Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về văn hóa trong nông nghiệp và nông dân: Bán những giá trị vô hình (Bài 1)

Thanh Huyền (thực hiện) Thứ tư, ngày 29/11/2023 11:27 AM (GMT+7)
Văn hóa là gốc rễ, là giá trị vĩnh hằng của cuộc sống. Văn hóa theo nghĩa rộng bao gồm cả những giá trị tinh thần và giá trị vật chất. Vì thế nếu biết phát huy, biết khai thác, văn hóa với những giá trị vô hình có thể mang lại những giá trị kinh tế hữu hình vô cùng to lớn.
Bình luận 0

Chính vì thế, đàm luận về nông nghiệp, nông dân nhưng sẽ không phải là giống, vật tư phân bón hay năng suất, sản lượng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan sẽ cùng phóng viên tiếp cận một chủ đề, một phạm trù không mới nhưng có vẻ vẫn còn lạ ở Việt Nam, đó là văn hóa trong nông nghiệp và nông dân.

Thưa Bộ trưởng Lê Minh Hoan theo ông thì khi chúng tôi đặt vấn đề là văn hóa trong nông nghiệp và nông dân thì có quá mơ hồ hay không ạ?

Trong cuộc sống đôi khi chúng ta chỉ nhìn thấy cái hữu hình mà không nhìn thấy cái vô hình. Văn hóa là cái vô hình và vì rất là nhiều lý do mà chúng ta đã định vị chưa đúng lắm vai trò của văn hóa trong sự phát triển của một địa phương hay mỗi con người. Thậm chí, chúng ta cũng đang nhìn nền nông nghiệp qua cái sự hữu hình mà không nhìn nông nghiệp bằng các giá trị vô hình: giá trị văn hóa. 

Tiếng Anh, chữ nông nghiệp là agriculture, nó xuất phát từ sự vun trồng theo nghĩa đen là trồng trọt, là sản xuất, nhưng nó còn có một nghĩa bóng nữa là vun trồng con người. Khi đã chạm tới con người là  chạm tới cảm xúc, tới các giá trị đời sống tinh thần. Mà một trong những khía cạnh tinh thần là văn hóa, do đó văn hóa trong nông nghiệp hay văn hóa trong nông dân và nông thôn cấu thành giá trị của nền nông nghiệp. 

Tôi nói thêm rằng nông nghiệp không phải chỉ là sản xuất, chúng ta đã chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế rồi. Mài tư duy kinh tế ngày nay cũng không phải chỉ là kinh tế hữu hình mà còn có cả kinh tế vô hình. Yếu tố văn hóa và yếu tố xã hội cũng là nguồn vốn để phát triển một địa phương hay một con người. 

Thành ra, tôi thường hay nói rằng: văn hóa là cái có thể bán được. Mà trước hết nó sẽ chuyển hóa thành cái hữu hình, nó nâng cái giá trị hữu hình lên và bản thân văn hóa cũng có thể là cái bán được.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xây dựng văn hóa trong nông nghiệp để bán những giá trị vô hình  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Tôi hay nói với mấy bác nông dân rằng nếu mấy bác chỉ bán xoài, bán hạt gạo hay bán con tôm, con cá thì mấy bác chưa có giàu được. Các bác phải bán chính hình ảnh người nông dân.

 Vâng, đúng như Bộ trưởng nói, chúng ta đã chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế. Vậy, giá trị cốt lõi nhất của kinh tế nông nghiệp là gì, thưa Bộ trưởng?

Tôi hay nói với mấy bác nông dân rằng nếu mấy bác chỉ bán xoài, bán hạt gạo hay bán con tôm, con cá thì mấy bác chưa có giàu được. Các bác phải bán chính hình ảnh người nông dân. Thương hiệu của mình mới chính là văn hóa, là  giá trị cốt lõi đi cùng năm tháng. 

