dd/mm/yyyy

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua để đảm bảo nguồn cung tôm

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua để đảm bảo nguồn cung tôm tại triển lãm hải sản lớn nhất Châu Á giữa lúc tồn kho giảm và giá tăng cao, mặc dù một số nhà nhập khẩu bày tỏ sự thận trọng về chi phí tăng trước giai đoạn Tết Nguyên đán.

Giá tôm tăng tại Trung Quốc khi nguồn cung giảm từ Ecuador, Ấn Độ

Công ty xuất khẩu tôm lớn thứ hai của Ecuador, Omarsa, đã nhận được những đơn hàng lớn tại Triển lãm Hải sản và Thủy sản Trung Quốc (CFSE), với giá tăng hơn 1,20 USD/kg kể từ tháng 8. Một số nhà xuất khẩu lưu ý rằng chi phí nguyên liệu của họ hiện tại đã tương đương với giá sản phẩm cuối cùng trước đây.

Trung Quốc đã nhập khẩu tôm từ Ecuador với khối lượng thấp hơn trong 6 tháng qua, tạo ra một sự thiếu hụt nhất định trong thị trường. Các công ty xuất khẩu của Ecuador đang đối mặt với sự trì trệ trong vận chuyển, đặc biệt tại các bến cảng tại Mexico, do vậy, nhiều đơn hàng sẽ không thể tới nơi trước Tết Nguyên đán, CEO của Omarsa cho biết.

Nhiều yếu tố đang làm giảm nguồn cung, bao gồm cả cuộc khủng hoảng năng lượng của Ecuador, sự thiếu hụt thức ăn và công suất đông lạnh bị hạn chế. Điều kiện mùa đông lạnh giá ở Nam Mỹ cũng dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn và tỉ lệ tôm chết cao hơn.

Các nhà đóng gói Ecuador đã tăng giá tôm có vỏ, có đầu size 30/40 lên 5,80 USD/kg tại Triển lãm, tăng 0.20 USD so với mức trước triển lãm. Giá cho tôm size 40-50 tăng lên 5,30 USD/kg, size 50-60 lên 4,80 USD/kg và size 60-70 lên 4,25 USD/kg.

Tuy nhiên, một số người mua Trung Quốc đang phản đối mức giá leo thang. Giá tôm trong nước đã giảm xuống dưới chi phí nhập khẩu, với chi phí vận chuyển và giao hàng cho một đơn hàng 12kg đạt 510 NDT (71,90 USD/kg) trong khi giá bán buôn trong nước đạt 495 NDT.

Nhà nhập khẩu Trung Quốc đã trở nên thận trọng với tôm Ecuador. Nếu giá của tôm size 30/40 vượt quá 5,50 USD/kg, họ sẽ rơi vào tình thế bị động, vì thị trường nội địa không chấp nhận bất kỳ mức tăng giá nào.

Thời điểm diễn ra triển lãm vào cuối tháng 10 rất quan trọng để đảm bảo nguồn cung trước Tết Nguyên đán và người mua Trung Quốc biết rằng họ cần đưa sản phẩm ra thị trường.

Mặt khác, nhu cầu đối với tôm đông lạnh bỏ đầu của Ấn Độ không chuyển hóa thành các đơn hàng chắc chắn do người tiêu dùng đã thận trọng hơn so với trước đây.

Những trận lũ lụt gần đây đã ảnh hưởng đến các trang trại tôm ở Ấn Độ thuộc các vùng Nellore và Krishna, khiến cho khối lượng tôm chế biến sụt giảm so với công suất ban đầu. Dự kiến khi mùa thu hoạch mới bắt đầu, họ sẽ có khối lượng nguyên liệu thô lớn hơn.

Theo Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh của nước này hiện giảm 24% so với cùng kì năm ngoái xuống 66.149 tấn trong tháng 9, trong khi giá trị NK giảm 26% xuống 327 triệu USD. Ecuador vẫn là nhà cung cấp lớn nhất mặc dù giảm 12% trong tháng 9 xuống 49.956 tấn, chiếm khoảng 75% tổng lượng nhập khẩu tôm của Trung Quốc.

Xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc giảm 48% xuống còn 9.505 tấn, trong khi khối lượng của Indonesia giảm 80% xuống chỉ còn 365 tấn. Venezuela nổi lên là nhà cung cấp chính duy nhất ghi nhận tăng trưởng tích cực, với khối lượng tăng 22% lên 296 tấn.

Thị trường Mỹ cũng đang cho thấy những dấu hiệu cải thiện khi trước đó, tồn kho của Mỹ rất thấp do do nhà NK ngại mua khi phải trả thuế CVD và AD cao hơn trước. Hiện dịp lễ Tạ ơn sắp đến, họ sẽ cần bổ sung hàng tồn kho càng nhanh càng tốt.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam quay lại mốc 1 tỷ USD/tháng 

Với Việt Nam, sau hơn 2 năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lại đạt mốc 1 tỷ USD/tháng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản của cả nước tháng 10/2024 ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên sau hơn 2 năm (từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản quay lại mốc 1 tỷ USD/tháng, là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Lũy kế 10 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản mang về 8,27 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguồn: VASEP

VASEP cho biết, trong bối cảnh các thị trường chủ lực gia tăng mạnh mẽ nhu cầu nhập khẩu thủy sản, xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 10. Đặc biệt, XK sang Trung Quốc và Hồng Kông bùng nổ với mức tăng 37%, khẳng định vị thế là thị trường lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong tháng. Các thị trường khác cũng không kém phần sôi động: XK sang Mỹ tăng 31%, Nhật Bản tăng 22%, EU tăng 27%, trong khi Hàn Quốc tăng khiêm tốn hơn với 13%.

Tính đến cuối tháng 10, tổng giá trị XK thủy sản sang Trung Quốc, Hồng Kông và Mỹ đã chạm ngưỡng 1,5 tỷ USD. Đáng chú ý, xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ từ Trung Quốc và Hồng Kông có khả năng vượt Mỹ trong những tháng cuối năm, nếu đà tăng trưởng 20% của 10 tháng qua được duy trì. Nếu tiếp tục giữ vững mức tăng này, Trung Quốc và Hồng Kông có thể trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất thủy sản Việt Nam vào cuối năm 2024.

Dù nền kinh tế châu Âu hồi phục chậm hơn so với Mỹ và Trung Quốc, nhưng tín hiệu tích cực từ mức tiêu thụ và giá nhập khẩu thủy sản đang dần hồi phục, cho thấy triển vọng khả quan cho doanh nghiệp Việt Nam. Đến cuối tháng 10/2024, XK sang EU đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, XK sang Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn từ 1,5% đến 2%. Những yếu tố như lạm phát kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu dùng tại hai thị trường này. Nhật Bản, từng là một trong hai thị trường nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam, đã tụt xuống vị trí thứ ba vào năm 2024, với kim ngạch đạt 1,25 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, trong khi Hàn Quốc chỉ đạt 646 triệu USD.

Trong bối cảnh đó, tôm và cá tra là hai mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn trong năm 2024. Tính đến cuối tháng 10/2024, XK tôm đã đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 13%, trong khi cá tra gần 1,7 tỷ USD, tăng 10%. Chỉ riêng trong tháng 10, XK tôm và cá tra đã có sự bứt phá mạnh mẽ, với mức tăng lần lượt là 26% và 24%, vượt xa cá ngừ và mực bạch tuộc.

Một tin vui cho ngành tôm Việt Nam là vào ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ (CVD) cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam, trong đó, mức thuế suất cho tôm Việt Nam là 2,84%, thấp hơn đáng kể so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ.

P.V