Thứ Năm, ngày 16/01/2025 09:06 PM (GMT+7)
Bánh Trung thu: Dập dìu người bán, hiu hắt người mua
2023-08-18 08:03:00
Theo ghi nhận, hầu hết các nhãn hàng bánh Trung Thu đều tăng giá so với năm 2022 do giá nguyên liệu bột mì tăng.
Hiện tại lượng khách mua còn khá thưa thớt bởi phần lớn chỉ có khách mua ăn, làm quà biếu. Hầu hết các nhãn hàng bánh Trung Thu đều tăng giá so với năm 2022 do giá nguyên liệu bột mì tăng.
Dù còn tháng rưỡi nữa mới đến Tết Trung thu 2023, trên thị trường đã bắt đầu bày bán bánh Trung thu. Tại Hà Nội, trên các phố như Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), Thụy Khuê (quận Tây Hồ), Bà Triệu, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) các quầy bán bánh trung thu bắt đầu được dựng lên.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại hay các cửa hàng đã bày bán đủ các loại bánh nướng, bánh dẻo từ bình dân đến cao cấp. Theo ghi nhận, hầu hết các nhãn hàng bánh Trung Thu đều tăng giá so với năm 2022 do giá nguyên liệu bột mì tăng.
Giá bánh năm nay dao động từ 200.000-600.000 đồng/hộp tùy loại nhân và thương hiệu. Ở phân khúc cao cấp, bánh Trung thu có giá từ 1-3 triệu đồng/hộp. Với giá bán lẻ, giá dao động trong khoảng 30.000-200.000 đồng/bánh tùy loại và nhãn hiệu.
Hiện tại lượng khách mua còn khá thưa thớt bởi phần lớn chỉ có khách mua ăn, làm quà biếu. Theo các cửa hàng thì thị trường bánh Trung thu trước Rằm tháng 7 không phải là cao điểm mà phải sau Rằm tháng 7 mới là thời điểm lượng bánh bán ra nhiều hơn.
Bên cạnh bánh trung thu trong nước thì cũng có một lượng bánh trung thu nhập khẩu chủ yếu từ Đài Loan, Hồng Kông… giá cả các loại bánh nhập khẩu này khá đa dạng từ vài chục nghìn đến hơn 1 triệu đồng. Ngoài ra, số lượng bánh tự làm (handmade) rao bán trên các mạng xã hội… cũng khá sôi động với các nguyên liệu tự nhiên với giá cả và chất lượng khá phong phú.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, dịp Tết Trung thu nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến, một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lí An toàn thực phẩm các tỉnh/TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Bánh trung thu ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không bị vụn, không có mùi ôi khét của thực phẩm để lâu, hay không có mùi vị bất thường. Bánh dẻo nên chọn loại hơi có phủ bột nhẹ trên mặt bánh. Khi ấn vào cảm thấy vỏ mềm nhưng không dính, nhão. Bánh nướng nên chọn loại có độ bóng vừa phải, khi ấn vào thấy có độ mềm và đàn hồi nhẹ là bánh ngon. Bánh có mùi thơm đặc trưng, trứng không có mùi tanh, không bể nát khi cắt. Dù là bánh truyền thống hay bánh của các công ty thì cũng phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, hạn dùng và bảo quản trên bao bì sản phẩm, đạt TCVN năm 2020 về bánh trung thu. Không nên chọn mua những sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác".
Năm 2020, Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam ban hành bộ tiêu chuẩn Việt nam TCVN dành cho sản phẩm bánh tươi (bao gồm bánh trung thu), giúp các nhà sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia đồng bộ, và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đây là tiêu chí quan trọng để người tiêu dùng chọn lựa được bánh trung thu ngon mà lại an toàn với sức khỏe.
Theo TCVN, bánh trung thu như bánh dẻo, bánh nướng đều cần đạt các tiêu chí về thành phần nguyên liệu theo quy định, yêu cầu cảm quan, các chỉ tiêu lý hóa, giới hạn phụ gia thực phẩm, đóng gói bao bì...