Chúng ta nhớ rằng, trong con người chúng ta có hai đời sống. Một là đời sống vật chất, đó là cái mà chúng ta ăn, cái chúng ta uống. Nhưng cái đó nó chỉ nằm ở tầng thấp. Cái tầng cao hơn là đời sống tinh thần. Người ta ăn nó để người ta có cảm xúc, ăn để người ta vui vẻ quây quần bên nhau.  Càng ngày người tiêu dùng càng hướng đến nhiều hơn cái cảm xúc. 

Chính vì thế, định vị người nông dân, tri thức hóa người nông dân hay nâng cao giá trị văn hóa người nông dân là cái mà chúng ta phải có trách nhiệm nhiều hơn. Chúng ta không nên cảm thán nữa mà mỗi chúng ta hãy hành động để giúp cho bà con mình lịch lãm hơn, có tri thức nhiều hơn.

Chúng ta chuyển sang một vấn đề khác. Câu chuyện được mùa rớt giá là điển hình nhưng vẫn đang còn là chung chung, tôi cụ thể hơn, nông dân Việt mình cứ thấy ai trồng cây, nuôi con gì mà năng suất, sản lượng cao thì thi nhau làm, không quan tâm lắm đến chất lượng hay thị hiếu người tiêu dùng. Vẫn đang là tư duy lấy nhiều bù giá trị cao. Vậy thì nếu như ở góc độ của văn hóa thì đây có được xem là một sự ứng xử chưa có những yếu tố văn hóa trong sản xuất không?

Ở đây nó có hai cái bẫy đặt ra. Cái bẫy đầu tiên đó là chưa chắc sản lượng nhiều mà thu nhập lại cao, thứ hai là chúng ta chỉ nghĩ tới thu nhập mà chúng ta quên đi cái văn hóa, cái đời sống tinh thần của bà con. Hay nói một cách khác hơn chúng ta chưa thực sự xem người nông dân là trung tâm, chúng ta chăm chút tạo ra giá trị ngành hàng mà chúng ta ít chăm chút tạo ra một giá trị của người nông dân. 

Nó là một dòng cộng hưởng, khi đời sống văn hóa, văn hóa của người sản xuất, tinh thần người nông dân, cảm xúc tích cực của người nông dân được nâng lên, rồi sự hài hòa trong nông thôn được nâng lên, cấu kết cộng đồng chặt chẽ hơn, sự hợp tác, chia sẻ với nhau nhiều hơn thì lúc đó người nông dân sẽ thấy rằng mình không bị cô lập ở trong ngôi nhà của mình nữa. Người ta vươn ra với cộng đồng, người ta phải đồng đẳng với doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xây dựng văn hóa trong nông nghiệp để bán những giá trị vô hình  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan trao đổi với phóng viên về chủ đề văn hóa trong nông nghiệp.

Nhân nói đến "được múa rớt giá", tôi lại muốn đề cập câu chuyện giải cứu nông sản. Thực tế thì năm nào cũng thế, không ở địa phương này thì địa phương kia, không sản phẩm này thì sản phẩm kia rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa. Không tiêu thụ được chúng ta lại hô hào giải cứu. Vậy Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về việc giải cứu này? Nhìn ở góc độ văn hóa nông nghiệp thì nó đã phù hợp chưa?

- Khi cung với cầu gặp nhau nó sẽ cân bằng giá.  Tức là gặp nhau dựa trên mấy yếu tố.  Một là về sản lượng, hai là thời điểm, ba là giá cả và chất lượng. Kinh tế học xác định đó là cái điểm khớp nối thị trường. Nhưng điều đó không bao giờ ổn định, đặc biệt là đối với nông nghiệp. Nó khác với lĩnh vực công nghiệp. Trong công nghiệp, khi sản xuất ra ô tô, thấy thị trường chưa thuận lợi, người ta có thể đưa vào kho để một năm cũng không sao hết, nhưng nông sản thì khác, chỉ hai ba ngày trái cam Vinh nó sẽ khô héo. Đó là đặc điểm thứ nhất. 

Đặc điểm thứ hai đó là: thị trường trăm người bán, vạn người mua. Chúng ta vừa là người bán cũng vừa là người mua. Chúng ta xuất khẩu một nông sản nào đó thì Thái Lan, Malaysia… người ta cũng xuất khẩu cùng một nông sản qua thị trường đó.  Thậm chí thị trường đó mùa này người ta có thể mua nhưng mùa khác người ta có thể đã sản xuất được. Thành ra bức tranh hay là dữ liệu thị trường rất khó đoán định, khó dự báo, đó là chưa nói đến những biến cố. 

Tuy nhiên, đó chỉ là những yếu tố bên ngoài thôi, còn bản chất của nền nông nghiệp mình chính là: bà con quyết định giá.  Không có sự không ổn định đó, bởi vì khi được giá thì bà con trồng nhiều, khi giá xuống bà con lại giảm đi, rồi khi cắt giảm giá nó lại lên, cứ luẩn quẩn mãi như vậy. Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa tổ chức lại ngành hàng. Vậy nên quan trọng nhất không phải là trồng cái gì mà là phải tổ chức ngành hàng đó. Nông sản phải có tổ chức. 

Ở nước ngoài, những tổ chức đó có sức mạnh chia sẻ cho nhau.  Còn mình ai mạnh người ấy làm, người kia làm được tại sao không cho tôi làm. Nhiều người cùng trồng thì tự nhiên nó rộ lên và làm nhũng nhiễu thị trường. Thành ra cái này nó cũng là một tinh thần văn hóa.  Đó là văn hóa hợp tác với nhau giữa những người nông dân. Hợp tác là văn hóa, là thái độ sống.

Nhưng ở góc độ của Bộ trưởng, Bộ trưởng có đồng ý với việc giải cứu không?

Tôi hoàn toàn không đồng tình với việc giải cứu nông sản như lâu nay. Và tôi nghĩ, từ nay về sau đừng dùng từ "giải cứu" vì bản thân cái từ giải cứu nó gây ra một cảm xúc không có lợi. Bởi đã là hàng hóa phải giải cứu, người nông dân sẽ trộn lẫn hàng giải cứu với hàng không giải cứu, không phân định phẩm cấp. 

Và nguy hiểm hơn, sẽ hình thành một cách nghĩ thụ động, cứ làm, làm và làm, nếu ùn ứ thì đã có giải cứu, rồi tự nhiên nông dân người ta thấy không cần phải chăm chút, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm gì nữa hết, đúng không? Mà một khi không chăm chút thì chất lượng nó càng xuống, chất lượng xuống thì giá lại càng rẻ, rẻ thì người ta lại bỏ bê luôn. Hệ lụy nó cứ kéo theo như thế. 

Thành ra tôi cho rằng, chúng ta phải hướng tới một nền nông nghiệp không giải cứu nữa. Nói thì dễ nhưng hành động mới khó, mà hành động đó xuất phát đầu tiên phải từ địa phương. Bộ trưởng không thể nào xuống tận tất cả những nơi nông dân sản xuất. Mà muốn hành động thì lãnh đạo một lần nữa phải nghĩ tới người nông dân, nghĩ cho người sản xuất.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xây dựng văn hóa trong nông nghiệp để bán những giá trị vô hình  - Ảnh 3.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, người nông dân phải chủ động hơn trong sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Ảnh: P.V Tây Bắc.

Cũng không thể đổ lỗi hết cho ngành nông nghiệp hay người nông dân. Đã là kinh tế hàng hóa thì cận sự liên kết.  Trong công nghiệp có chuyên môn hóa thì trong Nông nghiệp cũng phải như thế và phải làm theo chuỗi. Thậm chí không phải là chuỗi trong nội bộ ngành nữa phải là liên kết giữa các ngành.  Tôi lấy ví dụ, người Nhật hay người Châu Âu họ rất trân trọng sản phẩm nông nghiệp của mình, nhưng ở ta, ngay cả vào siêu thị nhiều sản phẩm vẫn đang bày bán ở dạng thô, không phân loại hay phẩm cấp sản phẩm. Cái này thì lỗi thuộc về ai, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng không vô can trong thực trạng đó, mà cơ quan truyền thông cũng không vô can. Có hai cách chúng ta thường làm. Một là chúng ta sắp xếp cho nó ngăn nắp bằng pháp luật, bằng quy chế, hai là chúng ta truyền thông cho những giá trị mới. Chúng ta lấy cái tích cực đó lan tỏa dần lên. 

Tất nhiên chúng ta phải hướng tới quy chuẩn và nguyên tắc bởi nền nông nghiệp mình nó rất mù mờ. Người tiêu dùng cơ bản đều không biết lựa chọn. Nhưng cả nước có tới 50 triệu nông dân, 50 triệu người tạo ra sản phẩm trong các siêu thị, vậy nếu cứ chơ đợi pháp chế và quy tắc thì rất khó thiết lập trật tự. Nên một lần nữa tôi lại nhấn mạnh đến tinh thần hợp tác và liên kết. 

Tôi đọc giáo trình của một trường cấp 3 ở Nam Định, người ta dạy học sinh trồng ngô, trồng sắn, nuôi lợn, nuôi cá nhưng nhấn mạnh: Dù em làm tốt bao nhiêu mà em không hợp tác với người khác thì em sẽ thất bại, em phải vô hợp tác xã, phải biết giá trị của doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng để em tham gia vào cái chuỗi đó, chứ em đừng bao giờ  đứng riêng một mình. Tức là người ta đã hình thành một tinh thần hợp tác, giá trị của hệ sinh thái, giá trị của chuỗi ngành hàng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.   

Đúng là không ai vô can, ngay cả người tiêu dùng cũng phải khắt khe hơn, chuẩn mực hơn khi lựa chọn sản phẩm đúng không ạ, bởi có như thế thì bản thân người nông dân và các đơn vị cung ứng mới có sự chỉn chu và chăm chút cho sản sản phẩm của mình?

- Người tiêu dùng thì nói: anh làm tốt thi tôi mua giá cao, còn  người nông dân lại bảo: chừng nào anh mua giá cao thì tôi sẽ làm tốt. Chúng ta phải kích hoạt cả hai. Nhưng nếu kích hoạt cả hai thì hãy kích hoạt người tiêu dùng trước bởi dù sao chúng ta cũng có điều kiện hơn bà con nông dân, rồi thông qua việc mua hàng đó mình sẽ nói với người nông dân rằng: hôm nay chúng tôi mua vậy nhưng tôi thấy bà con phải cố gắng hơn nữa để có sản phẩm tốt hơn, và chúng tôi sẵn sàng mua giá cao hơn nữa nếu bà con thay đổi. Mỗi người chúng ta hãy ứng xử với bà con nông dân như vậy chứ đừng mặc cả chuyện thuận mua vừa bán.     

Chúng ta thưởng thức món ăn bây giờ không chỉ bằng miệng mà còn là bằng mắt nữa. Vậy thì cái câu nói "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" có còn đúng nữa hay không thưa Bộ trưởng? Hay là bây giờ gỗ và sơn đều phải tốt nhất?

Thực ra chúng ta đang nghĩ rất đơn thuần rằng sản phẩm nông nghiệp chỉ để làm lương thực thực phẩm.  Tại sao chúng ta đi mua một gói quà, thấy ai gói đẹp thì mua?  Mình ăn thì cần gì bao bì đẹp. Nhưng rõ ràng chúng ta đã bắt đầu đi vào cái cảm xúc, cái văn hóa rồi. Tất cả những cái đó nó chính là biểu hiện bề ngoài của văn hóa, nhưng ẩn sâu trong đó là con người tạo ra sản phẩm đó. 

Tính nhân văn tính chia sẻ, tính nghĩ cho người khác của chính những người nông dân. Cái tôi bán không phải chỉ là một hạt sen hay một quả cam Vinh nữa mà là tôi bán niềm tự hào về đặc sản quê hương xứ sở, một sản phẩm văn hóa do chính tôi chăm chút tạo ra. 

(Còn tiếp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem