Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 05:07 PM (GMT+7)

Cần sớm chấm dứt độc quyền của vàng miếng SJC

2024-01-04 10:25:00

Trong cơ chế thị trường, cạnh tranh trong khuôn khổ luật pháp là động lực thúc đẩy thị trường phát triển dựa trên các quan hệ như cung - cầu, giá cả, quan hệ cạnh tranh... Và độc quyền là yếu tố cản trở phát triển. Tuy nhiên, thương hiệu SJC đang đóng vai trò độc quyền vàng miếng tại Việt Nam.

Ngày 26/12/2023, ngày cao điểm của giá vàng tại Việt Nam, vàng SJC vượt ngưỡng 80 triệu đồng/lượng và cao hơn giá vàng thế giới đến hơn 20 triệu đồng. Trong vòng nửa tháng qua, để tránh rủi ro, các doanh nghiệp kinh doanh luôn để khoảng cách giữa mua vào và bán ra lên tới hơn 3 triệu đồng/lượng, có lúc lên tới 5,5 triệu đồng/lượng. Trước đó, mức chênh này nằm dưới 1 triệu đồng.

Cần sớm chấm dứt độc quyền của vàng miếng SJC- Ảnh 1.

Vàng miếng SJC. Ảnh tư liệu


Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú đã có những chia sẻ về quan điểm điều hành, sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.

"Nhà nước luôn tôn trọng quyền bảo quản, cất trữ vàng người dân và Ngân hàng Nhà nước khẳng định không bảo hộ giá cả vàng miếng SJC, cũng không chấp nhận chênh lệch vàng SJC và thế giới đến hơn 20 triệu đồng", ông Tú cho biết.

Vụ Quản lý Ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước – cơ quan được giao đại diện Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng – cho biết đã đến lúc sửa Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nghĩa là hướng điều chỉnh sẽ để cho các doanh nghiệp và thị trường tự điều tiết các loại vàng bình thường (vàng Thần tài, trang sức…)

Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, cho biết thời gian qua giá vàng trong nước, nhất là vàng SJC tăng cao, nhưng tỷ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng vẫn ổn định. Đây là cơ sở cho thấy Nghị định 24 (ra đời năm 2012) đã hoàn thành sứ mạng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét lại cơ chế quản lý vàng miếng.

Các chuyên gia từng nêu ý kiến: Cần phá vỡ thế độc quyền vàng miếng của SJC. Về phần mình, ông Tuấn cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ có báo cáo gửi Chính phủ trong tháng 1/2024 để trình chủ trương, chính sách phù hợp trong tình hình mới. Thị trường lâu nay có nhận xét rằng cũng là vàng miếng, cũng đúc tương tự nhau nhưng chỉ có vàng miếng thương hiệu SJC có giá cao nhất.

Nghị định 24 được ban hành năm 2012 lúc giá vàng SJC khoảng 30-35 triệu đồng/lượng. Hiện nay giá đã hơn gấp đôi: vàng SJC neo ở mức 75 triệu đồng/lượng hôm nay 4/1/2024.

Sau khi giá vàng SJC lập đỉnh hơn 80 triệu đồng/lượng vào ngày 26/12/2023, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Từ chỉ đạo nóng của Thủ tướng, giá vàng SJC rơi xuống mức 73 – 76 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) chiều 28/12. Vì vậy, thị trường kháo nhau rằng giá vàng SJC "biết sợ" Chính phủ, với ngầm ý rằng có bàn tay nào đó đã từng điều khiển giá vàng theo hướng có lợi cho thương hiệu độc quyền này. Người dân cũng mong muốn thị trường vàng miếng phải minh bạch, nghĩa là sự độc quyền này cần chấm dứt.

Trương Văn
Giá vàng giảm sốc về 68 triệu đồng, người đu đỉnh đã lỗ hơn chục triệu đồng

Giá vàng giảm sốc về 68 triệu đồng, người đu đỉnh đã lỗ hơn chục triệu đồng

Giá vàng tiếp tục giảm sốc 3,5 triệu đồng trong ngày thứ Bảy, đưa giá mua vào về vùng 68 - 69,5 triệu đồng/lượng (tùy doanh nghiệp). Người đu đỉnh 80 triệu đồng/lượng trong tuần qua đã lỗ cả chục triệu đồng.