Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 05:51 PM (GMT+7)
Cách né “bẫy” săn sale, mua về rồi để đó
2023-08-16 13:00:00
Nhiều người trẻ đang nỗ lực để cải thiện khả năng kiểm soát chi tiêu.
Trước đây, không khó để bắt gặp dân văn phòng trẻ tuổi sáng đến kể về “chiến tích” mua sắm trong những ngày săn sale lớn. Định kỳ mỗi tháng sẽ luôn có 1-2 ngày như vậy, và mọi người thường chờ đợi để mua sắm với mức giá hời. Tuy nhiên, hiện nay, một số người trẻ có xu hướng “từ bỏ” thói quen này vì nhận ra nó ảnh hưởng tiêu cực đến cách chi tiêu của bản thân.
Chỉ săn sale vào ban ngày để có thời gian suy nghĩ kỹ càng
Ngọc Linh (25 tuổi, nhân viên văn phòng) từ ngày chuyển sang công việc mới, bởi vì vào làm lúc 8 giờ sáng, cô bạn đã từ bỏ thói quen thức khuya săn sale. Được biết trước đó, vào các ngày sale khủng của các sàn thương mại điện tử (TMĐT), cô bạn thường xuyên canh 12 giờ để có được những mã giảm giá khủng và đi ngủ lúc 1-2 giờ sáng.
“Mình cảm thấy săn sale rất dễ trở thành thói quen. Đôi lúc, mình không có nhu cầu mua những sản phẩm mới, tuy nhiên vì cảm thấy nếu không săn sale sẽ bỏ lỡ món hời nên mình luôn thức đến 12 giờ. Nhưng tính chất công việc thay đổi, mình không thể thức khuya như trước, thói quen này cũng dần dần được loại bỏ".
Trên thực tế, một lý do khác khiến cô bạn không còn muốn săn sale là bởi vì rất tốn tiền và dễ dẫn đến mua sắm hoang phí. Cảm giác FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) có lẽ là một trong những nguyên do lớn nhất, Ngọc Linh luôn sợ rằng nếu bây giờ không mua món đồ với mức giá hời, sau này cô bạn sẽ không còn cơ hội nữa. Bên cạnh đó, khi lướt sàn TMĐT vào những ngày giảm giá lớn, rất khó để có thể kiềm chế bản thân không mua những sản phẩm mới.
“Có lần mình đã cố gắng kiềm chế không mua sắm vào ngày sale. Tuy nhiên, khi bạn bè nhắn khoe ‘chiến tích' mua sắm những sản phẩm giảm giá sâu, mình lại không kiềm lòng được và cũng muốn săn sale. Tất nhiên, đến phân nửa những món đồ đó mình không dùng đến".
Cũng giống như Ngọc Linh, Hồng Hạnh (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng từ bỏ thói quen thức khuya để săn sale. “Mình nhận thấy vào thời điểm rất muộn, sau 1 ngày làm việc vất vả, bản thân rất khó để đưa những quyết định đúng đắn, bao gồm mua sắm. Những món đồ mình săn sale có thể dùng thì ít mà các sản phẩm mãi ở dưới đáy tủ không dùng đến rất nhiều".
Bên cạnh đó, Hồng Hạnh cho rằng hiện nay các sàn TMĐT có chương trình săn sale hàng ngày cho nên không còn cần cố gắng thức để mua đồ như trước. Hơn thế nữa, vì muốn cải thiện thói quen chi tiêu, mua sắm có kiểm soát hơn nên kể cả trong những ngày sale đậm, cô bạn cũng sẽ chờ đến giờ ăn trưa hoặc buổi chiều để chắc chắn về quyết định mua sắm của mình. Lúc này, cô bạn đã suy nghĩ về món đồ đó một thời gian, đủ để biết được bản thân có thật sự cần món đồ đó hay không, hạn chế quyết định mua sắm mơ hồ vào buổi đêm.
Mẹo săn sale hiệu quả có kiểm soát
Đối với Ngọc Linh, cô bạn cho rằng săn các mã giảm giá, canh chương trình sale khủng không phải là thói quen xấu. Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên vì vậy mà vung tay quá mức. “Phần lớn mọi người, bao gồm cả mình thường có suy nghĩ rằng nếu không mua món đồ này bây giờ, sợ rằng đến một lúc nào đó trong tương lai cần đến lại không có giá hời. Do vậy, mình thường mua đồ săn sale để đó chờ một ngày sẽ dùng đến nó. Song, phần lớn đó đều là những lần mua sắm thất bại".
Hơn thế nữa, mọi người có thể kiểm soát chi tiêu bằng cách lập một danh sách những sản phẩm cần mua trong tháng này. Bám vào kế hoạch đó và chỉ mua những sản phẩm bạn thật sự cần vào những ngày sale lớn. Đây là cách tốt nhất để có được sản phẩm phù hợp với mức giá phải chăng.
Bên cạnh đó, Hồng Hạnh cho rằng mọi người nên hạn chế mua sắm vào lúc nửa đêm. Bởi vì khi đó, sau một ngày làm việc và học tập, mọi người sẽ rất khó để suy nghĩ cẩn thận, chỉn chu. Do vậy, chúng ta thường sẽ đưa ra những quyết định dựa trên cảm tính trong mua sắm. Chẳng hạn, sắm những chiếc váy chỉ mặc 1 lần hay mua các sản phẩm với bề ngoài xinh xắn nhưng không có công dụng gì trong cuộc sống.
“Bây giờ nhìn vào tủ đồ, đến 99% những bộ quần áo mình không mặc đến đều là mua sắm săn sale vào lúc nửa đêm. Đến khi nhận đồ được giao đến, mình cũng không hiểu tại sao bản thân lại mua những sản phẩm đó. Do vậy, những quyết định liên quan đến tiền bạc, mình nghĩ mọi người nên quyết định lúc đầu óc tỉnh táo, nếu không rất dễ rơi vào tình trạng rỗng ví".
Theo PNVN