Thứ Năm, ngày 16/01/2025 12:49 PM (GMT+7)

Cục diện ngành bán lẻ Việt Nam khi Parkson rời đi

2023-05-02 10:08:00

Các chủ đầu tư nước ngoài đang không ngừng bành trướng ở Việt Nam tại phân khúc trung tâm thương mại. Parkson có lẽ là cái tên duy nhất tỏ ra đuối sức trước các ông lớn nội địa.


Cục diện ngành bán lẻ Việt Nam khi Parkson rời đi - Ảnh 1.

Công ty TNHH Parkson Việt Nam mới đây đã đệ đơn xin phá sản tự nguyện lên tòa án TP.HCM. Tập đoàn sở hữu chuỗi trung tâm thương mại (TTTM) nổi tiếng sẽ rời Việt Nam sau 18 năm gắn bó, do những khoản lỗ lớn khó cải thiện.

Kết quả kinh doanh bết bát của một trong những tên tuổi lớn của châu Á càng cho thấy cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ những năm qua.

Điều gì "giết chết" Parkson?

Parkson khởi đầu tại Malaysia với mô hình cửa hàng bách hóa tổng hợp (department store) từ năm 1987. Đây từng là đơn vị vận hành cửa hàng bách hóa tổng hợp lớn thứ hai ở Malaysia với 20% thị phần hồi 2012.

Thương hiệu này cũng không ngừng bành trướng đến Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Myanmar, có những giai đoạn gần chạm mốc 70 địa điểm khắp châu Á. Dù vậy, đến nay, ngoài 38 trung tâm ở Malaysia, Parkson chỉ còn hiện diện ở thị trường nước ngoài duy nhất là Việt Nam, với một địa điểm cuối cùng là Parkson Saigontourist Plaza (quận 1, TP.HCM).

Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Parkson Retail Asia, ông William Cheng, cho rằng việc trụ lại ở Việt Nam không khả thi về mặt thương mại. Tuy nhiên, nhìn vào sự thu hẹp quy mô của Parkson khắp các thị trường, kể cả Malaysia, có thể thấy rõ tập đoàn này đã trải qua thời kỳ khó khăn không chỉ ở Việt Nam.

Thực tế, trào lưu cửa hàng bách hóa với những sản phẩm cao cấp từng một thời làm mưa làm gió nay đã thoái trào. Riêng tại Việt Nam, bà Lê Thị Thu Cúc, Giám đốc Bộ phận Tư vấn, Nghiên cứu thị trường và Thẩm định giá tại Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết mô hình này hiện chỉ còn số lượng ít ỏi.

"Trong thời gian qua, mô hình cửa hàng bách hóa tổng hợp với số lượng cửa hàng hạn chế và không có xu hướng gia tăng đã cho thấy sự tiếp nhận của thị trường khá chọn lọc", bà Cúc nói.

Ngoại trừ trung tâm đầu tiên ở Việt Nam - Diamond Plaza (quận 1, TP.HCM), đến nay mô hình này chỉ còn tồn tại bên trong các TTTM, như Takashimaya ở Saigon Centre (quận 1) hay Robins của Central Retail ở Crescent Mall (quận 7). Dù vậy, Diamond Plaza cũng liên tục nâng cấp, cải tạo để bắt kịp xu hướng mua sắm và tiêu dùng mới.

Cục diện ngành bán lẻ Việt Nam khi Parkson rời đi - Ảnh 2.

Parkson chỉ còn một trung tâm duy nhất ở Việt Nam. Số phận nơi này vẫn bỏ ngỏ sau khi công ty chủ quản nộp đơn xin phá sản. Ảnh: Quỳnh Danh.

Một trong những nguyên nhân chính "giết chết" các trung tâm bách hóa độc lập, theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, là sự thành công của các TTTM lớn, thậm chí rất lớn (còn gọi là mega mall).

Chính Parkson cũng từng thừa nhận sự cần thiết phải đổi mới về mọi mặt để thích nghi với thị trường bán lẻ đầy tính cạnh tranh của Việt Nam.

"Thời gian qua, mô hình department store với số lượng cửa hàng hạn chế và không có xu hướng gia tăng, đã cho thấy sự tiếp nhận của thị trường khá chọn lọc", bà Lê Thị Thu Cúc, Cushman & Wakefield Việt Nam

Không chỉ đơn thuần là một nơi mua sắm (shop-and-go) như trước đây, màn "lột xác" của Parkson trong nửa đầu năm 2019 từng hướng đến một điểm đến tích hợp mua sắm, ăn uống và giải trí (all-in-one destination) phục vụ đa dạng khách hàng.

Nhưng rõ ràng, quyết định thay đổi muộn màng không thể cứu vãn Parkson, bởi thị trường bán lẻ đang ngày một chật chội hơn.

Sự giằng co giữa doanh nghiệp nội và ngoại

Theo bà Lê Thị Thu Cúc, với khả năng tiếp cận quỹ đất tốt, doanh nghiệp Việt Nam vẫn là những đơn vị chủ chốt trên thị trường TTTM những năm qua, khi sở hữu vị trí đắc địa tại các thành phố lớn và khu đô thị.

Chiếm lĩnh thị phần lớn nhất là Vincom Retail, với 83 TTTM trải dài khắp 44 tỉnh, TP. Đây là chủ đầu tư duy nhất mở mới 3 TTTM trong năm 2022, với tỷ lệ lấp đầy đều trên 94%. Đặc biệt, Vincom Retail cũng vừa thu về mức lãi ròng kỷ lục lên đến 1.024 tỷ đồng trong quý I/2023, tăng 171% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chưa dừng lại ở đó, đại hội đồng cổ đông 2023 vừa qua của ông lớn này cũng đã thống nhất không chia cổ tức nhằm tái đầu tư. Doanh nghiệp đặt mục tiêu phát triển khoảng 800.000 m2 mặt sàn cho thuê trong giai đoạn 2023-2025, với nguồn vốn dự kiến hơn 12.000 tỷ đồng.

Riêng năm nay, Vincom Retail dự kiến doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh đạt khoảng 10.350 tỷ đồng, cùng mức lợi nhuận sau thuế 4.680 tỷ đồng, tăng lần lượt 41% và 69% so với năm 2022.

Kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng này được đặt ra trong bối cảnh các doanh nghiệp quốc tế cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Bà Lê Thị Thu Cúc cho hay kể từ năm 2015 khi Việt Nam cho phép thành lập các đơn vị bán lẻ 100% vốn nước ngoài, hàng loạt nhà đầu tư ngoại đã gia nhập, điển hình là Central Retail, Aeon, Lotte...

Ngoại trừ Parkson, các nhà bán lẻ nước ngoài vẫn đang liên tục phát triển với những chiến lược riêng. Với 6 TTTM hiện có ở TP.HCM và Hà Nội, Aeon dự định tăng gần gấp 3 quy mô lên 16 TTTM khắp cả nước vào năm 2025, tập trung thu hút nhóm khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu vốn đang gia tăng mạnh mẽ.

Đặc biệt, các TTTM sau này của tập đoàn Nhật Bản đều có diện tích lớn, điển hình như Aeon The Nine (Hà Nội) rộng 1.200 m2, gấp 4 lần các siêu thị thông thường ở Việt Nam. Hay Aeon Mall Huế vừa khởi công có tổng diện tích 8,62 ha, trong đó tổng diện tích mặt sàn là 138.000 m2, với 51.000 m2 diện tích cho thuê, 2.500 m2 diện tích bãi đỗ xe.

Trong khi đó, Lotte sắp khai trương TTTM Lotte Mart Tây Hồ tọa lạc trên lô đất 7,3 ha ở Hà Nội. Với tổng kinh phí đầu tư lên đến hơn 600 triệu USD, đây được coi là một trong những dự án TTTM đắt giá nhất Thủ đô. Bên cạnh đó, ông lớn Hàn Quốc cũng đang sở hữu 15 siêu thị, trung tâm mua sắm Lotte Mart với diện tích từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn m2.

