Thứ Năm, ngày 16/01/2025 02:51 PM (GMT+7)

Cân đối cơ cấu giống để phục vụ tốt hơn thị trường xuất khẩu gạo

2023-04-26 17:57:00

Cơ cấu giống lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng, Việt Nam cũng lần đầu xuất khẩu được gạo hữu cơ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn lo lắng khi cơ cấu lúa gạo trong nước chưa cân đối.

Xuất khẩu gạo thơm, gạo chất lượng cao ngày càng tăng

Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo, tăng 23% so với cùng kỳ 2022. Kim ngạch xuất khẩu gạo cũng đạt trị giá 981 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đang "đi đúng hướng" khi tỷ lệ gạo thơm, gạo nếp ngày càng gia tăng trị giá xuất khẩu.

Tỷ lệ gạo thơm, gạo nếp ngày càng gia tăng trị giá xuất khẩu. Ảnh: Trần Khánh

Tỷ lệ gạo thơm, gạo nếp ngày càng gia tăng trị giá xuất khẩu. Ảnh: Trần Khánh

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm nay, gạo trắng thường chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 53,7% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 996.500 tấn). Tiếp đến là chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 27,6% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 512.200 tấn).

Gạo nếp xếp thứ 3, chiếm khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 158.700 tấn). Riêng gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng xuất khẩu còn khiêm tốn, chỉ mới chiếm khoảng 0,2% (tương đương 5.100 tấn).

Theo ông Toản, gạo trắng thường vẫn chiếm tỷ trọng ổn định trong tổng lượng xuất khẩu gạo Việt Nam. Trong khi đó, gạo thơm và gạo nếp ngày càng gia tăng trị giá xuất khẩu.

Riêng đối với gạo hữu cơ, đầu tháng 2/2023, một doanh nghiệp ở Quảng Trị lần đầu tiên xuất khẩu được lô hàng 15 tấn gạo hữu cơ sang thị trường châu Âu. Việc gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất tham gia xuất khẩu dù còn khiêm tốn nhưng đã làm đa dạng chủng loại; từ đó, khẳng định được giá trị hạt gạo xuất khẩu.

Gạo hữu cơ Quảng Trị xuất sang thị trường châu Âu. Ảnh: Trần Khánh

Gạo hữu cơ Quảng Trị xuất sang thị trường châu Âu. Ảnh: Trần Khánh

Cũng theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm ghi nhận sự tăng trưởng tốt ở cả các thị truờng truyền thống. Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo sang EU tăng trưởng ở nhiều thị trường nhờ các sản phẩm gạo thơm, gạo phẩm chất chất lượng cao.

"Đây cũng là tín hiệu cho thấy doanh nghiệp đã bước đầu chú trọng đầu tư bài bản, hướng tới xuất khẩu mặt hàng gạo giá trị cao, tạo đà thúc đẩy xuất khẩu gạo hữu cơ trong thời gian tới", ông Toản nhận định.

Vẫn lo cơ cấu giống lúa gạo chưa cân đối

Dù được đánh giá là "thắng lợi bước đầu" trong quý 1 năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn lo lắng khi cơ cấu lúa gạo trong nước chưa cân đối.

Ông Huỳnh Văn Khỏe – Tổng Giám đốc Công ty XNK Đại Dương Xanh cho biết, mặc dù thị trường lúa gạo đang tăng trưởng rất tốt nhưng doanh nghiệp ông lại không thể tìm đủ lượng gạo ngon, chất lượng cao để bán.

Đây là vấn đề không riêng gì doanh nghiệp ông Khỏe gặp phải mà là "chuyện chung" của nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong nước.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lo lắng khi cơ cấu lúa gạo trong nước chưa cân đối. Ảnh: Trần Khánh

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lo lắng khi cơ cấu lúa gạo trong nước chưa cân đối. Ảnh: Trần Khánh

Ông Khỏe kể, trước đây, khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp bán được 2 container đã là mừng. Hiện nay, thị trường tốt, doanh nghiệp có thể tăng số lượng bán lên 10-15 container. Nhưng vấn đề là doanh nghiệp không tìm đủ gạo đạt chất lượng để xuất khẩu.

"Doanh nghiệp khi làm ăn phải giữ chữ tín với khách hàng. Đã chào hàng chất lượng cao thì không thể giao hàng chất lượng chưa cao được", ông Khỏe nói.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho rằng, cung - cầu về chủng loại lúa, gạo hàng hóa sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 vùng ĐBSCL nhìn chung còn thiếu cân đối. Điều này đã gây khó khăn nhất định cho các thương nhân trong công tác thu mua và xuất khẩu.

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, cả doanh nghiệp và nông dân phải cùng quan tâm thị trường đang cần chủng loại gạo nào, sản phẩm nào có giá trị cao.

Theo ông Nam, công tác điều tra cơ cấu giống hiện được các cơ quan chức năng thực hiện vào cuối mùa vụ. Thế nhưng, do tiến độ xuống giống kéo dài khoảng 2 tháng, nên công tác thống kê chưa thể đáp ứng được nhu cầu thông tin cho doanh nghiệp để chào hàng trước khi vào vụ thu hoạch.

Ông Nam cho rằng, ngay trong việc thực thi Nghị định 103/2020/NĐ-CP ngày 04/9/2020 của Chính phủ về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu cũng đang nhiều vướng mắc.

Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT sẽ tính toán cụ thể hơn về cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu để cung cấp cho khách hàng thế giới. Ảnh: Trần Khánh

Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT sẽ tính toán cụ thể hơn về cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu để cung cấp cho khách hàng thế giới. Ảnh: Trần Khánh

Cụ thể, danh mục gạo được xuất sang châu Âu hiện không còn phù hợp đối với một số chủng loại. Điển hình như gạo Đài Thơm và Tài Nguyên, công tác truy xuất nguồn gốc các giống lúa này còn nhiều hạn chế do chi phí xác nhận vùng trồng còn khá cao.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, thị trường xuất khẩu gạo đầu năm 2023 đang có nhiều tín hiệu tốt. Tuy nhiên, ngành gạo cần đánh giá đúng để định hướng cho cả năm 2023, và những năm tiếp theo nữa.

Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ để sớm phê duyệt về thị trường xuất khẩu gạo tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ sở để giúp các doanh nghiệp, các địa phương triển khai đồng bộ.

"Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT sẽ bàn bạc, làm cụ thể hơn về cơ cấu thị trường, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu để tiếp tục cung cấp tốt hơn cho khách hàng thế giới", Thứ trưởng Tân chia sẻ.

Trần Khánh