Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:30 PM (GMT+7)

Chùa ông Bổn đông nghịt dịp Tết Nguyên tiêu, với nhiều hoạt động thú vị

2024-02-24 10:53:21

Tết Nguyên tiêu được xem là một ngày lễ rất thiêng liêng đối với cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới, vì đây là đêm rằm đầu tiên theo lịch âm. Người dân thường đến chùa thắp hương, cầu may mắn cho năm mới.

Trong dịp Tết Nguyên tiêu, hầu hết các địa điểm Hội quán người Hoa đều có rất đông người đến đi lễ chùa, cầu bình an. Trong đó, Chùa ông Bổn (quận 5) là một trong những địa điểm được người dân lựa chọn đến nhiều vào ngày rằm tháng Giêng.

Chùa ông Bổn đông nghịt dịp Tết Nguyên tiêu, với nhiều hoạt động thú vị - Ảnh 1.

Người dân đến Chùa ông Bổn thắp hương từ sớm. Ảnh: Hoài Anh

Theo ghi nhận của phóng viên, từ 8h ngày 24/2 (tức ngày 15 âm lịch), nhiều người dân đã đến Chùa ông Bổn để hành lễ ngày Tết Nguyên tiêu. Đây được xem là một trong những Hội quán người Hoa lâu đời nhất tại TP.HCM.

Chùa ông Bổn đông nghịt dịp Tết Nguyên tiêu, với nhiều hoạt động thú vị - Ảnh 2.

Người dân đến chùa dịp Tết Nguyên tiêu để cầu một năm bình an, nhiều tài lộc. Ảnh: Hoài Anh

 

Chùa ông Bổn còn có tên là miếu Nhị Phủ (Hội quán Nhị Phủ), nơi đây do người Hoa xây dựng trên đất Đề Ngạn xưa (nay là Chợ Lớn) vào khoảng đầu thế kỷ 18. Chùa ông Bổn tọa lạc tại số 264 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5, TP.HCM.

Chùa ông Bổn đông nghịt dịp Tết Nguyên tiêu, với nhiều hoạt động thú vị - Ảnh 3.

Vì số lượng người dân đến thắp hương ngày này rất đông nên các tình nguyện viên ở chùa đã chuẩn bị kỹ càng nhang đèn cho ngày hôm nay. Ảnh: Hoài Anh

Tên gọi "Nguyên tiêu" là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Theo phong tục của người Hoa, người dân thường đi chùa miếu cầu cho một năm bình an, khỏe mạnh và phát tài phát lộc vào dịp đặc biệt này.

Chùa ông Bổn đông nghịt dịp Tết Nguyên tiêu, với nhiều hoạt động thú vị - Ảnh 4.

Cổ nhạc Nam Âm Phúc Kiến được trình diễn tại Chùa ông Bổn sáng ngày 24/2. Ảnh: Hoài Anh

Trong dịp Tết Nguyên tiêu, chùa ông Bổn thường tổ chức trình diễn Cổ nhạc Nam Âm Phúc Kiến. Đây là âm nhạc thời cổ đại có lịch sử lâu đời nhất Trung Quốc được bảo tồn đến ngày nay và được biểu diễn trong ngày rằm tháng Giêng như một nét đẹp truyền thống.

Chùa ông Bổn đông nghịt dịp Tết Nguyên tiêu, với nhiều hoạt động thú vị - Ảnh 5.

Phần trình diễn cổ nhạc thu hút rất nhiều người dân, du khách xem. Ảnh: Hoài Anh

Anh Hoàng Vĩnh Thuận (người biểu diễn trong đoàn nhạc) cho biết mỗi năm cổ nhạc Nam Âm Phúc Kiến được trình diễn 2 lần: Tết Trung thu và Tết Nguyên tiêu. “Cổ nhạc Nam Âm tỉnh Phúc Kiến là một trong những nét đẹp độc đáo của bà con gốc Hoa. Chúng tôi rất tự hào khi được trình diễn và nhận được sự quan tâm của người đến chùa đi lễ”, anh Thuận nói.

Chùa ông Bổn đông nghịt dịp Tết Nguyên tiêu, với nhiều hoạt động thú vị - Ảnh 6.

Người dân đến chùa có thể mua thêm nhang, giấy, đồ cúng tại chỗ. Ảnh: Thu Hoài

Một nét đẹp không thể thiếu khi đi lễ chùa tại Chùa ông Bổn là mua lồng đèn cúng bái, cầu an. Người dân thường mua lồng đèn để dâng lên chùa, cầu bình an, phước lộc đến với chủ nhân lồng đèn.

Chùa ông Bổn đông nghịt dịp Tết Nguyên tiêu, với nhiều hoạt động thú vị - Ảnh 7.

Người dân mua lồng đèn để dâng lễ tại chùa. Ảnh: Hoài Anh

Chị Võ Thị Hằng (tình nguyện viên hỗ trợ bán lồng đèn) cho biết có 2 loại lồng đèn: lồng đèn giấy và thánh đăng, ngoài ra còn có đèn cầy kích cỡ lớn. “Người dân khi mua lồng đèn thường được kèm một tờ giấy viết tên, viết điều mong muốn trước khi cúng”, chị Hằng nói.

Chùa ông Bổn đông nghịt dịp Tết Nguyên tiêu, với nhiều hoạt động thú vị - Ảnh 8.

Trong lồng đèn có kèm một tờ giấy viết họ và điều ước của họ trong năm mới. Ảnh: Hoài Anh

Anh Tô Đức Lương cùng cha đến chùa mua lồng đèn để cầu mong những điều tốt đẹp đến với bản thân và gia đình. “Thông thường, người dân có thể dâng lồng đèn bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, tôi chọn mua lồng đèn, dâng lên vào ngày Tết Nguyên tiêu để thêm ý nghĩa”, anh Lương nói.

Chùa ông Bổn đông nghịt dịp Tết Nguyên tiêu, với nhiều hoạt động thú vị - Ảnh 9.

Đến chùa thắp hương vào ngày Tết Nguyên tiêu đã trở thành một phong tục tập quán của bà con người Hoa. Ảnh: Hoài Anh


Bà Lưu Mai Anh (quận 11) đang thắp hương tại Chùa ông Bổn cho biết: “Năm nào ngày rằm tháng Giêng, tôi cũng đi lễ chùa, thắp hương, cầu nguyện. Lần nào vào dịp Tết Nguyên tiêu chùa cũng đông nghịt người nên năm nay tôi tranh thủ đi vào buổi sáng để ít đông”, bà Mai Anh nói.

Chùa ông Bổn đông nghịt dịp Tết Nguyên tiêu, với nhiều hoạt động thú vị - Ảnh 10.

Múa lân biểu diễn phía ngoài. Ảnh: Hoài Anh

Khu vực phía ngoài chùa, hoạt động múa lân chào mừng Tết Nguyên tiêu mang đậm bản sắc văn hóa người Hoa thu hút rất nhiều người xem.

Càng về trưa, lượng người đổ về Chùa ông Bổn càng đông. Dự kiến, chiều tối nay dòng người đổ về chùa ngày càng đông hơn với nhiều hoạt động nổi bật.

Hoài Anh
Van Phuc City: Đô thị đáng sống ven sông Sài Gòn

Van Phuc City: Đô thị đáng sống ven sông Sài Gòn

Ông bà xưa có câu "nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ" để nói về vị trí đắc địa của một dân cư hay khi chọn vị trí mua nhà. Thì nay, các yếu tố này lại hội tụ đầy đủ tại khu đô thị Vạn Phúc - một thành phố thu nhỏ ven sông Sài Gòn