"Các doanh nghiệp nước ngoài, ngoài lợi thế có nguồn vốn mạnh mẽ, còn có kinh nghiệm kinh doanh thành công mảng bán lẻ ở các nước khác", bà Lê Thị Thu Cúc, Cushman & Wakefield Việt Nam


Nhưng nhà đầu tư ngoại sở hữu thị phần lớn nhất ngành bán lẻ Việt Nam vẫn là Central Retail.

Riêng với phân khúc TTTM, doanh nghiệp Thái Lan này đã mở được 39 địa điểm mang thương hiệu Go!, cung cấp 213.000 m2 sàn cho hơn 900 khách thuê khắp cả nước. Song song đó, thương hiệu cửa hàng bách hóa tổng hợp Robins đang có 2 địa điểm ở TP.HCM và Hà Nội.

Tập đoàn hồi giữa tháng 2 cũng công bố sẽ đầu tư 50 tỷ baht (khoảng 1,45 tỷ USD) vào Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027 để tăng tốc sự hiện diện ở thị trường, sau hơn 10 tỷ baht từng rót vào trong 10 năm trước đó.

Nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan đang vận hành các thương hiệu siêu thị và cửa hàng bán lẻ khác, với tổng doanh thu bán hàng tăng vọt từ 300 triệu baht (8,7 triệu USD) năm 2014 lên 38,6 tỷ baht (1,1 tỷ USD) vào năm 2021. Lãnh đạo tập đoàn này kỳ vọng chiếm được 13% thị phần ở Việt Nam vào năm 2027, từ mức 8% của năm 2016.

Vài tuần trở lại đây, thị trường cũng nổi lên thông tin về ý định mua lại một chuỗi TTTM khắp cả nước của Central Group. Bà Cúc nhấn mạnh đây là một trong những dấu hiệu về sự phát triển mạnh mẽ của khối ngoại ở phân khúc này.

"Các doanh nghiệp nước ngoài, ngoài lợi thế có nguồn vốn mạnh mẽ, còn có kinh nghiệm kinh doanh thành công mảng bán lẻ ở các nước khác nhằm đem lại những trải nghiệm mới mẻ và hàng hóa đa dạng hơn cho người tiêu dùng", bà Cúc nhìn nhận.

Cục diện ngành bán lẻ Việt Nam khi Parkson rời đi - Ảnh 6.

Các nhà đầu tư vẫn đang liên tục nâng cấp, cải tạo TTTM hiện hữu và mở rộng TTTM mới. Ảnh: Quỳnh Danh.

Điều này cho thấy thất bại của Parkson chỉ là câu chuyện kinh doanh riêng. Cục diện thị trường bán lẻ vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ.

Điểm chắc chắn duy nhất là Việt Nam với dân số gần 100 triệu người vẫn được đánh giá là một thị trường lớn với sức mua mạnh mẽ. "Nhìn vào lượng cửa hàng cá nhân nhỏ lẻ hiện tại và sức mua ở các siêu thị, TTTM, chúng ta có thể ước lượng tiềm năng cho thị trường bán lẻ còn rất lớn", bà Cúc nói.

Do đó, song song với việc đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn từ Chính phủ nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, vị chuyên gia cho rằng việc chuyển mình để đáp ứng các yêu cầu cao về kinh nghiệm quản lý là điều kiện sống còn đối với các TTTM trong điều kiện mới.

Các yếu tố ảnh hưởng đến thành công của một TTTM khá đa dạng, trong đó có việc xác định vị trí đắc địa có lượng dân cư đông đúc, chọn lựa mô hình kinh doanh phù hợp, khả năng vận hành. Ngoài ra, quản lý chi phí đầu vào cũng là yếu tố quan trọng giúp TTTM tồn tại trong bối cảnh kinh tế ảm đạm và người dân thắt chặt tiêu dùng những mặt hàng cao cấp.

Theo Zing


Lan Anh
Hai ông lớn ngành bán lẻ không còn lãi

Hai ông lớn ngành bán lẻ không còn lãi

Thế Giới Di Động cũng như FPT Retail có quý kinh doanh đầu năm sụt giảm đáng kể, không có lợi nhuận, thậm chí bị âm.