Thứ sáu, 03/05/2024

Bộ Công Thương: Giá ô tô Việt Nam đắt gấp đôi Thái Lan, Indonesia nhưng tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ đến 2025

09/03/2023 7:56 PM (GMT+7)

Theo Bộ Công Thương, mức giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia), và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ôtô đã phát triển ổn định như Mỹ và Nhật Bản.

Chỉ ra giá xe sản xuất tại Việt Nam cao hơn gần gấp đôi so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, nhưng chất lượng lại thua xe nhập khẩu, Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân lớn nhất là do thuế và phí cao, sản lượng trong nước thấp.

Vì sao giá ô tô Việt Nam cao gần gấp đôi Thái Lan, Indonesia

Bộ vừa có báo cáo gửi Bộ Tài chính, đánh giá tác động của việc không áp dụng quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện ô tô nhập khẩu.

Bộ Công Thương: Giá ô tô Việt Nam đắt gấp đôi Thái Lan, Indonesia nhưng tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ đến 2025  - Ảnh 1.

Theo Bộ Công Thương, giá ô tô Việt Nam đắt gấp đôi Thái Lan, Indonesia nhưng chất lượng thua xe nhập khẩu. Ảnh: VTV

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%, với sản lượng sản xuất lắp ráp đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Nhiều hãng lớn trên thế giới đã có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. 

Hiện tổng công suất lắp ráp của các nhà máy tại Việt Nam hiện đạt khoảng 755.000 xe/năm. Một số loại đã xuất khẩu sang nhiều thị trường như Thái Lan, Philippines,… trong đó đặc biệt là đối với xe tải, xe bus.

Cũng theo Bộ Công Thương, dù đã đạt được những kết quả nhất định, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính, là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.

 Tuy nhiên, giá bán xe lại ở mức cao so với các nước trong khu vực. Mức giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia). Và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Lý giải nguyên nhân giá ô tô Việt Nam cao so với nhiều nước, Bộ Công Thương cho rằng do thuế và phí cao, đồng thời sản lượng trong nước thấp. 

Bộ Công Thương: Giá ô tô Việt Nam đắt gấp đôi Thái Lan, Indonesia nhưng tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ đến 2025  - Ảnh 2.

Dự báo nhu cầu ôtô của Việt Nam năm 2025 trung bình khoảng 800.000-900.000 xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe. Ảnh: HNM

Đáng chú ý, dù giá cao, Bộ Công Thương cho rằng chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa thực sự bằng xe nhập khẩu; chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ôtô và sản xuất phụ tùng linh kiện...

Báo cáo của Bộ Công Thương khẳng định thị trường ô tô trong nước vài năm gần đây tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng. Với dân số khoảng 100 triệu người và tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe dưới 9 chỗ như hiện nay (trung bình 20-30%/năm), Việt Nam sẽ là thị trường tiêu thụ ô tô rất tiềm năng trong khu vực. Trong năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Philippines trở thành thị trường tiêu thụ ô tô lớn thứ 4 trong ASEAN (sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia).

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực về phát triển công nghiệp sản xuất ô tô, thì Việt Nam chịu thiệt thòi, là đã phải hội nhập khu vực khi thị trường còn nhỏ để tổ chức sản xuất kinh doanh quy mô lớn, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá ô tô cao.

80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện ô tô phải nhập khẩu

Về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, theo Bộ Công Thương, kết quả đạt được vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra. Hiện các sản phẩm đã được nội địa hóa như săm, lốp, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Nhưng có tới 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật hiện phải nhập khẩu. 

Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng trên 5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp và sửa chữa xe.

"Năng lực yếu kém của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ cũng là điều đáng lưu tâm. Các nhà sản xuất khuôn mẫu hoặc có quy mô không lớn, hoặc thiếu sự liên kết phối hợp để phát triển. Các doanh nghiệp sản xuất phôi và chi tiết đúc cho ngành chưa nhiều, và tỷ lệ sai hỏng còn cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành", báo cáo của Bộ Công Thương nêu.

Nguyên nhân khiến ngành ôtô còn nhiều tiêu chí chưa đạt, Bộ Công Thương cho rằng do dung lượng thị trường nội địa hạn chế. Thị trường nhỏ và bị phân tán, khiến cho các doanh nghiệp sản xuất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt; doanh nghiệp phụ trợ chưa đủ khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất ở nước ngoài.

 Nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến 2025 

Bộ Công Thương: Giá ô tô Việt Nam đắt gấp đôi Thái Lan, Indonesia nhưng tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ đến 2025  - Ảnh 4.

Một loạt thách thức với ngành công nghiệp ô tô được Bộ Công Thương chỉ ra, nhưng dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến 2025. Ảnh: Thaco

Cùng với đó, một loạt thách thức được Bộ Công Thương chỉ ra, như sự cạnh tranh gay gắt từ xe nhập khẩu. Đặc biệt, sự cạnh tranh từ ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đến từ các nước ASEAN, như Thái Lan, Indonesia, và trong vòng 7-10 năm tới là các sản phẩm ô tô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới, từ đó cơ hội thu hút các hãng ô tô đầu tư sản xuất lớn ở Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Ngoài ra, các nước như Myanma, Lào, Campuchia với nhiều chiến lược hấp dẫn thu hút các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô cũng khiến Việt Nam phải chịu cạnh tranh gây gắt hơn.

Dù vậy, xu thế ô tô hóa tại Việt Nam dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, do GDP bình quân đầu người đã vượt mức 4.000 USD, và số xe trung bình trên 1.000 dân đã đạt khoảng 50 xe. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao cũng như sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến 2025. 

Dự báo nhu cầu ôtô của nước ta năm 2025 trung bình khoảng 800.000-900.000 xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe. Do vậy, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.

Bộ Công Thương kiến nghị không áp dụng quy định mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ôtô nhập khẩu để thực hiện chương trình ưu đãi thuế; cần có thêm ưu đãi, hỗ trợ cho những doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô có tiềm năng, có sản lượng đủ lớn, đầu tư bài bản và dài hạn để hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, nhằm tạo dựng thị trường cho công nghiệp và góp phần hạ giá bán xe.


..

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Bất động sản Phát Đạt bị thu hồi dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Bất động sản Phát Đạt bị thu hồi dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Ủy ban Nhân dân TP.HCM vừa quyết định thu hồi dự án nhà thi đấu thể thao Phan Đình Phùng từ Phát Đạt để chuyển sang hình thức đầu tư công do công ty này chưa thể triển khai thi công.

Năm 2024: Sacombank tăng tốc kinh doanh và chuyển đổi số, đặt mục tiêu tái cơ cấu thành công trước hạn

Năm 2024: Sacombank tăng tốc kinh doanh và chuyển đổi số, đặt mục tiêu tái cơ cấu thành công trước hạn

Ngày 26/4, Đại hội đồng cổ đông Sacombank đã họp thường niên, thông qua kết quả năm 2023 và kế hoạch năm 2024 với mục tiêu “Tăng tốc hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả trên nền tảng số” cùng với kỳ vọng tái cơ cấu thành công trước thời hạn.

Lý do xe điện Trung Quốc BYD khó thành công khi bán ở Việt Nam

Lý do xe điện Trung Quốc BYD khó thành công khi bán ở Việt Nam

Sắp tới, thị trường ô tô sẽ thêm sôi động với sự góp mặt của BYD, "trùm" xe điện đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, BYD có thành công hay không khi phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trước khi mở bán chính thức?

Thành lập Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo: Mục tiêu đào tạo ra sao?

Thành lập Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo: Mục tiêu đào tạo ra sao?

Trực thuộc Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo vừa thành lập đặt mục tiêu đào tạo và phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030.

Nhà thuốc Long Châu thu gần 61 tỷ đồng mỗi ngày, đang tiếp tục mở rộng ồ ạt

Nhà thuốc Long Châu thu gần 61 tỷ đồng mỗi ngày, đang tiếp tục mở rộng ồ ạt

Trung bình mỗi ngày, chuỗi nhà thuốc Long Châu thu gần 61 tỷ đồng. Chuỗi này tiếp tục có kế hoạch mở thêm 400 nhà thuốc trong năm nay.

Bất động sản giáp ranh TP.HCM tiếp tục hưởng lợi từ hạ tầng

Bất động sản giáp ranh TP.HCM tiếp tục hưởng lợi từ hạ tầng

Khu vực giáp ranh TP.HCM đang hưởng lợi rất lớn từ hạ tầng, giao thông. Đây là trợ lực quan trọng giúp các doanh nghiệp dịch chuyển xu hướng đầu tư, phát triển sản phẩm nhà ở khu vực tiệm cận.