mua toàn bộ dược liệu do người dân trồng ra. Bên cạnh đó, các loại dược liệu từ tự nhiên của bà con cũng được Hợp tác xã thu mua.

Bà chủ tiết lộ lý do "bắt tay" nông dân làm dược liệu, mỗi năm bán cả chục nghìn sản phẩm đi khắp nơi  - Ảnh 3.

Hợp tác xã đã đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị hiện đại để chế biến dược liệu sạch

Anh Hoàng Văn Vinh (thôn 8, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong) cho biết, ngoài thời gian làm rẫy làm nương, anh thường vào bìa rừng hái các loại cây thuốc để đem bán cho Hợp tác xã An Phúc khang, thu nhập của gia đình cũng được cải thiện.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, Hợp tác xã đã đầu tư nhà xưởng và nhiều máy móc trang thiết bị hiện đại như máy sấy, máy tách tinh dầu, máy nấu cao, máy nghiền bột...  vào quy trình sản xuất. Hợp tác xã thực hiện công tác kiểm tra nghiêm ngặt, từ khâu trồng và chăm sóc nguyên liệu, đến việc sơ chế, sản xuất, đóng gói đưa ra thị trường.

Đến nay, HTX đã cho ra đời khoảng 30 dòng sản phẩm bảo vệ sức khỏe như các loại trà túi lọc, trà cao, các loại tinh dầu, bột, ngâm chân.., trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện năm 2023 là trà an xoa và trà cao gắm… Hàng năm, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường hơn 10.000 sản phẩm, trong đó Cao an xoa, trà cao gắm 6.000 sản phẩm/năm.

Bà chủ tiết lộ lý do "bắt tay" nông dân làm dược liệu, mỗi năm bán cả chục nghìn sản phẩm đi khắp nơi  - Ảnh 4.

Đến nay HTX dược liệu An Phúc Khang đã cho ra đời khoảng 30 dòng sản phẩm bảo vệ sức khoẻ và được người tiêu dùng tín nhiệm.

Bà Băng chia sẻ: "Trà an xoa và Trà cao gắm là loại trà được nấu từ cây an xoa và cây gắm tươi theo phương pháp thủ công kết hợp công nghệ, là một trong những loại thảo dược tốt cho sức khỏe. Việc chế thành trà giúp tiện sử dụng hơn, trà mang lại nhiều công dụng trong việc cải thiện giấc ngủ, thanh nhiệt, hỗ trợ giải độc tố, đào thải các chất độc tố ra bên ngoài giúp cải thiện sức khỏe. Đây là sản phẩm của một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của cả HTX chúng tôi. Thành quả sau thời gian dài của những khó khăn, vất vả, miệt mài nghiên cứu và phát triển sản xuất.

Sản phẩm "Trà An Xoa và Trà Cao Gắm" ra đời là một niềm vui, niềm hạnh phúc đối với tất cả thành viên HTX, không những giúp con người cải thiện sức khỏe, nâng cao giá trị sản xuất, mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người, giúp họ cải thiện đời sống kinh tế vật chất".

Chị Nguyễn Thị Nhâm (tổ 3, phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa) cho biết, chị hay bị mất ngủ, khó ngủ do áp lực công việc. Từ khi được biết và sử dụng sản phẩm trà an xoa của hợp tác xã An Phúc Khang, chị không còn tình trạng trên, dễ đi vào giấc ngủ, da dẻ hồng hào, khỏe mạnh hơn nhiều. Chị rất tin tưởng và yên tâm khi sử dụng sản phẩm và chị cũng giới thiệu, chia sẻ cho mọi người xung quanh cùng biết đến sản phẩm tốt này.

Bà chủ tiết lộ lý do "bắt tay" nông dân làm dược liệu, mỗi năm bán cả chục nghìn sản phẩm đi khắp nơi  - Ảnh 5.

Trong hơn 10.000 sản phẩm Hợp tác xã cung cấp ra thị trường mỗi năm, Cao an xoa và trà cao gắm có 6.000 sản phẩm.

Dù mới đi vào hoạt động chưa đầy 3 năm nhưng Hợp tác đã mở được 2 chi nhánh tại xã Đắk Ha (huyện Đắk G'long) và thành phố Gia Nghĩa, ngoài ra còn liên kết với các công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đoàn từ thiện để cung cấp nguyên liệu dược liệu. 

Hiện nay, Hợp tác xã còn là thành viên của hội Đông y, Hội Nam y Việt Nam, cùng liên kết cung cấp sản phẩm cho các phòng khám, quầy thuốc tại các tỉnh như An Giang, Bình Phước... Bên cạnh đó Hợp tác xã còn bán online trên mạng xã hội thông qua kênh bán hàng như shoppeer, Postmart và trang web duoclieuanphuckhang.com. 

Hợp tác xã cũng rất tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Cũng theo bà Băng, trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các dòng sản phẩm có lợi cho sức khỏe, đầu tư thêm trang thiết bị, mở rộng và củng cố vùng nguyên liệu để phát triển sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mọi người.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem