dd/mm/yyyy

Đề án "siêu" trung tâm logistics 3.300ha: Giải bài toán tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL

Theo các chuyên gia, đề án xây dựng trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL rộng 3.300ha tại Cần Thơ cần làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến phát triển các trung tâm, chợ đầu mối, các cụm ngành và tính liên kết trong sản xuất, chế biến kinh doanh nông sản và các dịch vụ hỗ trợ.

"Một điểm đến đa dịch vụ"

Đề án xây dựng trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ là 1 trong 6 nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ, được Quốc hội thông qua ngày 11/1/2022.

Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, Cần Thơ đã thành lập tổ công tác về trung tâm nông sản vùng ĐBSCL.

Theo đó, trung tâm có quy mô dự kiến đến năm 2050 là 3.300ha tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy và xã Giai Xuân, huyện Phong Điền. Trung tâm hướng đến mục tiêu mục tiêu "một điểm đến đa dịch vụ". Nơi đây sẽ hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết với 3 nhà gồm: Nhà nông, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; thiết lập các kho lạnh cấp vùng để đảm bảo nguyên liệu đầu vào.

Đề án xây dựng trung tâm logistics 3.300ha: Giải bài toán tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL - Ảnh 1.

Đề án xây dựng trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP.Cần Thơ hứa hẹn giải bài toán tiêu thụ nông sản cho vùng “đất 9 rồng”. Ảnh: Báo Long An

PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ - nguyên Phó trưởng Khoa Phát triển nông thôn (Đại học Cần Thơ) nhận định, Đề án xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP .Cần Thơ là một lợi thế khi gắn với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ (nằm trong chính sách đặc thù cho TP.Cần Thơ).

Theo đó, phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy rất thấp, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và hàng hóa cạnh tranh hơn. Trung tâm còn giải được bài toán "được mùa, rớt giá".

Trung tâm gồm các phân khu: Cung ứng dịch vụ logistics, xuất khẩu với 100ha; phi thuế quan 100ha; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ 25ha; khu sản xuất, chế biến với 215ha.

Liên kết vùng bao gồm sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ quan trọng nhất của trung tâm - mang tính dẫn dắt, định hướng công nghệ, thúc đẩy sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng. Đồng thời, quảng bá, tiếp thị, xây dựng thương hiệu nông sản ĐBSCL thông qua nền tảng thương mại số, mạng xã hội và phương tiện truyền thông khác.

Đây sẽ là trung tâm logistics của cả vùng phục vụ xuất khẩu gồm: Các kho lạnh, kho tổng hợp, kho ngoại quan; IDC (thông quan, kiểm hóa); các dịch vụ logistics; tích hợp đa phương thức vận tải. 

Đây cũng là trung tâm chế biến tinh của vùng, gồm các nhà máy, doanh nghiệp chiến biến nông sản ứng dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, hoạt động theo cơ chế thông minh hóa với các lĩnh vực chế biến như: Lúa gạo, rau quả, thủy sản; vận hành hệ thống xử lý chất thải thống nhất toàn trung tâm.

Trung tâm cũng có chức năng nghiên cứu, phát triển, hội tụ các giải pháp công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL để cung cấp, chuyển giao cho các đơn vị sản xuất trong vùng.

Đề án xây dựng trung tâm logistics 3.300ha: Giải bài toán tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL - Ảnh 3.

Cần thoát dần tư duy mùa vụ, từng năm

Tại buổi họp mặt công tác đầu năm 2022 với Giám đốc Sở NNPTNT 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Ông Hoan cho rằng cần thoát dần tư duy mùa vụ, từng năm. Ngành nông nghiệp cần có chiều dài trong tư duy, định hướng để có những chiến lược giải quyết được các vấn đề nội tại. Bên cạnh đó, cần có nền nông nghiệp xanh, bền vững. Xu thế tiêu dùng trên thế giới chính là sử dụng nông sản khi được sản xuất không có sự tác động đến môi trường.

Cần phải nhận thức rõ rằng đất đai manh mún nhưng tư duy không được manh mún. Có những loại nông sản có mặt ở nhiều tỉnh trong vùng, trùng lặp nhưng lại nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất. Vấn đề là cần có sự liên kết trong cả sản xuất và tiêu thụ. Việc phát triển thị trường, kêu gọi doanh nghiệp cần được các địa phương làm cùng lúc với việc chuẩn hóa vùng sản xuất.

P.V

Về xây dựng hạ tầng, trung tâm mời gọi các nhà đầu tư năng lực và uy tín đảm bảo hình thành hạ tầng của trung tâm vừa thuận tiện trong vận tải hàng hóa đến và đi từ mọi hướng và mọi phương thức. trung tâm sẽ là một công trình biểu tượng khoa học công nghệ của ĐBSCL.

Trung tâm cũng mời gọi các nhà đầu tư và các đối tác sở hữu công nghệ cao trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp chia sẻ và nông nghiệp số trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; sản xuất, chế biến; cung ứng dịch vụ xuất khẩu, tiêu thụ nông sản…

Tăng thu hút đầu tư

Theo các chuyên gia, thời gian qua nông nghiệp vùng ĐBSCL đóng góp rất lớn vào xuất khẩu của cả nước như thủy sản, trái cây, lúa gạo. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, phần lớn các hộ nông dân tập trung vào khâu sản xuất, không có kho trữ, ít vốn, bị các thương lái ép giá và chịu nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất và liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thiếu bền vững; chi phí logistics tăng cao do phải vận chuyển hàng nông sản lên TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu để tiêu thụ và xuất khẩu; tỷ lệ chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL chưa cao, nhất là trái cây.

Ông Đào Chí Nghĩa - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ cho biết, việc đề xuất thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL tại Cần Thơ sẽ tạo điều kiện để hàng hóa nông sản vùng ĐBSCL được thông suốt từ khâu từ thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trung tâm sẽ tạo ra cơ chế thu hút các dự án đầu tư cho các đơn vị tập trung cho nghiên cứu, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Việc thành lập này sẽ tăng tính cạnh tranh của hàng nông sản cũng như sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là phát huy cái trung tâm này chính là cái phát huy cái thế mạnh của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL để giúp cho các sản phẩm nông nghiệp của vùng sẽ tăng được lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn mới.

Mới đây, tại Hội nghị góp ý Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) cho hay, Đề án cần làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến phát triển các trung tâm, chợ đầu mối, các cụm ngành và tính liên kết trong sản xuất, chế biến kinh doanh nông sản và các dịch vụ hỗ trợ; trong đó có logistics.

"Việc vận hành trung tâm ứng dụng và phát triển một số dịch vụ như đấu giá, phát triển sàn giao dịch sẽ như thế nào? Có xây dựng cơ chế PPP trong một số hạng mục đầu tư không?"- ông Thắng đưa ra vấn đề.

Góp ý về thành lập ICD, đại diện Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu trung tâm thu hút được doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì việc có cơ quan ICD sẽ rất quan trọng. Ngành hải quan sẽ hỗ trợ việc thành lập, bố trí nhân lực, quy trình thủ tục… nếu trung tâm được thành lập.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng, đề án cần làm rõ mô hình hoạt động của trung tâm, từ đó làm rõ hơn các chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ.

Đề án cần làm rõ lộ trình xây dựng các hợp phần của trung tâm trên cơ sở xây dựng phương án phân kỳ vốn đầu tư thực hiện các khu chức năng. 


Minh Ngọc