dd/mm/yyyy

Cách làm giàu trên vùng đất khó của Vàng A Páo

Người xưa có câu “một nghề thì sống, đống nghề thì chết” nhưng với Vàng A Páo, sinh năm 1981, dân bản Sểnh Sảng B (xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) thì lại khác. Mặc dù ôm đống nghề trong tay, từ trồng trọt, chăn nuôi đến kinh doanh, dịch vụ, nhưng mỗi năm Vàng A Páo đã thu hơn 400 triệu đồng.

Vàng A Páo sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" Dào San. Thấm thía cái nghèo túng của gia đình mình cũng như của người dân trong bản, A Páo luôn trăn trở làm sao để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên vùng đất quanh năm sương mù bao phủ này.

A Páo làm giàu trên vùng đất khó - Ảnh 1.

Vàng A Páo là một trong những người tiên phong làm chuồng nuôi gà khép kín.

A Páo kể: Tôi lập gia đình từ năm 18 tuổi. Sau khi lấy vợ, bố mẹ tôi cho vợ chồng tôi ra ở riêng. Được bố mẹ chia cho mảnh ruộng trồng lúa và hơn 1ha đất nương, 2 vợ chồng vất vả, đầu tắt, mặt tối cả ngày trên nương rẫy trồng ngô, trồng sắn, mà mãi không khá lên được. Tranh thủ những lúc nông nhàn, vợ chồng tôi bảo nhau khai hoang, mở rộng thêm diện tích đất trồng ngô. Đến năm 2007, gia đình tôi đã có 3ha đất, chủ yếu là trồng ngô. Lúc đó tôi nghĩ, nếu chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa thì khó có thể giàu lên được. Nghĩ là làm, tôi quyết định vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phong Thổ để mua trâu nái về nuôi.

Trồng trọt kết hợp với nuôi trâu và lợn gà, kinh tế gia đình A Páo ngày càng khá hơn. Từ một con trâu cái mua về chăm sóc cẩn thận, đến nay, gia đình ông Páo đã có 6 con trâu, con nào, con nấy cũng béo khỏe. Đó là chưa kể số trâu ông Páo đã bán ra thị trường trong những năm qua. Khi trâu cái sinh sản, nếu là nghé đực thì ông nuôi một thời gian ngắn rồi bán, còn là nghé cái thì A Páo giữ lại nuôi để nhân đàn.

A Páo làm giàu trên vùng đất khó - Ảnh 2.

Cùng với chăn nuôi, A Páo còn đầu tư máy móc để sản xuất gạch bi, bán ra thị trường.

Trò chuyện với A Páo, cảm nhận rõ bản tính thật thà, chất phác, giàu nghị lực vươn lên của đồng bào dân tộc Mông được bộc lộ rất rõ trong con người A Páo. Tiếp xúc còn thấy rõ A Páo không chỉ dám nghĩ, dám làm mà còn tỏ ra khá năng động, nhạy bén với tình hình thị trường. 

Nhận thấy nhu cầu vật liệu xây dựng của người dân địa phương ngày càng cao, năm 2016, A Páo mạnh dạn đầu tư máy sản xuất gạch bi để sản xuất vật liệu xây dựng. Sản phẩm gạch bi của A Páo làm ra đến đâu, bán hết đến đó, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình. Cùng với đó, gia đình A Páo còn kinh doanh vật tư nông nghiệp, mua ô tô tải để vận chuyển vật liệu thuê cho các hộ dân.  

"Dào San là vùng đất khó, muốn thoát nghèo và làm giàu thì phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, chứ không nên chỉ trông chờ vào bắp ngô, củ sắn. Cái quan trọng là phải mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, thì năng suất cây trồng, chất lượng vật nuôi mới nâng lên được. Làm nhiều nghề cũng có cái hay, nghề này hỗ trợ nghề kia. Giả dụ như tôi trồng ngô, sản phẩm bán không hết thì tôi đầu tư làm thức ăn cho lợn, gà. Như vậy, vừa đỡ tiền mua thức ăn chăn nuôi lại không bị tồn nông sản" – Vàng A Páo chia sẻ như vậy với chúng tôi.

 Cách làm giàu trên cùng đất khó của Vàng A Páo  - Ảnh 3.

Trồng trọt kết hợp với chăn nuôi và làm kinh doanh, dịch vụ, mỗi năm A Páo thu hơn 400 triệu đồng.

Ôm cả đồng nghề, mỗi năm gia đình Vàng A Páo thu hơn 400 triệu đồng, sau khi đã trừ hết các khoản chi phí, mỗi năm gia đình A Páo thu từ trồng trọt khoảng 100 triệu đồng, từ chăn nuôi là 50 triệu đồng, sản xuất gạch là 150 triệu đồng và từ dịch vụ 100 triệu đồng. 

Theo đánh giá của cấp ủy, chính quyền cơ sở nơi đây thì Vàng A Páo có được thành quả trên là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của cá nhân A Páo và các thành viên trong gia đình. Bởi từ hộ nghèo với những cố gắng, nỗ lực vươn lên, gia đình Vàng A Páo đã trở thành hộ khá, giàu trong bản, trong xã. 5 năm liền, Vàng A Páo được công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp các nghành.

 

Thúy Hạnh - Thanh Văn