Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Vì sao sản xuất xanh chưa được nông dân, doanh nghiệp quan tâm? (Bài 4)

Thiên Ngân Thứ bảy, ngày 02/12/2023 06:10 AM (GMT+7)
Sản xuất xanh chưa được nhiều doanh nghiệp hay nông dân đặt thành mối quan tâm hàng đầu là vì họ chưa thấy được hiệu quả tức thì, nghĩ nó còn xa vời hoặc chỉ những người “thừa tiền” mới đi làm. Nhưng với những người đã đi trước một bước, chú trọng sản xuất nông nghiệp bền vững thì đã và đang gặt hái thành quả…
Bình luận 0

"Thừa tiền" mới đi làm nông nghiệp xanh? 

Là một trong số những HTX có kế hoạch tham gia đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ NNPTNT, ông Bùi Văn Tuấn - Giám đốc HTX Dịch vụ thương mại nông nghiệp Cây Trôm (Long An) cho biết, HTX đang sản xuất lúa theo quy trình an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu nên có nền tảng khá thuận lợi khi chuyển sang làm lúa giảm phát thải. 

Ngoài việc kiểm soát tốt lượng giống gieo, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được HTX làm nhuần nhuyễn, bây giờ có thêm yêu cầu là quản lý chặt việc sử dụng nước, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến để giảm phát thải khí nhà kính.

Nông nghiệp xanh - cơ hội cho những người đi trước - Ảnh 1.

Cánh đồng của HTX Cây Trôm liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao. Ảnh: C.T

Tuy nhiên ông Tuấn cũng khẳng định, khi đã quen với việc sản xuất an toàn thì HTX rất sẵn sàng thử nghiệm, thích nghi với những cái mới. Thực tế từ 4-5 năm trước, HTX đã thử nghiệm phương pháp tưới ướt - khô xen kẽ, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang triển khai. 

Theo đó, HTX sử dụng ống cảm biến (AWD TUBE) và trạm điều khiển bơm, nông dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet là có thể điều khiển từ xa cho hệ thống trạm bơm cấp nước ngọt vào ruộng đúng lúc, đúng thời điểm và tự động hóa. Việc này giúp bà con tiết kiệm được khá lớn lượng nước so với phương pháp tưới tràn trước kia, qua đó nâng cao giá trị và hiệu quả lợi nhuận cho người trồng lúa.

"Việc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp được xem là tất yếu và sống còn. Có thể thấy, phát triển nông nghiệp bền vững giờ đây không còn là vấn đề khuyến khích, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường xuất khẩu".

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường

trong nước (Bộ Công Thương)

"Chúng tôi hướng đến mô hình "1 phải, 6 giảm", và nếu sản xuất theo tiêu chuẩn mới, bán được tín chỉ carbon, nâng cao giá trị gia tăng từ hạt gạo thì chắc chắn giá trị hạt gạo mang lại sẽ không kém các cây khác" – ông Tuấn nói. 

Theo đó, tham gia Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, HTX Cây Trôm dự định nâng cao chất lượng toàn bộ 500ha diện tích canh tác lúa theo tiêu chuẩn châu Âu, đồng thời tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm chế biến sâu từ hạt gạo.

"Nhiều nước có những động thái hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo tiêu dùng trong nước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cao, trong khi đó, diện tích lúa ở nhiều địa phương có xu hướng thu hẹp, do vậy chúng tôi nhận định thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội cho HTX Cây Trôm phát triển" - ông Tuấn kỳ vọng.

Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng quan tâm tới việc sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, cho rằng chưa cần thiết quan tâm tới sản xuất nông nghiệp bền vững. 

Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm G.C Food (GCF) cho rằng: "Sở dĩ sản xuất xanh chưa được doanh nghiệp hay nông dân đặt thành mối quan tâm hàng đầu là vì mọi người chưa thấy được hiệu quả tức thì, nghĩ nó còn xa vời hoặc chỉ những doanh nghiệp "thừa tiền" mới đi làm. Đây là lối suy nghĩ lạc hậu rồi, do trước đây chúng ta không được đào tạo, truyền thông đầy đủ".

Ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, là đơn vị chuyên xuất khẩu hàng nông sản sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng đạt chuẩn, như vải thiều, cà rốt... 

"Chúng tôi rất cần những vùng sản xuất nông sản xanh với quy trình đồng bộ, thay vì chỉ một vài HTX sản xuất nông sản xanh. Chúng tôi mong muốn đi đâu cũng có nông sản xuất khẩu được, chứ không phải đi đâu cũng phải kiểm tra, thậm chí có trường hợp phải kiểm tra tới 5 lần mới thực sự tin tưởng để đưa đi xuất khẩu", ông Tiến nói.

