Thứ Năm, ngày 16/01/2025 10:16 PM (GMT+7)

Đi Đà Lạt ăn đặc sản cá nước lạnh

2023-07-23 08:00:00

Cá được nuôi với dòng nước lạnh từ sông, suối tự nhiên vùng đầu nguồn, là nguồn nước đảm bảo chất lượng mà không cần qua hệ thống xử lý.


Đi Đà Lạt ăn đặc sản cá nước lạnh - Ảnh 1.

Lẩu cá tầm Đà Lạt rất được du khách ưa chuộng.


Đà Lạt ngoài bánh căn, lẩu gà lá é thì có một đặc sản siêu hấp dẫn, là cá tầm mà ít ai biết. Cá sống tươi ngon bắt tại hồ, giá cả lại tương đối mềm, một lẩu chua cay, cộng một dĩa cá tầm nướng giá khoảng 480 ngàn đồng.

Cá tầm thường được chế biến thành món lẩu. Thịt rất tươi, dai, đậm thịt, khi nhai cảm giác giòn giòn, giàu dinh dưỡng. Ăn vài miếng là đã thấy chắc bụng. Nước lẩu thì nêm nếm rất ổn, vị chua cay hoà nguyện vừa đủ, cho rất nhiều nấm. Một phần lẩu bao gồm dĩa cá tầm, bún và một dĩa rau. Trong đó có cải mèo Lào Cai, cải khi chín ăn vẫn giòn, vừa ngọt vừa thơm.

Với món cá tầm chiên xả ớt, phần thịt cá vẫn mọng nước với cách ướp thấm đậm nên cứ nói là ngon, cuốn cùng bánh tráng và rau sống, rồi chấm cùng sốt me.

Hiện nay, với sản lượng nuôi đạt 3.000 tấn - trong đó Lâm Đồng chiếm hơn 60%, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới.

Toàn tỉnh Lâm Đồng có 34 doanh nghiệp, hộ gia đình nuôi cá nước lạnh với trên 60 trang trại, tổng diện tích bề mặt nước 83 ha theo hình thức nuôi ao, bể nước chảy bên nguồn nước suối sạch, chảy ra từ rừng nguyên sinh và trên 200 lồng nuôi (4.000 m2) trên hồ chứa; sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn/năm, chủ yếu là cá tầm (chiếm trên 90%).

Nhãn hiệu hàng hóa “Cá nước lạnh Đà Lạt” đã được Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ và được cấp chứng nhận năm 2013.

Công nghệ nuôi cá tầm tại Lâm Đồng hiện nay chủ yếu là các loại hình nuôi ao, bể (xi măng, lót bạt) nước chảy với nguồn nước cấp trực tiếp từ sông, suối đầu nguồn và nuôi trong lồng trên các hồ thủy lợi. Nguồn nước sông, suối tự nhiên vùng đầu nguồn là nguồn nước đảm bảo chất lượng mà không cần qua hệ thống xử lý.

Nước chảy qua hệ thống các ao, bể nuôi của trang trại liên tục 24/24 giờ; công nghệ nuôi này giúp giảm chi phí sản xuất, cá tăng trưởng nhanh, cho năng suất, chất lượng cao. Nhưng do phụ thuộc hoàn toàn vào số lượng và chất lượng của nguồn nước tự nhiên tại sông, suối vùng đầu nguồn dẫn đến hạn chế khả năng mở rộng quy mô sản xuất. Trong khi vùng nhiệt độ có thể phát triển nuôi cá tầm ở Lâm Đồng có phạm vi lớn, ước tính trên 60% diện tích của tỉnh.

Theo Du lịch TP.HCM

Kỳ Phong

Tags: