Thứ Năm, ngày 16/01/2025 03:13 PM (GMT+7)
Chợ ế thảm, người bán ngóng khách cả ngày, đại gia bán lẻ cũng thu bạc cắc
2023-05-21 11:00:00
Sức mua đang giảm rất sâu ở các chợ truyền thống đến các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại. Tình hình được các doanh nghiệp dự báo vẫn chưa thể sáng hơn do kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu.
Tình hình kinh tế khó khăn khiến sức mua tại TP.HCM giảm sâu, điều nay được phản ánh trong GRDP của TP.HCM trong 4 tháng đầu năm, khi tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,7%, mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.
Chợ ế thảm thương
Dù cuối tuần nhưng chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) vẫn chỉ lai rai khách. Khu vực có sức sống nhất là các quầy rau củ quả, quầy ăn uống. Đi sâu vào khu vực nhà lồng, chỉ thấy toàn tiểu thương, thỉnh thoảng mới có khách mua hàng.
Bà Hoàng Điệp, tiểu thương ngành hàng tạp hóa, hàng thiết yếu buồn hiu cho biết dịp Tết, sức mua có khá hơn nhưng từ tháng 3 đến nay cứ vắng dần, vắng dần. Bà lo ngại sắp tới, sức mua sẽ ngày càng tệ hơn nữa, khi đó, tiểu thương chỉ còn biết khóc ròng.
“Hiện nay, một ngày tôi bán không được cho bao nhiêu khách. Không chỉ riêng sạp của tôi mà tất cả các sạp trong chợ cũng vậy. Sức mua rất chậm. Buổi sáng mở sạp 7h, bán tới 8-9h là coi như hết khách rồi. Từ giờ đó tới chiều, lâu lâu mới có 1-2 người”, bà Điệp than.
Trong khi đó, cũng tại chợ này, khu vực hàng thời trang như quần áo, giày dép gần như không có khách, dù cuối tuần. Ngay tại lối lên ở cầu thang, tiểu thương - hầu hết là phụ nữ lớn tuổi, đều ngóng khách. Họ mong cuối tuần lượng người đi chợ sẽ đông hơn. Nhưng không, nhiều người cho biết cả buổi sáng số lượng khách lên khu vực quần áo chỉ khoảng chục người.
Bà Đỗ Thúy Hòa - Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Bà Chiểu, xác nhận tình hình sức mua hiện nay tại chợ Bà Chiểu rất thấp, tuy có phục hồi sau dịch Covid-19 nhưng cũng không được bao nhiêu. “Có khi 2-3 ngày, thậm chí cả tuần lễ các tiểu thương ngành hàng quần áo, vải sợi, mỹ phẩm, giày dép cũng không bán mở hàng được vì sức mua quá yếu”, bà Hòa nói.
Bà Phạm Thị Sành - Trưởng ban quản lý chợ Hòa Hưng (quận 10) cho biết mãi lực chợ hiện nay cũng xuống mức rất thấp. Để hút khách, ban quản lý tổ chức tháng khuyến mãi, giảm từ 10-30% các mặt hàng từ quần áo, thực phẩm, thịt cá… Dù vậy, tình hình mua sắm vẫn không khả quan.
Hàng loạt chợ truyền thống ở TP.HCM cũng đều chung tình cảnh trên. Theo ban quản lý các chợ, đây là tình hình chung vì người dân thắt chặt chi tiêu, chỉ mua mặt hàng tươi sống, hàng hóa thiết yếu, bất chấp việc ban quản lý các chợ linh động tổ chức nhiều chương trình như bán hàng trực tuyến, tăng khuyến mãi, quà tặng để thu hút người dân mua sắm.
Đại gia cũng đang thu từng bạc cắc
Sức mua tại các hệ thống bán lẻ, phân phối lớn như siêu thị cũng không khá hơn. Tại MM Mega Market An Phú (TP.Thủ Đức), GO! Gò Vấp (quận Gò Vấp), Big C miền Đông (quận 10) dù là cao điểm buổi sáng hay chiều tối nhưng tổng lượng khách hàng mua sắm đều thưa thớt.
Quý I/2023, các nhà bán lẻ lớn đều cho biết tốc độ tăng trưởng dao động ở khoảng 10% nhưng con số này không bền vững do phụ thuộc tháng Tết và giỏ hàng tập trung vào nhóm hàng thiết yếu, cắt giảm chi tiêu tối đa cho nhóm hàng ngoài thiết yếu, hàng hóa cao cấp.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết năm 2022, tăng trưởng của ngành bán lẻ đạt 22% thì theo dự báo của Bộ KHĐT năm 2023 chỉ ở mức 17,5%. Tuy nhiên, theo ông Đức, thực tế những tháng đầu năm con số này còn thấp hơn. Ông dẫn số liệu của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, rằng không có nhà bán lẻ nào trong quý I/2023 tăng trưởng dương, để thấy các doanh nghiệp bán lẻ cũng đang rất khó khăn trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu.
Đến các đại gia trong ngành bán lẻ sản phẩm công nghệ cũng ghi nhận một quý kinh doanh chật vật.
“Ông lớn” Thế Giới Di Động, doanh nghiệp lớn trong mảng bán lẻ sản phẩm công nghệ, điện máy, hàng tiêu dùng ghi nhận quý I/2023, chỉ lãi hơn 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lên đến 1.450 tỷ.
Đây là lợi nhuận ảm đạm nhất lịch sử kể từ khi Thế Giới Di Động niêm yết trên sàn chứng khoán. Doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài giải thích sức mua điện thoại và điện máy suy yếu kể từ quý IV/2022 và tiếp tục giảm mạnh hơn so với dự báo trong quý đầu năm nay. Nhiều khách hàng có tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm giá trị cao.
Ngay cả Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), tình hình cũng khó sáng sủa hơn. Quý I/2023, công ty mẹ FPT Retail lỗ ròng 5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 165 tỷ đồng. Hệ thống này giảm 20% doanh thu ở nhóm sản phẩm hàng công nghệ như máy tính, điện thoại…
Ban lãnh đạo FPT Retail nhận định sức mua các mặt hàng công nghệ vẫn tiếp tục giảm mạnh, hoạt động mua trả góp đi xuống và chưa thể dự báo được thời điểm phục hồi.
Tại TP.HCM, thấy rõ nhất tại khu vực trung tâm, hàng loạt mặt bằng vẫn chưa có khách thuê mới, thậm chí làn sóng trả mặt bằng đang quay trở lại. Ở doanh nghiệp sản xuất, Pou Yuen, doanh nghiệp đông công nhân nhất TP.HCM vừa sa thải thêm gần 6.000 công nhân. Tình hình được các doanh nghiệp dự báo vẫn chưa thể sáng hơn do kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu.
Tăng trưởng kinh tế TP.HCM chỉ 0,7% là rất đáng lo
31/03/2023 13:00Diễn đàn Kinh tế TP.HCM HEF 2023 hướng tới tăng trưởng xanh, giảm phát thải bằng không
11/05/2023 15:34
Hơn 1.000 nhà mua quốc tế đăng ký săn hàng Việt tại hội chợ xuất khẩu TP.HCM lần đầu tiên được tổ chức
Diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP.HCM là hội chợ chuyên đề, chỉ tập trung vào xuất khẩu hàng hóa lần đầu tiên được tổ chức. Hiện đã có hơn 1.000 khách Mỹ, Hàn, Nhật… đăng ký tham gia, săn hàng Việt.