Còn ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) chia sẻ đơn vị đang gặp khó khăn trong việc thay đổi nhận thức cho người nông dân và đội ngũ quản lý. "Để người nông dân tiếp cận chính sách và thay đổi nhận thức sản xuất xanh, sạch như thế nào cần cả quá trình lâu dài, kiên nhẫn" - ông Thám chia sẻ. 

Hiện HTX đang hợp tác với tổ chức JICA (Nhật Bản) để tập huấn, tạo môi trường xử lý phụ phẩm công nghiệp, xây dựng mô hình công nghệ sinh thái, song chưa có nhiều cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, HTX cũng thiếu nguồn nhân lực có năng lực, trình độ. 

"HTX mời các bạn trẻ về làm việc rất khó. Chẳng hạn, với vị trí marketing hay nhân viên kinh doanh, HTX sẵn sàng trả lương 10 triệu một tháng, nhưng vẫn khó thu hút được lao động" - ông Thám cho biết. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan ấn tượng với Nông trường WinEco Củ Chi  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác có chuyến khảo sát thực tế tại Nông trường nông nghiệp công nghệ cao WinEco Củ Chi ngày 18/10/2022. Ảnh: T.N

"Trái ngọt" cho những người đi trước, theo đuổi nông nghiệp bền vững

Với những người đã đi trước một bước, "lên bờ xuống ruộng" theo đuổi nông nghiệp xanh, bền vững thì họ đã và đang gặt hái thành quả. 

Là người sáng lập Công ty Les Vergers Du Mékong (Công ty CP Vườn trái Cửu Long), ông Jean Luc Voisin - một kỹ sư nông nghiệp người Pháp có nhiều tình yêu với nông nghiệp Việt Nam đã quyết tâm theo đuổi con đường nông nghiệp xanh bằng cách quảng bá canh tác nông nghiệp bền vững và nguồn nguyên liệu bản địa. Ngay từ những năm 2000, ông đã tạo ra một mô mình kinh doanh độc đáo - từ nông trại đến bàn ăn - bằng cách kết hợp chuỗi cung ứng mạnh, quy trình chế biến các sản phẩm tự nhiên và hệ thống phân phối trực tiếp cho thị trường Việt Nam và Campuchia.

"Động cơ để tôi nỗ lực làm việc là muốn chứng minh rằng chúng ta có thể làm khác đi trong nông nghiệp", Jean chia sẻ với tạp chí Forbes và cho rằng, vùng ĐBSCL có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên không thể so sánh được. Theo đó, khi mới xây dựng nhà máy nước ép trái cây ở Cần Thơ, ông đã cố gắng tìm nguồn nguyên liệu có thể truy xuất nguồn gốc. 

Năm 2006, nhà máy ký hợp đồng bao tiêu đầu tiên với nông dân nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu, giúp nông dân yên tâm canh tác, cải thiện thu nhập cũng như theo đuổi quy trình sản xuất bền vững.

Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Cơ hội cho những người đi trước - Ảnh 5.

Công ty Vườn Trái Cửu Long đang được hưởng lợi từ việc thiết lập chuỗi cung ứng đáng tin cậy với các sản phẩm chất lượng cao. Ảnh: Le Fruit

Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Văn Đồng - Tổng Giám đốc Công ty CP Vườn trái Cửu Long cho biết: Trung bình mỗi năm, các vườn cây của chúng tôi sản xuất hơn 6 triệu tấn trái cây, với hơn 30 loại khác nhau, cả trái cây nhiệt đới (dứa, xoài, chanh leo...) từ đồng bằng sông Cửu Long đến trái cây ôn đới (mâm xôi, dâu tây...) đến từ các vườn ở trên Tây Nguyên. 

Hiện nay, khoảng 80% sản phẩm của công ty được tiêu thụ tại hệ thống nhà hàng, khách sạn 5 sao như Mariott, Melia, Sheraton... 20% còn lại tiêu thụ qua các kênh bán lẻ hiện đại với 2 thương hiệu: Folliet và Le Fruit.

Sản phẩm Le Fruit của Công ty CP Vườn trái Cửu Long đã 4 lần đoạt giải thưởng Great Taste Awards ở London (Anh), trong đó món đồ uống ổi trộn thanh long và củ dền từng lọt vào vòng cuối giải International Drink Innovation Awards 2017. Tuy nhiên Le Fruit không được biết đến rộng rãi do Jean không chủ trương quảng bá, tiếp thị thay vào đó tập trung vào phát triển chuỗi cung ứng và quan hệ với nông dân.

Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Cơ hội cho những người đi trước - Ảnh 6.

