dd/mm/yyyy

Cửa ngõ phía Tây TP.HCM: Nhiều căn nhà ở sụt lún "chìm" dần vào lòng đất

Hàng loạt căn nhà ở sụt lún từng ngày tại cửa ngõ phía Tây TP.HCM nhưng gia chủ chỉ còn cách chịu đựng, và đứng nhìn.

Theo báo cáo mới nhất của các cơ quan chuyên môn, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM là nơi được cho là lún nghiêm trọng nhất phía Tây, kết quả quan trắc trong 10 năm cho thấy tại đây lún đến 81,4 cm, kéo các căn nhà ở sụt lún ngày càng xuống thấp.

Nhiều căn nhà ở TP HCM đang chìm vào lòng đất - Ảnh 1.

Căn nhà của bà Thu trên đường Lâm Hoành, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM bị nghiêng hẳn về một bên, tường và nền nứt toác

Thấy là... sợ

Căn nhà cấp 4 diện tích 70 m2, xây dựng với chi phí gần 2 tỉ đồng của bà Võ Thị Thu (47 tuổi) ở cuối đường Lâm Hoành, quận Bình Tân, giờ đây ai vào cũng sợ. Nhìn từ bên ngoài sẽ thấy cỏ mọc cao hơn đầu người, nước mưa ngập úng cả sân. Nền nhà sụt lún, tường và mái ngói nứt toác. Nếu nhìn từ trên cao xuống thì thấy cả căn nhà nghiêng như tháp Pisa ở Ý.

Bà Thu kể do biết khu vực này nền đất yếu nên chỉ làm căn nhà nhỏ với sân vườn thoáng rộng. Nhưng năm đầu vào ở thì cửa không thể đóng được vì một bên nhà lún dần. Năm thứ hai mái ngói trượt rớt xuống đất. "Tiền xây nhà, sửa nhà bỏ ra hết lần này đến lần khác nhưng dường như càng sửa càng lún" - bà Thu than vãn. Theo bà Thu, hiện nay có công ty xây dựng báo giá 2 tỉ đồng để "đem lại an toàn" cho căn nhà nhưng bà không dám chắc liệu có hết lún không.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở khu vực nhà bà Thu, nhà nào cũng lún, chỉ khác nhau là ít hay nhiều. Ai cũng thi nhau nâng nền bởi nhà ngày càng thấp hơn mặt đường. Có hộ 5 năm trước "một phát" nâng nền lên 2 m nhưng giờ thì nhà cách mặt đường chưa đến 3 gang tay.

Không chỉ nhà dân, thời gian qua, hiện tượng sụt lún còn đe dọa cả trụ sở UBND phường An Lạc. "Trụ sở UBND phường từng bị bể bậc tam cấp. Lúc sửa lại thấy có hố trống ở trong phải đổ thêm đất, đá vào. Tường cũng bị nứt luôn" - một cán bộ kể và cho biết hiện các hộ dân sống xung quanh trụ sở UBND phường liên tục phát hiện nền nhà bị "rỗng ruột". Có hộ phải đập bỏ luôn cả nền vừa mới lót gạch men để đổ thêm đá nhằm giữ cho căn nhà không bị "chìm".

Ông Võ Kim Chính (33 tuổi, ngụ đường Lâm Hoành) kể bảng tin khu phố lúc trước treo tạm lên tường nhà ông, cao hơn cả đầu người, nay chỉ đứa trẻ 6 tuổi cũng có thể với tay tới phía trên bảng. "Có khi không dám đi lại mạnh trong nhà vì sợ bể nền. Chỉ cần xe tải chạy ngang là căn nhà run lên thấy rõ" - ông Chính mô tả. Theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều nhà tường nứt đoạn dài bao bọc gần như toàn bộ căn nhà.

Tình trạng sụt lún nghiêm trọng cũng xảy ra ở đường An Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân. Theo bà Tín - chủ một nhà trọ trên tuyến đường này, từ đầu năm đến nay đã kêu thợ sắt đến làm lại cửa 4 lần. Bởi dãy nhà trọ lún nên cửa không thể khóa chốt hay cài được. Một phòng trọ hiện nay bỏ trống vì sợ sụp đe dọa đến tính mạng.

Nhiều căn nhà ở TP HCM đang chìm vào lòng đất - Ảnh 2.

Một dãy nhà trên đường Lâm Hoành bị lún gây nứt

Địa phương, chuyên gia nói gì?

PGS-TS Lê Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa bản đồ TP HCM, thông tin thêm tình trạng lún không chỉ đang đe dọa khu dân cư cửa ngõ phía Tây TP HCM mà còn xảy ra ở các hướng khác gồm Nam Sài Gòn (quận 7, huyện Nhà Bè), kế đến là quận Thủ Đức và cả một phần quận 12, quận 2. Điều lo lắng hiện nay là lún và biến đổi khí hậu cùng lúc đe dọa khiến tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng. Do đó, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt ngay từ bây giờ.

Ông Tô Hoàng Giang, Chủ tịch UBND phường An Lạc, xác nhận tình trạng sụt lún đang diễn ra tại địa phương. Không chỉ 2 tuyến đường nêu trên, hiện nay, nhiều hộ dân sống dọc đường Võ Văn Kiệt, Hồ Học Lãm… cũng rơi vào cảnh nhà "chìm" dần. "Lúc trước có đơn vị nghiên cứu khoa học công bố thông tin khảo sát. Có khả năng khai thác nước ngầm dẫn đến hiện tượng nói trên" - ông Tô Hoàng Giang nói.

Về giải pháp, ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết đề nghị các đơn vị kiểm tra thường xuyên việc người dân lén lút sử dụng nước ngầm. Nếu phát hiện thì lập biên bản xử phạt với mức nặng để ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép. Ngoài ra, phối hợp với đơn vị cung cấp nước máy để giảm thiểu tình trạng cạn kiệt nước ngầm gây lún.

Theo TS Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam, ngoài khai thác nước ngầm, nguyên nhân sụt lún còn xuất phát từ mật độ xây dựng quá nhiều tạo nên một khối bê-tông đè nén lên mặt đất. Trong khi nhiều khu dân cư trước kia là đồng ruộng dẫn đến độ rỗng địa chất bị nén gây ra lún. "Tiền khắc phục chống lún rất tốn kém. Giải pháp tốt nhất và mang tính bền vững là phải quy hoạch lại. Đặc biệt là giữ hệ sinh thái để thoát nước. Khuyến khích người dân sử dụng nước máy để bảo đảm nền đất" - TS Vũ Ngọc Long nêu giải pháp.

Kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam, chuyên gia quy hoạch, đưa ra giải pháp đến từ cách làm của Nhật Bản. Đó là TP Tokyo - Nhật Bản từng bơm nước vào nền đất để ngăn chặn việc "chìm" kết hợp cấm dùng nước ngầm. Đến nay giải pháp mà Nhật Bản thực hiện đã "cứu" được TP Tokyo. 

Thống kê của Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy TP HCM có 24 điểm sụt lún. Theo kết quả quan trắc từ năm 2009-2019, tốc độ lún trung bình 0,01-0,6 cm/năm.
Bài và ảnh: Lê Phong