Thứ Tư, ngày 15/01/2025 07:57 PM (GMT+7)

Các "đại bàng" logistics tầm cỡ thế giới đang ráo riết đua nhau đặt chân vào Việt Nam

2023-10-05 16:58:28

Sẽ có thêm các tập đoàn logistics tầm cỡ thế giới thâm nhập thị trường Việt Nam bên cạnh các công ty đã có mặt đang mở rộng hoạt động ở đủ 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Ngành logistics đang liên tục đón đại bàng FDI 

Theo thông tin tại hội nghị ngày 5/10 do báo Đầu Tư tổ chức, các tập đoàn logisitcs tầm cỡ thế giới đang ráo riết đua nhau đặt chân vào Việt Nam.

Tháng 8 năm nay, đại diện của A.P. Moller Maersk của Đan Mạch, tập đoàn logisitcs lớn nhất thế giới, đến Bình Dương, để bàn kế hoạch xây trung tâm logistics quy mô lớn tại tỉnh này.

Các "đại bàng" logistics tầm cỡ thế giới đang ráo riết đua nhau đặt chân vào Việt Nam  - Ảnh 1.

Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu năm 2022. Tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Ảnh: TTXVN

Ông lớn Warburg Pincus của Mỹ cũng đã gặp lãnh đạo tỉnh Bình Dương, để xúc tiến kế hoạch đầu tư một dự án trung tâm thương mại điện tử xuyên biên giới.

Warburg Pincus và Becamex IDC dự kiến xây trung tâm này với quy mô 75 ha tại Thành phố mới Bình Dương.

"Nói ngành logisitcs đang đón đại bàng FDI- cũng đúng, nhưng chính xác hơn là đón "hồng hạc" tầm cỡ vì đại bàng đi săn một mình trong khi chim hồng hạc hoạt động theo đàn; và hiện nay là đầu tư "theo đàn": nhiều cánh chim lớn bay về", theo thông tin từ hội nghị.

Ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành của Công ty SLP Việt Nam (có mặt năm 2020) cho biết công ty đã có hơn 1 triệu m2 diện tích nhà kho hiện đại ở Việt Nam, nhưng cam kết mở rộng hơn nữa danh mục dự án nhà kho ở các khu vực trọng điểm.

SLP Việt Nam (liên doanh giữa hai "ông lớn" logistics nước ngoài là GLP và SLP) đang cung cấp tổng diện tích nói trên tại 9 dự án có vị trí chiến lược ở các khu công nghiệp xung quanh Hà Nội và TP.HCM, gồm Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An và Vĩnh Long.

Ngành logistics Việt Nam đón thêm "hồng hạc" lớn của thế giới - Ảnh 1.

Các chuyên gia dự Hội nghị Logistics Việt Nam 2023 ngày 5/10 tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Tường

GLP là tập đoàn hàng đầu thế giới về xây dựng, sở hữu, phát triển và vận hành diện tích nhà kho hiện đại bất động sản logistics, trung tâm dữ liệu và năng lượng tái tạo.

GLP gia nhập thị trường Việt Nam năm 2020 thông qua liên doanh chiến lược với SLP. Tháng 1/2022, GLP thành lập quỹ có tên GLP Vietnam Development Partners I, với tổng giá trị đầu tư 1,1 tỷ USD cho thị trường Việt Nam.

Hiện nay, "ông lớn" Sembcorp Industries từ Singapore đang thực hiện dự án Sembcorp Logistics Park Quảng Ngãi, là khu nhà kho xây sẵn hiện đại đầu tiên ở miền Trung. Dự án có quy mô ba khối nhà kho đơn tầng hiện đại, với tổng diện tích đất 6ha và tổng diện tích sàn là 35.500m2. Quá trình thi công dự kiến sẽ hoàn thành quý IV/2023.

Sembcorp chính là "đại gia" có mặt trong liên doanh phát triển khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam là VSIP (Khu CN Việt Nam Singapore) với Becamex IDC của Bình Dương. Liên doanh VSIP được Chính phủ Việt Nam và Singapore xác định là mô hình hợp tác kinh tế thành công tiêu biểu giữa 2 nước.

Những địa bàn miền Trung đang phát triển nhanh về logistics quốc tế, gồm Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Quy Nhơn, Khánh Hòa…, theo thông tin từ hội nghị.

 Logistics Việt Nam cần tập trung vào 4 vấn đề

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/9/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong năm đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn luôn là "ngôi sao sáng" thu hút đầu tư tại Đông Nam Á.

 Theo đánh giá của Agility, năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. 

Ngành logistics Việt Nam đón thêm "hồng hạc" lớn của thế giới - Ảnh 2.

Cảng Chu Lai (Quảng Nam) đón tàu container quốc tế. Ảnh: TL

Doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước, và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ, từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán… tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ  Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Duy Đông, cho biết để đạt nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics, Việt Nam cần tập trung vào 4 vấn đề.

Đầu tiên, phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; cải cách thủ tục hành chính, rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Về hạ tầng, Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải, với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics…

Về nhân lực, phải có sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề…

Với các doanh nghiệp trong ngành, ông Đông nói cần xây dựng chiến lược kinh doanh, thực hiện liên kết chiến lược, liên doanh với các đối tác, hoặc hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp, để tạo ra các doanh nghiệp mạnh, tăng khả năng cạnh tranh.

Trong nhận định gần đây về việc các công ty nước ngoài đầu tư vào logistics tại Việt Nam, ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng tập đoàn đầu tư VinaCapital, đánh giá Việt Nam là một trong những nước có dịch vụ logistics phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng còn rời rạc và phân tán.

Nhưng chính điều này là cơ hội hấp dẫn cho các quỹ đầu tư rót tiền vào thị trường này. Qua đó giúp doanh nghiệp trong nước tăng doanh thu và lợi nhuận, bằng cách áp dụng các kinh nghiệm quốc tế tốt nhất.


Nguyễn Tường
:Siêu cảng' Cần Giờ, những điều cần lưu ý

:Siêu cảng" Cần Giờ, những điều cần lưu ý

Đảm bảo nguồn hàng cho hoạt động của cảng là điều kiện tiên quyết để một cảng tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, mục tiêu trung chuyển chưa thể thành công ít nhất trong thời điểm hiện tại và tương lai gần.