Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:06 PM (GMT+7)

Bình Phước: Cà phê được mùa được giá, mà niềm vui chưa trọn

2021-12-17 13:00:00

Vụ thu hoạch cà phê năm nay ở Bình Phước đang được mùa, được giá. Thế nhưng, niềm vui của nhiều nông vẫn chưa trọn vẹn khi tiếp tục khổ sở tìm kiếm công lao động.

Cà phê Bình Phước được mùa được giá

Các vùng trồng cà phê ở Bình Phước đang cao điểm thu hoạch. Nhiều năm gắn bó với cây cà phê, vụ thu hoạch nay có lẽ là mùa vụ trúng nhất với ông Nguyễn Ngọc Giảng ở xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng .

Ông Giảng đang trồng 200 gốc cà phê xen canh nhiều loại cây trồng khác. Ông kể mỗi năm, vườn cà phê của ông cho thu hoạch từ 700-800 kg. Năm nay thời tiết thuận lợi, ông ước thu được hơn 1 tấn trái tươi. 

Cùng với cây điều, cà phê được xem là cây trồng chủ lực của người dân ở xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng.

Nông dân huyện Bù Đăng thu hoạch cà phê. Ảnh: T.L

Nông dân huyện Bù Đăng thu hoạch cà phê. Ảnh: T.L

Theo Phòng nông nghiệp huyện Bù Đăng, năm nay sản lượng cà phê của xã Phú Sơn ước đạt hơn 11.200 tấn cà phê tươi, tức khoảng 2.500 tấn cà phê nhân.

Tính ra, niên vụ năm nay, năng suất cà phê trung bình của xã Phú Sơn Đạt gần 3,6 tấn cà phê nhân/ha. Con số này tăng cao so với mọi năm, và xấp xỉ năng suất trung bình của các tỉnh trồng chuyên canh cà phê ở khu vực Tây Nguyên .

Tại xã Nghĩa Bình (huyện Bù Đăng), ông Nguyễn Công Anh cũng cho biết, năng suất vườn cà phê năm nay tăng hơn năm ngoái khoảng 30%.

Theo ông Anh giải thích, thời tiết năm nay khá thuận lợi cho cây cà phê phát triển. Mưa sớm và kết thúc muộn, đảm bảo nguồn nước tưới nhất là ở thời điểm cây cà phê ra hoa, giúp cho tỉ lệ đậu trái cao.

"Đánh giá sơ bộ, năng suất cà phê năm nay tăng từ 200-300 kg/ha so với niên vụ trước; ước đạt khoảng 3 tấn cà phê nhân/ha", ông Anh nói.

Không chỉ được mùa, giá cà phê năm nay cũng tăng cao. Hiện nay giá cà phê được thương lái thu mua dao động từ 7.500-8.500 đồng/kg đối với trái tươi, và 40.500-41.000 đồng/kg đối với cà phê nhân khô.

Bà Lê Thị Thu, chủ cơ sở thu mua Thu Lộc ở xã Đức Liễu (huyện Bù Đăng) kể, những năm trước, vào đầu vụ thu hoạch, giá cà phê thường sụt giảm. Sau đó, giá mới nhích dần lên vào giữa và cuối vụ.

Năm nay, dù mới chớm vụ nhưng giá cà phê nhân đã ở mức khá cao. Có thời điểm đạt từ 41.000- 42.000 đồng/kg nhân khô.

Mức giá này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 10.000 đồng/kg, được xem là mức giá tăng cao nhất trong vòng 4 năm qua.

Vụ thu hoạch cà phê Bình Phước năm nay được mùa được giá. Ảnh: Trần Khánh

Vụ thu hoạch cà phê Bình Phước năm nay được mùa được giá. Ảnh: Trần Khánh

Với những vườn cà phê có diện tích nhỏ, nông dân thường bán cà phê tươi để tiết kiệm chi phí thu hoạch và công phơi sấy. Còn ở những vườn cà phê có diện tích lớn, bà con vẫn chú trọng vào việc bán cà phê nhân vì năm nay cà phê được mùa, năng suất tốt.

Cũng theo bà Thu, nhiều nông dân thu hái cà phê khi tỷ lệ trái chín trên cây đạt từ 80% trở lên. "Điều đó cũng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm ở địa phương nên được các thương lái đánh giá cao", bà Thu nói.

Chật vật tìm công lao động

Từ cuối tháng 11, giá cà phê đã tăng từ 40.800-41.600 đồng/kg, thị trường cà phê trong nước tăng khoảng 500-600 đồng/kg. Giá cà phê tiếp tục duy trì ở mức đến thời điểm hiện tại.

Ông Lê Trung Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Sơn (huyện Bù Đăng) cho biết, giá cà phê đang tốt, sẽ phần nào gỡ khó cho bà con trong 1 năm đầy khó khăn.

Tuy nhiên, thời gian qua, giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến chi phí sản xuất tăng. Thêm vào đó, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến niềm vui được mùa của nông dân không trọn vẹn.

Các vùng trồng cà phê ở Bình Phước đang thiếu nhân công thu hái. Ảnh: Trần Khánh

Các vùng trồng cà phê ở Bình Phước đang thiếu nhân công thu hái. Ảnh: Trần Khánh

Toàn xã Phú Sơn có khoảng 700ha cà phê, ước tính cần khoảng 1.400 lao động, trong thời gian 2 tháng thu hoạch.

Thế nhưng, việc tìm nhân công thu hoạch không dễ dàng dù nhiều hộ trồng cà phê đã chuẩn bị chỗ ăn, chỗ ngủ, thực hiện 3 tại chỗ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

"Nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn để tìm kiếm công thu hái trái", ông Hiếu nói.

Ông Lưu Việt Sử, nông dân ở xã Phú Sơn kể, tiền công thu hái cà phê được tính theo kg. Cứ mỗi kg cà phê tươi, nhân công được trả 1.200-1.300 đồng, thậm chí có vườn phải trả đến 1.400 đồng.

Tính ra, mỗi nhân công có thể có thu nhập từ 400.000-500.000 đồng cho một ngày lao động, cao gấp đôi so với niên vụ trước.

Để tìm được công hái cho 6ha cà phê của gia đình, ước thu khoảng 24 tấn trái, ông Sử phải về tận các tỉnh miền Tây . "Nhân công thuê xe lên Bình Phước, mình phải chịu một nửa tiền vé xe cho họ nữa", ông Sử kể.

Nhung không phải ai cũng may mắn thuê được công lao động như gia đình ông Sử. Dịch Covid-19 khiến nguồn lao động từ các tỉnh miền Tây, miền Trung hạn chế di chuyển vào tỉnh Bình Phước.

Toàn tỉnh Bình Phước hiện có hơn 14.600ha cà phê. Không riêng gì xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng mà nhiều hộ trồng cà phê khác trong tỉnh đang phải chật vật khoán đổi, xoay vần công cho nhau để thu hái cà phê cho kịp thời vụ.

Thiếu nhân công, vgười dân ở huyện Bù Đăng tự thu hái cà phê cho mình. Ảnh: Thu Thảo

Thiếu nhân công, vgười dân ở huyện Bù Đăng tự thu hái cà phê cho mình. Ảnh: Thu Thảo

Theo ông Lê Trung Hiếu, không chỉ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà thiếu lao động nông thôn là hiện trang từ nhiều năm nay.

Các khu, cụm công nghiệp ra đời đã kéo theo sự chuyển dịch mạnh mẽ lao động từ nông thôn vào các nhà máy, xí nghiệp làm việc. Lĩnh vực nông nghiệp ngày càng thiếu lao động, nhất là lao động thời vụ.

Lao động khan hiếm kéo theo giá nhân công tăng cao so với năm trước. Mỗi ha cà phê tốn khoảng 20 triệu đồng tiền công thu hoạch.

Điều này không chỉ gây ra khó khăn cho nhà nông mà còn khiến cho giá thành sản xuất cà phê, cũng như nhiều loại nông sản trong nước cao hơn so với nhiều nước trên thế giới.

"Ngành nông nghiệp cần quan tâm triển khai ứng dụng máy móc, công nghệ nhiều hơn để thay cho sức người. Như thế mới giải quyết được bài toán thiếu hụt nhân công lao động, vừa để giảm giá thành sản xuất", ông Hiếu nói.

Trần Khánh