Thứ Năm, ngày 16/01/2025 07:40 PM (GMT+7)
Chiêu bán bia mới của Sabeco, Heineken, Carlsberg khi khách sợ bị thổi nồng độ cồn
2024-02-22 09:00:14
Khách sợ bị thổi nồng độ cồn nên việc giảm nhậu là hiển nhiên. Vì vậy, Sabeco, Heineken, Carlsberg… đều tung một loạt chiêu mới để vẫn có thể bán được bia.
Người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, đụng thêm cảnh sát giao thông tăng cường thổi nồng độ cồn khiến các hãng bia đang linh động hơn bao giờ hết trong việc tiếp thị, quảng cáo cũng như ra mắt những sản phẩm mới “né” cơn “tam tai”.
Người Việt đang hạn chế uống rượu bia ngoài nhà hàng, quán nhậu. Vì vậy, không hẹn mà gặp, các “ông lớn” trong ngành bia đều đã “nhanh trí” phủ sóng khắp các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee…
Các "ông lớn" trong ngành bia đều đã "nhanh trí" phủ sóng khắp các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee… Ảnh chụp màn hình
Trên các sàn này, chỉ với từ khóa “bia” và xác nhận trên 18 tuổi là trả về hàng loạt kết quả bia của các công ty đang có trên thị trường: bia Sài Gòn, bia 333 (của Sabeco), bia Tiger, bia Heineken (của Heineken), bia Hà Nội, bia Budweiser. Một ông lớn khác là Carlsberg cũng đã lên sàn với hàng loạt nhãn bia như Huda, bia Kronenbourg 1664 Blanc.
Theo ghi nhận, bia bán trên các sàn thương mại điện tử hiện nay đều do chính các hãng trực tiếp bán thông qua gian hàng chính hãng. Điều này đồng nghĩa các hãng đang đáp ứng nhu cầu uống bia, mở tiệc tại nhà thay vì uống tại hàng quán như trước đây.
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra vào đầu tháng 2/2024, ban lãnh đạo Sabeco nhận định dự kiến sẽ có sự chuyển dịch kênh tiêu dùng từ kênh tiêu dùng tại chỗ (on-trade) sang kênh mua về (off-trade). Vì vậy, ngay từ cuối năm 2023, hãng này đã bắt đầu bán bia trên các nền tảng thương mại điện tử.
Kênh bán hàng trực tuyến mới khởi động vào cuối năm ngoái khi Nghị định 100 được thắt chặt, vì vậy, chỉ một lượng nhỏ bia được bán qua các nền tảng thương mại điện tử.
Sabeco dự kiến đạt được doanh số bán hàng cao hơn qua kênh này vào năm 2024. Dự báo này hoàn toàn trùng khớp với số lượng đơn hàng mua thành công và đánh giá khách để tại trên sàn thương mại điện tử đối với các sản phẩm bia của Sabeco cũng như đối thủ.
Chẳng hạn, trên Lazada, thùng 24 lon bia Tiger Crystal 330ml/lon ghi nhận có gần 10.000 đơn giao dịch thành công, rất nhiều đánh giá được khách để lại trong vòng vài ngày trở lại đây và được khách xếp hạng 5/5 sao.
Tương tự, các nhãn bia còn lại cũng có lượng bán tốt và được khách đánh giá tích cực trên các sàn thương mại điện tử.
Đáng chú ý, tương tự như các thương hiệu khác khi bán trên kênh thương mại điện tử, các hãng bia cũng giảm giá sập sàn.
Bia Sài Gòn, Tiger, Heineken giảm từ 7% đến gần 30% so với giá niêm yết.
Thậm chí, một số loại bia mới như Kronenbourg 1664 Blanc của Carlsberg giảm tới 45%. Thùng 24 lon bia Kronenbourg 1664 Blanc 330ml - Nồng độ cồn 5% giá gốc 750.000 đồng/thùng, giảm 45% chỉ còn 410.000 đồng/thùng.
Đây là mức giá giảm hiếm thấy nếu khách mua trực tiếp tại các cửa hàng hoặc siêu thị và dĩ nhiên rẻ hơn nhiều so với uống trực tiếp tại quán.
Ngoài ra, dòng sản phẩm “bia không cồn” cũng đang được các hãng tích cực quảng cáo.
Đáng chú nhất là sản phẩm bia không cồn của Heineken ra mắt hồi năm 2020, thời điểm đó ít được chú ý vì tâm lý uống bia thì phải có nồng độ cồn, nhưng thời điểm này mới thực sự là lúc người ta thảo luận và quan tâm nhiều đến “bia không độ cồn”.
Theo Heineken, đây là thức uống thuộc danh mục "đồ uống đại mạch - đồ uống không cồn của Heineken Việt Nam". Tết năm nay, hãng đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị cho dòng “bia không độ cồn” cồn của mình với sự tham gia của nhiều KOL nổi tiếng, các cộng đồng tài xế, người yêu lái xe.
Thương hiệu bia dẫn đầu tận dụng cao tốc để quảng bá sản phẩm không cồn
Để tăng độ nhận biết về bia không cồn của Heineken, "ông lớn" này đang khai thác triệt để Nghị định 100 của Chính phủ về kiểm soát nồng độ cồn của người lái xe.