Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 07:30 PM (GMT+7)
Dệt may Việt Nam mất dần ưu thế khi cạnh tranh về giá
2023-07-16 13:00:00
Nhiều doanh nghiệp dệt may không khỏi lo lắng khi đơn hàng đang dịch chuyển từ Việt Nam sang Bangladesh, Ấn Độ… bởi giá nhân công tại các quốc gia này rẻ, kéo theo giá đơn hàng rẻ hơn.
Đánh mất lợi thế
Theo thống kê từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), năm 2020, Việt Nam vượt qua Bangladesh, trở thành nhà xuất khẩu may mặc lớn thứ 2 thế giới. Nhưng từ cuối năm 2022 đến hết quý II/2023, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã phải thu hẹp sản xuất, sa thải hàng ngàn lao động do sụt giảm đơn hàng xuất khẩu.
Trong khi đó, tại châu Âu và Mỹ, người tiêu dùng vẫn chưa đẩy mạnh các hoạt động mua sắm trở lại, dẫn đến nhu cầu không cao khiến doanh nghiệp lo lắng tình trạng tồn kho.
Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) rơi vào tình trạng thiếu hụt đơn hàng trong quý II/2023, khiến các nhà máy không hoạt động đủ công suất.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Thành Công cho biết, việc Trung Quốc mở cửa trở lại dẫn đến gia tăng nguồn cung, tăng cạnh tranh, trong khi cầu lại không tăng.
“Ngoài ra, ngành dệt may Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Bangladesh. Ngành dệt may ở quốc gia này có lợi thế hơn so với Việt Nam về chi phí nhân công và đồng nội tệ của Bangladesh giảm mạnh hơn so với đồng Việt Nam”, ông Tùng phân tích.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 mới đây, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) lưu ý, chi phí tiền lương công nhân may mặc của Việt Nam đang ở ngưỡng 300 USD/người/tháng, cao hơn nhiều so với Bangladesh (95 USD/người/tháng).
Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM bổ sung, ngoài giá nhân công thấp hơn Việt Nam, thì Bangladesh đã đạt được công nghệ 4.0, tự động hóa, trong khi đa số máy móc, công nghệ của Việt Nam còn đang ở mức truyền thống.
“Chưa kể, ngành dệt may Bangladesh đã xác định giảm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế đổi mới công nghệ và hoạch định là ngành chủ lực, mũi nhọn để đầu tư. Ngược lại, tại Việt Nam, ngành dệt may lại được xem như một ngành truyền thống, thâm hụt lao động nhiều… và không còn là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội như trước. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay chỉ mang tính chất cổ vũ, chưa có kế hoạch cụ thể về việc sẽ thay đổi ngành dệt may như thế nào, hỗ trợ phát triển theo từng giai đoạn ra sao”, ông Việt lo lắng.
Doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ
Tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean, sau 6 tháng đầu năm hoạt động khó khăn, bước sang quý III/2023, doanh nghiệp tự tin có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường nhờ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh từ nguyên liệu đến công nghệ và đi kèm với chính sách giá tốt khi áp dụng chuyển đổi số.
Đại diện doanh nghiệp thông tin, Việt Thắng Jean đã đầu tư công nghệ 4.0 vào những công đoạn có độ phức tạp cao với máy laser, máy ozone, máy phun màu theo mong muốn, dây chuyền sấy tự động… Tất cả thiết bị đều được nhập từ châu Âu, Tây Ban Nha, Đức, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ… giúp chi phí nhân công giảm 85%, giá thành sản phẩm giảm theo tỷ lệ thuận. Từ đó, Việt Thắng Jean vừa có thể cạnh tranh về đơn hàng, vừa thu hồi vốn để tái sản xuất, đầu tư.
Bà Tống Thị Trà My, Phó giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Navitex chia sẻ, Công ty áp dụng biện pháp tiết kiệm. Theo đó, cắt giảm 30% chi phí hoạt động tại văn phòng, cắt giảm 30% nhân sự và giảm 20-30% lợi nhuận để mỗi sản phẩm có thể cạnh tranh tốt.
Còn ông Trần Như Tùng cho biết, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã thực hiện các trách nhiệm môi trường, xã hội và quản trị (ESG) từ lâu. Thời gian tới sẽ đẩy nhanh hơn do áp lực từ thị trường, khách hàng…