Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về văn hóa trong nông nghiệp, nông dân: Để giá trị văn hóa thành lợi thế (bài cuối)

Thanh Huyền (thực hiện) Thứ năm, ngày 30/11/2023 08:19 AM (GMT+7)
Tiếp nối câu chuyện văn hóa trong nông nghiệp, nông dân, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, hãy chỉ cho bà con cách làm giàu hơn nữa chính là tự biết nâng tầm của mình lên, biết nâng cao giá trị văn hóa của chính mình.
Bình luận 0

Thưa Bộ trưởng với tư cách là tư lệnh ngành và cũng là một chính khách được đánh giá là có cách nghĩ phóng khoáng, vậy ông nghĩ, văn hóa nông nghiệp và nông dân hiện nay cần như thế nào?

-Văn hóa đi liền với tri thức hóa, mà muốn tri thức hóa không phải cứ đưa bà con nông dân vào trường để dạy là được. Văn hóa là những cái ứng xử hàng ngày. Văn hóa vốn dĩ từ xa xưa đã có trong cộng đồng người nông dân mình rồi. Nhưng nhiều khi do chúng ta định vị nó lệch chuẩn thành ra nó bị mai một dần và mất đi. 

Cái cần nhất bây giờ trước hết là phải phục hồi những giá trị văn hóa ở trong làng xóm, trong cộng đồng người nông dân, sau đó kích hoạt những giá trị văn hóa tốt đẹp tiềm tàng đó để nó tỏa ra, nhân lên.

 Nông dân Việt Nam mình vốn hồn hậu chất phác và lương thiện, vì thế chúng ta không cần phải lấy cái gì mới lạ du nhập vào.

Tôi hay kể với bà con nông dân chuyện về một ông trồng ngô. Một người mà năm nào tổ chức hội chợ, giống ngô của ông đều đạt hạng nhất. Nhiều người thấy lạ là ngô của ông tốt vậy nhưng tới mùa vụ ông lại đem giống ngô của mình đi bán rẻ, thậm chí ông cho mấy ông nông dân xung quanh nữa. Truyền thông hỏi ông tại sao không để bí quyết mà làm giàu, lại đưa giống tốt đi cho và bán rẻ. Ông trả lời: trồng ngô, ngô muốn thụ phấn thì phải nhờ gió thổi phấn, nếu ruộng ngô của tôi tốt nhưng mà ruộng ngô hàng xóm xấu thì cũng lẫn lộn như nhau, kết quả ruộng của tôi tốt cũng sẽ thành xấu. Thành ra tôi giúp người ta chính là giúp tôi. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về văn hóa trong nông nghiệp, nông dân: Để giá trị văn hóa thành lợi thế (bài cuối) - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan ấn tượng với một sản phẩm OCOP Nghệ An được trưng bày trong sự kiện quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP xứ Nghệ do Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức. Ảnh: Bảo Thắng.

Đó là một câu chuyện đời thường, không nói gì đến văn hóa, nhưng đó chính là văn hóa. Chúng ta hay dạy thanh niên, nông dân làm giàu, nhưng làm giàu có hai nghĩa. Giàu không phải chỉ là tiền bạc, là thu nhập mà phải giàu đời sống tinh thần, giàu sự sẻ chia. Hãy chỉ cho bà con cách làm giàu hơn nữa chính là tự biết nâng tầm của mình lên, biết nâng cao giá trị văn hóa của chính mình.

Lâu nay nhiều người (tôi muốn nhấn mạnh chữ "nhiều người" bởi vì không phải là tất cả) cứ nhìn thấy cái gì cũ, lạc hậu, thô kệch hoặc là có cái gì đó không thuận mặt thì câu cửa miệng vẫn là: nhìn như nông dân. Ông nghĩ sao về vấn đề này? Thực ra bản thân tôi cũng xuất thân từ nông dân, đôi khi cũng thấy chạnh lòng và tự ái.

- Tại sao chúng ta lại không có một giấc mơ chuyển  người nông dân bình thường, lam lũ, chất phác, chân quê tới một người nông dân có tri thức có văn hóa, lịch lãm. Tại sao chúng ta cứ luôn mặc định và cho rằng nông dân  chỉ là những người quanh quẩn bên bờ ao, bên thửa ruộng, "quanh năm chân đất đầu trần". 

Cũng chính vì thế nên mô tuýp sân khấu hóa hình tượng người nông dân luôn phải là mặc áo màu nâu sòng, đi chân đất, mặt mày lấm lem? Tại sao người nông dân không thể diện com lê, xuất hiện một cách đàng hoàng, đúng không?  

Đó là một sự phát triển, mỗi giai tầng, mỗi con người cụ thể đều có sự phát triển, tại sao chúng ta lại mặc định như thế. Và rõ ràng khi chúng ta mặc định và cứ cố thủ một hình ảnh về nông dân như thế thì trong tâm thức chúng ta gần như đã chấp nhận câu chuyện đó luôn. 

Từ suy nghĩ đến hành động, qua từng bài viết, từng chuyên mục, từng tờ báo, hay tác phẩm nghệ thuật chúng ta đều xây dựng một hình ảnh như thế, điều đó khiến cho hình tượng người nông dân cứ bị đóng khung bao đời, dù họ đã thay đổi, đã chuyển mình theo nhịp sống tiến bộ và hiện đại từ lâu. Vì thế, thay vì làm cho người nông dân cảm thấy buồn, tự ti chúng ta phải gợi cho họ một cảm xúc tích cực hơn. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về văn hóa trong nông nghiệp, nông dân: Để giá trị văn hóa thành lợi thế (bài cuối) - Ảnh 2.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan ấn tượng với nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Bảo Thắng.

Vậy nếu đưa những giá trị đặc trưng về văn hóa vào các sản phẩm nông nghiệp thì có tạo ra được lợi thế cạnh tranh hay không, thưa Bộ trưởng?

- Đặc sản là gì, nhiều khi chúng ta không hiểu được chữ đặc sản. Đặc sản là một sản phẩm đặc biệt chỉ nơi đó có thôi. Mà nơi đó có không chỉ do thổ nhưỡng, do khí hậu mà còn do truyền thống, do các yếu tố văn hóa cấu thành. Thành ra, người sản xuất và quảng bá, bán đặc sản phải hiểu được điều đó. Cái người ta mua bây giờ là mua sự khác biệt. 

Lạc ở đâu  cũng có, Đồng Tháp có trồng lạc nhưng mà chắc chắn lạc Đồng Tháp sẽ khác lạc Nghệ An. Đó chính là khác biệt về phù sa từ sông Lam, khác biệt về địa tích, về văn hóa. Vấn đề là làm sao chúng ta biết cùng với bà con kể một câu chuyện về sự khác biệt đó. 

Sen thì Đồng Tháp cũng có nhưng mà làm sao  bằng Nam Đàn, bản thân cái tên Nam Đàn đó đã tạo ra được cảm xúc rồi. Nam Đàn, sông Lam - những địa danh quá hay, quá giàu bản sắc văn hóa. Tại sao chúng ta không gắn đặc sản của quê mình với những cái tên đó mà gắn những cái tên chung chung, không khơi gợi được cảm xúc hay bản sắc riềng. Trà hoa vàng thì ở đâu chẳng là hoa vàng? Sen ở đâu chẳng là sen? Tôi nhấn mạnh lại một lần nữa: bây giờ thứ người ta mua là cảm xúc, cảm xúc qua câu chuyện kể.

Nghĩa là mình không đi theo một dòng sản phẩm duy nhất, dù đó là sản phẩm hữu hình, mà từ một dòng sản phẩm sẽ kích hoạt tâm lý người tiêu dùng dõi theo địa phương đó, dõi theo các dòng sản phẩm còn lại của địa phương đó.  

Chẳng hạn, từ thương hiệu tương Nam Đàn, chúng ta sẽ dẫn dắt người tiêu dùng hướng đến những câu chuyện nông sản khác của Nam Đàn, của Nghệ An. Đừng viết và xây dựng đề án với quá nhiều sản phẩm mà hãy đi từ 1- 2 sản phẩm chủ lực và làm cho tới nơi, tới chốn. 

Một điều quan trọng nữa là phải đưa bà con nông dân vào các chương trình đó chứ đừng nên ngồi hội thảo hàn lâm, chỉ lãnh đạo và doanh nghiệp ngồi với nhau mà bỏ quên vị trí, vai trò trung tâm của người nông dân.  Người nông dân càng tự tin thì người ta càng chăm chút hơn cho sản phẩm của mình, điều đó quan trọng hơn là đầu tư bao nhiêu vốn, bao nhiêu chi phí cho một đơn vị diện tích.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem