“Ốc đảo” Hồng Lam, thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nằm lạc lõng giữa dòng sông Lam, tách biệt với thế giới bên ngoài. Nơi đây, chiếc đò gỗ trở thành “con đường huyết mạch” để dân làng Hồng Lam giao lưu với thế giới bên ngoài và ngược lại.
Đường thủy là cách duy nhất để sang Hồng Lam.
Sống ở đây, nhưng người dân cũng không nhớ nổi làng có từ bao giờ, đâu như đã hàng trăm năm rồi. Nhiều cụ cao niên kể lại, chỉ biết là trước có hai anh em họ Hồ, vì nhà nghèo không chốn nương thân, đã kéo nhau sang ốc đảo lập nghiệp. Thấy mảnh đất này có người ở, cây cối tốt nên nhiều người khác cũng theo sang, lập làng sinh sống cho đến bây giờ.
Đến “ốc đảo” vào một buổi chiều cuối năm, không khí vặng lặng, bình yên, không tiếng xe cộ ồn ào mà chỉ có những tiếng í ới gọi đò của cô cậu học trò nhỏ. Từ đầu ngõ, cậu bé Tuấn Hiếu (9 tuổi) chạy nhanh như ai đuổi để cho kịp chuyến đò sang sông, còn bà Nguyễn Thị Hiền tay xách túi lạc sang bên kia đổi gạo. Đó là quang cảnh sinh hoạt mỗi ngày ở đảo Hồng Lam.
Chúng tôi theo chân ông Nguyễn Thế Lục, trưởng thôn Hồng Lam dạo quanh ốc đảo. Chứng kiến hình ảnh hàng trăm ngôi nhà xây dựng khang trang rồi bỏ hoang, ông Lục chợt buồn, khuôn mặt trở nên rầu rĩ.
“Họ cứ khóa cửa lại rồi đi. Rồi chẳng thấy mấy ai đi mà quay trở lại đây sinh sống. Nhà bỏ hoang ngày càng nhiều, diện tích đất thì ngày càng bị thu hẹp lại, không biết từ bao giờ, nơi đây trở nên hoang vắng đến lạnh lẽo như vậy”, ông Lục buồn rầu nói.
Những ngôi nhà nơi đây bỏ hoang không người ở
Theo ông Lục, trước đây ốc đảo có diện tích rất lớn, nhưng do thiên nhiên và tác động của con người nên dần bị thu hẹp lại. Thời điểm trước năm 1990, Hồng Lam có tới 1.557 nhân khẩu, từng xin thành lập 1 xã riêng, nhưng chưa kịp lập thì trận bão năm 1988 đã xóa sổ 2 khu vực khá lớn trên ốc đảo. Gần 40 ngôi nhà trong cùng một đêm vừa trôi sông vừa đổ sập, đó là nhà của các hộ gia đình trẻ mới tách ra ở riêng.
Chính trận lũ lụt càn quét qua làng năm ấy khiến dân nơi đây sợ hãi và cho rằng mảnh đất không còn lành để ở. Người dân lần lượt bỏ đi, thôn dần vắng bóng những tiếng kẽo kẹt bên khung dệt. Những mỏm đất nhỏ ven sông trồng lạc cũng trở nên hoang hóa.
Người bỏ xứ mà đi, dân làng cứ vơi dần. Ốc đảo có chợ, chợ heo hắt vốn đã ít người bán, nay lại càng hiếm người mua. Ốc đảo có trạm y tế nhưng lại không có y bác sỹ, có trường học, nhưng lại chẳng có bóng dáng em học sinh nào.
Ngôi trường cấp 1 nay bỏ hoang.
“Nơi đây nói đến đám cưới rất hiếm hoi, hơn chục năm nay không có lấy một đám cưới. Bởi các thanh niên đi lập nghiệp vùng đất khác rồi tổ chức tại đấy luôn”, ông Lục chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Cảnh (75 tuổi) chia sẻ, nơi đây dân lần lượt rời làng mà đi, tuy nhiên có người lại chẳng muốn rơi khỏi mảnh đất nơi mình từng “chôn rau, cắt rốn”. Chính vì thanh niên rời làng đi nơi khác mưu sinh, nên hiếm hoi lắm ở làng mới có dịp được nghe tiếng nhạc đám cưới.
“Ở thôn ít đám cưới, thi thoảng có người về liên hoan tổ chức tại nhà, nhưng khoảng hơn 15 năm nay không có cặp đôi nào về đây làm lễ cưới”, ông Cảnh chia sẻ.
Đang dọn dẹp nhà cửa, ông Trần Đình Thành cho biết, nhà có 4 người con, sau khi lớn lên đều vào miền Nam lập nghiệp. Do đi làm ăn xa nên tổ chức đám cưới trong công ty.
“Dân nơi đây toàn thế, không ai dám tổ chức cưới ở quê vì ở nơi đây đường xá khó đi lại. Nếu có thì chỉ về tổ chức làm bữa liên hoan xong rồi thôi. Cuộc sống dân nơi đây thế đấy”, ông Thành chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Lưu, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết, trước đây Hồng Lam dân cư đông, có tới hàng ngàn nhân khẩu, nhưng nay do điều kiện đi lại, dân đồng loạt bỏ xứ mà đi nơi khác làm ăn.
“Cuộc sống ở Hồng Lam nay khá giả hơn ngày xưa nhiều, nhưng do thiên tai, nhất là mùa lũ đến khiến người dân nơi đây lâm vào cảnh khốn khó, nước lũ bao vây, con đường duy nhất vào Hồng Lam là con thuyền gỗ. Hiện tại đang có dự án phát triển du lịch ở ốc đảo này, tuy nhiên chỉ mới lên phương án chứ chưa triển khai”, ông Lưu cho hay.