Công ty Vườn cây trái Cửu Long đang liên kết với nhiều hộ nông dân tại Cần Thơ, Hậu Giang... trồng cây ăn trái theo hướng bền vững. Ảnh: Le Fruit

Được sáng lập bởi 3 bạn trẻ, Hợp tác xã Lục Ngạn Xanh (xã Đồng Cốc, Lục Ngạn, Bắc Giang) đã bắt đầu thu được những vị ngọt khi quyết tâm xây dựng thương hiệu cho vải thiều Lục Ngạn. Từ diện tích vải thiều ban đầu của gia đình, 3 bạn trẻ Hồ Kiều Oanh, Nguyễn Thị Minh Thùy và Nguyễn Văn Hảo đã cần mẫn thay đổi quy trình canh tác, trồng vải theo tiêu chuẩn Global GAP. Vải được trồng trên các quả đồi rộng lớn, cách biệt với bên ngoài bởi những cánh rừng. 

Nhờ đó, vải thiều của HTX cho chất lượng đặc trưng, vị ngọt thơm, vỏ mỏng, hạt nhỏ, quả chín đỏ đẹp mắt. Năm 2020, sản phẩm đã vượt qua các tiêu chí kiểm định khắt khe và được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Chị Nguyễn Thị Minh Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Lục Ngạn Xanh cho biết, lúc mới thành lập năm 2021, HTX có 8 thành viên, đến nay đã tăng lên 22 thành viên, trong đó có 6 thành viên nữ, 12 thành viên là người dân tộc thiểu số.

Hiện nay HTX sản xuất chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích là 25 ha, trong đó vải thiều là 15 ha (sản xuất và đạt chứng nhận VietGAP), còn lại 10 ha trồng táo, ổi, hoa cúc chi, rau công nghệ cao. Ở lĩnh vực chế biến, HTX có 1 xưởng sản xuất Mỳ Chũ truyền thống tại thôn Thủ Dương, xã Nam Dương và 1 xưởng chế biến nhỏ để sấy hoa cúc chi, trà dược liệu, sấy vải thiều tại thôn Trường Sinh, xã Tân Quang. Đặc biệt, mô hình dưa lê, dưa chuột, hoa cúc chi… của HTX hoàn toàn dùng phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc BVTV sinh học.

Không chỉ quan tâm đầu tư vào chất lượng, HTX còn chú trọng đến bao bì, mẫu mã đựng sản phẩm, với hình thức đẹp mắt, phù hợp để sử dụng hay dùng làm quà biếu, tặng. Đối với việc bảo quản sản phẩm, HTX đã kết hợp với công ty thử nghiệm ứng dụng công nghệ bảo quản MAP để giúp quả vải thiều tươi lâu hơn.

Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Cơ hội cho những người đi trước - Ảnh 7.

Nguyễn Thị Minh Thùy - Nữ giám đốc trẻ của HTX Lục Ngạn xanh đang kiểm tra chất lượng vườn táo của thành viên HTX. Ảnh: Nguyễn Chương

Thay đổi cách nghĩ, cách tiếp cận với nông nghiệp xanh

Tại diễn đàn "Phát triển mô hình kinh tế HTX, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững" do Liên minh HTX Việt Nam và một số đơn vị phối hợp tổ chức mới đây, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết các quốc gia phát triển đã và đang triển khai chương trình phát triển xanh, khung pháp lý để nhập khẩu hàng hóa của các nước phải bảo đảm sản xuất xanh. 

Cụ thể, Hướng dẫn 79/117/EEC của Ủy ban châu Âu (EC), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép tồn dư trên sản phẩm nhập khẩu vào EU rất thấp, gần như bằng 0. Nếu EU phát hiện có bất cứ một chất cấm nào tồn dư trong mẫu sản phẩm nhập khẩu, lô hàng đó sẽ bị từ chối và tiêu hủy, nhà cung cấp sẽ phải chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy, thậm chí có thể bị truy tố.

TS Vũ Mạnh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ NNPTNT (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết thêm, hiện Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy, tạo cơ hội cho các hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi xanh như Quyết định số 1658 về chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050… 

Tuy vậy, ông Hùng cũng cho rằng quá trình này cũng mang đến nhiều thách thức cho các HTX nông nghiệp, như sự phát triển không đồng đều của hợp tác giữa các địa phương, vùng, miền dẫn đến việc các HTX khó hấp thụ được các cơ chế, chính sách chuyển đổi xanh như: chính sách đào tạo, các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng đối với việc giảm phát thải carbon.

Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh nông sản, Bộ Công Thương đã triển khai thí điểm các mô hình, hàng hóa được phân phối trong các hệ thống hiện đại luôn được doanh nghiệp phối hợp với các nhà cung ứng, trong đó có các liên minh HTX, HTX, hộ nông dân cùng kiểm soát nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về hồ sơ chứng từ, quy trình sản xuất, trồng trọt... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem