Thứ Năm, ngày 16/01/2025 01:33 AM (GMT+7)

Các nhà sản xuất chip, công nghệ hàng đầu của Mỹ tháp tùng Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam

2023-09-10 19:27:00

Giới thạo tin cho biết, các công ty kỹ thuật số và bán dẫn hàng đầu của Hoa Kỳ bao gồm Intel, GlobalFoundries và Google dự kiến ​​sẽ tham dự cuộc họp kinh doanh vào thứ Hai ngày 11/9 tại Hà Nội trong chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam.

Các nhà sản xuất chip, công nghệ hàng đầu của Mỹ tháp tùng Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam  - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ đến Hà Nội, thăm cấp Nhà nước với Việt Nam. Ảnh: REUTERS

Cuộc họp nhằm tăng cường vai trò toàn cầu của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất chip. Đây được coi như là một phần trong chiến lược lớn của Washington nhằm giảm thiểu rủi ro do phụ thuộc vào Trung Quốc của ngành hàng này.

Theo Reuters, các giám đốc điều hành cấp cao của Google (GOOGL.O), Intel (INTC.O), Amkor (AMKR.O) , Marvell (MRVL.O), GlobalFoundries (GFS.O) và Boeing (BA.N) dự kiến sẽ nằm trong số những người tham dự. Giới thạo tin xác nhận sự có mặt của một số công ty chip lớn của Mỹ, bao gồm Amkor, cùng các đối tác Việt Nam của họ như công ty công nghệ FPT (FPT.HM), và các quan chức hàng đầu của Việt Nam và Mỹ, trong đó có cả Ngoại trưởng Antony Blinken.

Các quan chức Mỹ cho biết, chất bán dẫn dự kiến sẽ trở thành tâm điểm trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden vào Chủ nhật và thứ Hai, khi Nhà Trắng đang tìm cách chính thức tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia từng là "cựu thù trong chiến tranh".

Các nhà sản xuất chip, công nghệ hàng đầu của Mỹ tháp tùng Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam  - Ảnh 2.

Các quan chức Mỹ nhiều lần cho rằng lắp ráp và thiết kế là những phân khúc của ngành sản xuất chip mà Việt Nam có khả năng phát triển nhanh hơn. Ảnh: REUTERS

Hội nghị bàn tròn hiện vẫn chưa được công bố chính thức, tuy nhiên một trong những nguồn tin cho biết sẽ có sự tham gia của khoảng 30 giám đốc điều hành và quan chức hàng đầu của 2 nước tham dự cuộc họp. Được biết, một số doanh nghiệp trong danh sách hiện đã đầu tư hoặc công bố đầu tư vào Việt Nam:

Intel có một nhà máy trị giá 1,5 tỷ USD ở miền Nam Việt Nam để lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip, nhà máy lớn nhất trong mạng lưới toàn cầu của họ và đã có kế hoạch mở rộng nhà máy này. Tính đến nay, Intel vẫn là thương hiệu Mỹ tại thị trường Việt có doanh thu lớn nhất. Sự kiện Intel đầu tư vào Việt Nam vào năm 2006 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, giúp đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ công nghệ thông tin và điện tử toàn cầu. Trong quý I/2023, Intel chiếm tới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP. HCM (SHTP) và 15% kim ngạch xuất khẩu linh kiện, điện tử của cả nước. Trong những năm qua, nhà máy Intel Products Vietnam (IPV) đã xuất xưởng hơn 3,5 tỷ đơn vị sản phẩm và hiện đang sản xuất những chipset công nghệ hiện đại nhất của Intel như 5G, IOT, vi xử lý Intel Core thế hệ 13 mới nhất… Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, Intel Products Vietnam còn giúp cải thiện đời sống của người dân khi tạo hơn 6.500 việc làm ở lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có khoảng 2.400 nhân sự chính thức thuộc Intel.

Amkor đang xây dựng “một nhà máy lớn hiện đại để lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn” gần Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 7 vừa qua. Hiện tại, nhà máy đang được triển khai xây dựng đúng tiến độ, dự kiến hoàn công vào tháng 9/2023, và đến cuối tháng 10/2023 sẽ đưa vào sản xuất thử. Công ty này cũng có hàng chục vị trí tuyển dụng trên trang web tại Việt Nam. Trước đó đầu tháng 11/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty Amkor Technology đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận phát triển dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại khu công nghiệp Yên Phong II-C. Dự án có tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD với diện tích khoảng 23ha, trong đó, giai đoạn đầu của dự án đầu tư khoảng 520 triệu USD và sẽ giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Hãng thiết kế chip Marvell cho biết họ có kế hoạch xây dựng một trung tâm “đẳng cấp thế giới” tại Việt Nam. Trước đó, ngày 16/5, Tập đoàn Công nghệ Marvell (Hoa Kỳ) đã công bố việc thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại TP.HCM. Trung tâm được thành lập trên cơ sở nâng cấp Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghệ Marvell Việt Nam tại Khu Chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TP.HCM). Theo ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, Tập đoàn Marvell có khoảng 20 trung tâm nghiên cứu phát triển đặt tại các khu vực trên thế giới. Với việc nâng cấp này, Marvell Việt Nam trở thành một trong 4 trung tâm nghiên cứu phát triển mang tầm thế giới của Tập đoàn Marvell (cùng với các trung tâm tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và Israel). Marvell Việt Nam hiện có khoảng 300 nhân viên, trong đó 97% nhân sự là các kỹ sư. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực, Marvell sẽ chú trọng đầu tư phát triển các kỹ năng công nghệ thiết yếu thông qua Chương trình học bổng ưu tú Marvell Việt Nam, hỗ trợ sinh viên tài năng chuyên ngành kỹ thuật và khoa học máy tính tại các trường Đại học hàng đầu Việt Nam.

Các quan chức Mỹ nhiều lần cho rằng lắp ráp và thiết kế là những phân khúc của ngành sản xuất chip mà Việt Nam có khả năng phát triển nhanh hơn, mặc dù tình trạng thiếu kỹ sư có thể khiến ngành này chậm phát triển. Việt Nam cũng có tham vọng xây dựng các nhà máy sản xuất chip của riêng mình.

Một giám đốc điều hành của một hãng chip lớn của Mỹ cho biết, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức các cuộc họp với hầu hết các công ty chip lớn trong nước, bao gồm Intel, Samsung và Qualcomm, để xin lời khuyên về việc thiết lập hệ thống quản lý chip nhà máy đầu tiên của đất nước.

Các quan chức Mỹ cũng cho biết việc nâng cấp quan hệ chính thức với Việt Nam có thể giúp thúc đẩy hợp tác về trí tuệ nhân tạo (AI), một lĩnh vực mà Google là công ty lớn trên toàn cầu.


Nam Hải (theo Reuters)