Thứ Năm, ngày 16/01/2025 07:58 AM (GMT+7)
Cơn sốt thịt nướng có thể vực dậy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới?
2023-05-17 21:18:00
Trung Quốc đang cân nhắc hỗ trợ nhiều hơn cho “các doanh nghiệp tư nhân”, chẳng hạn như người bán hàng rong, thông qua hệ thống thuế và an sinh xã hội.
Khi Trung Quốc đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra vào năm 2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa ra ý tưởng tạo việc làm, bằng cách khuyến khích những người bán hàng rong mở cửa hàng trên khắp đất nước. Lời rao đó nhanh chóng bị các cộng sự thân cận của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình bác bỏ, người đã mô tả thương mại truyền thống là “thiếu vệ sinh và thiếu văn minh”.
Chỉ 3 năm sau, cục diện đã xoay chuyển ngoạn mục.
Với chính sách thay đổi đáng kể, “nền kinh tế bán hàng rong” đang quay trở lại, nhiều thành phố dỡ bỏ lệnh cấm bán hàng rong hơn và khuyến khích thanh niên thất nghiệp mở các quầy hàng ngoài trời như một cách để hồi sinh nền kinh tế và thúc đẩy việc làm.
Thâm Quyến, Trung tâm công nghệ cao của Trung Quốc và là thành phố giàu thứ 3 đất nước, tuần trước đã thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đối với những người bán hàng rong, cho phép họ hoạt động trở lại kể từ đầu tháng 9 tại các khu vực được chỉ định.
Thâm Quyến đã gia nhập danh sách các thành phố lớn nới lỏng các biện pháp hạn chế trong năm nay, bao gồm cả Thượng Hải, Hàng Châu và Bắc Kinh, sau nhiều năm thực hiện rải rác các chiến dịch gay gắt chống lại việc bán hàng rong.
Chính quyền thành phố đang khuyến khích người dân thành lập các quầy hàng hoặc xe đẩy trên đường phố ở một số khu vực nhất định, nơi họ có thể bán đặc sản địa phương, đồ ăn nhẹ, quần áo hoặc đồ chơi.
Các nhà phân tích coi việc nới lỏng hiện tại là một biện pháp “tuyệt vọng” của chính phủ, vì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã tăng lên mức đáng lo ngại sau 3 năm hạn chế do đại dịch gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ. Một cuộc đàn áp khác cũng đã xóa sổ hàng chục ngàn việc làm trong ngành giáo dục và công nghệ.
Ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại Đại học SOAS ở London, cho biết: “Có vẻ như giới chức Trung Quốc không thể tìm ra cách nào tốt hơn để tạo ra việc làm, duy trì sự ổn định và trật tự ngoài cách khuyến khích những người trẻ tuổi bán hàng rong”.
"Đối với những người lao động hoặc sinh viên mới tốt nghiệp có kỹ năng cho thời đại kỹ thuật số, việc bán hàng rong trên đường phố là một dấu hiệu của sự tuyệt vọng hơn là tư duy sáng tạo”, ông nói thêm.
Thành công vang dội
Việc dỡ bỏ các hạn chế được đưa ra sau khi một thị trấn công nghiệp ít được biết đến đã trở thành cơn sốt với các quầy thịt nướng ngoài trời, nơi này truyền cảm hứng cho các thành phố khác cố gắng đạt được thành công tương tự.
Zibo, nằm ở phía Đông tỉnh Sơn Đông, hiện là điểm du lịch đông đúc nhất của Trung Quốc. Mức độ nổi tiếng của nơi này bùng nổ vào tháng 3 sau khi các video về món thịt nướng giá rẻ lan truyền trên mạng xã hội.
Đặc sản của Zibo là thịt xiên nướng, được hơ trên ngọn lửa than hồng, ăn kèm với bánh mì dẹt và những miếng tỏi tây địa phương. Bên cạnh những món ăn rẻ, một bữa ăn có thể chỉ có giá 30 nhân dân tệ (4,2 USD) một người, thị trấn này còn nổi tiếng về lòng hiếu khách.
Rất nhiều khách du lịch đổ xô đến Zibo, hiện được mệnh danh là thủ đô nướng thịt ngoài trời của Trung Quốc, đến nỗi ngay cả các cơ quan du lịch địa phương cũng kêu gọi du khách thử ghé thăm nơi khác.
Nhờ cơn sốt “thịt nướng”, thị trấn công nghiệp thô sơ này đã chứng kiến mức tăng trưởng GDP 4,7% trong quý đầu tiên của năm 2023, chủ yếu nhờ bán lẻ, du lịch và ăn uống. Mức tiêu thụ tăng 11% trong cùng kỳ, đảo ngược mức giảm 2% trong 2 tháng đầu năm.
Quá trình chuyển đổi “qua đêm” của thị trấn này, từ vùng công nghiệp trì trệ sang điểm đến không thể bỏ qua. đã khiến cả nước sửng sốt. Một số chính quyền thành phố đã cử quan chức đến Zibo để học hỏi từ người dân địa phương và cố gắng nhân rộng sự thành công của họ.
Vậy liệu vùng công nghiệp trì trệ này có thể khởi động quá trình xoay trục của đất nước sang một mô hình tăng trưởng khó nắm bắt do người tiêu dùng dẫn dắt hay không?.
“Đối với tôi, có vẻ như Zibo đã tạo ra một nguồn cảm hứng tốt và cần thiết”, ông Tsang nói. “Thành công của nơi này có thể phản ánh hiệu quả của một "sự mới lạ" nhưng đồng thời, cũng là dấu hiệu cho thấy mọi người cảm thấy nghèo hơn.
Nếu một người thực sự có khả năng chi trả liệu họ sẽ thích thức ăn đồ ăn đường phố hơn hay là nhà hàng sao Michelin?”, ông Tsang nói thêm.
“Hữu chí cánh thành”
Sự phổ biến của Zibo cho thấy mọi người muốn đi du lịch và tận hưởng những trải nghiệm mới nhưng cũng chú trọng đến hầu bao của mình, khi sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có vẻ không ổn định.
Ông Alex Capri, Giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh NUS cho biết: “Hiện tượng Zibo là sự kết hợp giữa FOMO (sợ bị bỏ lỡ) giữa các thành phố của Trung Quốc và áp lực từ nhà nước nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp và nỗi lo lắng của thanh niên”.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với một loạt thách thức ngày càng tăng. Thị trường nhà ở đang sa lầy trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất được ghi nhận. Niềm tin kinh doanh đã giảm mạnh sau khi ông Tập tung ra một cuộc đàn áp nhằm vào các ngành công nghệ và giáo dục.
Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sụt giảm. Và quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, dẫn đến căng thẳng leo thang trong lĩnh vực công nghệ và đầu tư.
Triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi đã khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu phải có thái độ hòa giải hơn đối với doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đóng góp hơn 60% vào GDP của Trung Quốc và hơn 80% việc làm.
Ông Luo Wen, người đứng đầu Cục Quản lý Nhà nước về Điều tiết Thị trường, tháng trước đã đề nghị hỗ trợ nhiều hơn cho “các doanh nghiệp tư nhân”, chẳng hạn như người bán hàng rong, thông qua hệ thống thuế và an sinh xã hội.
Sự thay đổi rõ ràng đến mức, truyền thông nhà nước đã đăng tải những câu chuyện hoặc video giật gân về cách một số doanh nhân trẻ trở nên giàu có nhờ mở các quầy hàng ở chợ đêm, kêu gọi thanh niên thất nghiệp trở thành những người bán hàng rong.
Ông Tsang nhận định, thương mại phi chính thức có thể tạm thời giảm tỉ lệ thất nghiệp và giúp người dân cảm thấy có động lực một cách “nghèo khó” , nhưng nó “sẽ không cứu được nền kinh tế Trung Quốc”.
Theo Nhịp cầu Đầu tư