Thứ Năm, ngày 16/01/2025 11:43 AM (GMT+7)

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai viết tâm thư xin Ngân hàng Nhà nước cứu nguy cho ngành chăn nuôi

2023-03-28 21:09:00

Trong tâm thư gửi Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đưa ra 4 nguyện vọng xin cứu nguy khẩn cấp cho ngành chăn nuôi.

Ngày 28/3, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết ông vừa có tâm thư gửi lên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng, để nói lên những lo lắng, khó khăn của người chăn nuôi hiện nay.

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đưa ra 4 nguyện vọng xin ngân hàng nhà nước cứu nguy cho ngành chăn nuôi - Ảnh 1.

Người chăn nuôi hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tuệ Mẫn

theo ông Công, ông nói với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rằng cách đây 10 năm, cả nước có 10 triệu hộ chăn nuôi. Còn 3 năm trước số hộ chăn nuôi là khoảng 4 triệu, nhưng hiện nay chỉ còn không tới 2 triệu hộ chăn nuôi.

Nguyên nhân là ngành chăn nuôi đã có sự tham gia của các công ty chăn nuôi lớn, trong đó có nhiều công ty FDI.

Các công ty này đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành chăn nuôi, nhưng cũng tạo sức ép cho các nông hộ.

Đặc biệt sau thời gian dịch Covid-19 kéo dài, cộng thêm giá nguyên liệu thức ăn tăng, giá bán heo thấp dưới giá thành, dịch tả heo châu Phi đã bào mòn sức sản xuất của người chăn nuôi. Các công ty, trang trại trong nước, nông hộ ngoài việc gồng mình chịu đựng tình hình chung, còn gặp áp lực cạnh tranh cực lớn từ các công ty FDI, với nhiều thế mạnh từ nguồn vốn dồi dào, và là một ông chủ trên toàn chuỗi giá trị.

Gần như công ty, trang trại, hay hộ nông dân ít nhiều đều có vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Và chịu quy luật của thị trường lời ăn và lỗ thì cầm sổ đỏ. Người chăn nuôi sản xuất ra thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng), nhưng 1 năm qua giá cám, thức ăn quá cao mà đầu ra lại thấp, dưới giá thành, khiến người chăn nuôi kiệt quệ.

 "Trong khi lúa gạo có chính sách tạm trữ - chính sách giá sàn, thì chúng tôi, dù cũng sản xuất mặt hàng thực phẩm thiết yếu, lại không được hưởng chính sách này", ông Công nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đưa ra 4 nguyện vọng xin ngân hàng nhà nước cứu nguy cho ngành chăn nuôi - Ảnh 2.

Giá trứng cũng đang ở mức thấp. Ảnh: Tuệ Mẫn

Từ những khó khăn trên, đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đã đề cập đến 4 nguyện vọng, xin Ngân hàng Nhà nước cứu nguy khẩn cấp cho ngành chăn nuôi, để giúp bà con vực lại kinh tế.

4 nguyện vọng ông Công gửi Ngân hàng Nhà nước là được gia hạn nợ gốc, giảm 1 phần lãi suất như chính sách hỗ trợ giai đoạn Covid-19. Ông Công nói hiện pháp lý đã có sẵn, chỉ cần gia hạn thời gian áp dụng, các ngân hàng có thể triển khai ngay, để hỗ trợ người chăn nuôi. Thứ 3 là tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các chi nhánh, để triển khai đến các vùng chăn nuôi trọng điểm, vì trang trại đang hoạt động, nếu đứt nguồn vốn sẽ có thể phá sản.

Bên cạnh đó, quá trình thẩm định khách hàng là các doanh nghiệp chăn nuôi, ngân hàng nên có sự tiếp xúc với Hiệp hội, để đánh giá tiềm lực khách hàng. Có những doanh nghiệp tốt có thể đứng ra bảo lãnh ngân hàng cho vay vốn cho cả chuỗi liên kết từ nông hộ, HTX, đại lý thức ăn,.. để tăng quy mô làm ăn.

Thứ 4, theo ông Công, hiện nay các ngân hàng đều đang tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN, trong số các lĩnh vực được hỗ trợ có lĩnh vực Nông nghiệp, công nghiệp, chế biến. Nhưng thực tế qua khảo sát chưa thấy doanh nghiệp, trang trại nào được hưởng gói lãi vay này. Do đó, Hiệp hội mong muốn sớm được kết nối với cơ quan chức năng, ngân hàng, để được tham gia gói hỗ trợ.

Ông Công nói rằng với vai trò vừa là người chăn nuôi, vừa là Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, ông không thể làm ngơ trước khó khăn của người chăn nuôi. Hiện người chăn nuôi đang liên tục lỗ nặng khi giá thành sản xuất cao hơn giá bán. Nếu không có phương án hỗ trợ thì nkhó trụ vững.


Tuệ Mẫn