Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 03:06 AM (GMT+7)

Bánh bao Thọ Phát "ngon" đến mức nào mà anh em ông Trần Lệ Nguyên quyết mua cho bằng được?

2023-08-08 12:59:00

Khởi đầu từ năm 1987, trên chiếc xe máy cũ kĩ, bánh bao Thọ Phát hiện có 4.000 điểm bán, phủ hầu hết các kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi và tạp hóa trên cả nước, với danh mục 30 loại bánh tươi – đóng gói như bánh bao các loại, dimsum, hamburger, bánh giò, bánh chưng, xôi,…

KIDO ĐÃ CHI BAO NHIÊU TIỀN ĐỂ CÓ THỌ PHÁT?

Vào tháng 4 vừa qua, Công ty cổ phần tập đoàn Kido (KIDO) bất ngờ thông tin đã mua lại 25% bánh bao Thọ Phát. Thời điểm đó, ông Trần Lệ Nguyên – Phó chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc KIDO, cho biết đã tìm hiểu về Thọ Phát từ năm 2022. Việc mua lại 25% cổ phần Thọ Phát là chiến lược quan trọng giúp KIDO mở rộng danh mục thực phẩm tại thị trường Việt Nam. 

Cũng theo lãnh đạo KIDO, khoản đầu tư vào Thọ Phát là khoản đầu tư lớn.

Bánh bao Thọ Phát ngon đến mức nào mà anh em ông Trần Lệ Nguyên quyết mua cho bằng được? - Ảnh 1.

Bánh bao Thọ Phát sở hữu nhà máy sản xuất 22.000 m2 với công nghệ hiện đại, công suất 10.000 tấn sản phẩm cung cấp ra thị trường mỗi năm cùng đội xe lạnh giao hàng trên 500 chiếc. Ảnh: Thọ Phát

Thông qua hoạt động đầu tư này, KIDO đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận 200 tỷ đồng cho Thọ Phát cùng với mảng bánh của tập đoàn trong năm 2023.

KIDO cũng cam kết đưa Thọ Phát mở rộng ra thị trường miền Trung, miền Bắc và xuất khẩu.

Trong báo cáo tài chính quý 2/2023 vừa công bố, giá trị thương vụ đầu tư sở hữu bánh bao Thọ Phát của KIDO đã được tiết lộ. Theo đó, KIDO cho biết đến 30/6/2023, số tiền đầu tư vào Công ty CP Thọ Phát quốc tế là 100 tỷ đồng, con số này tương đương tỷ lệ sở hữu của KIDO tại Thọ Phát là 25%.

Trước đó, lãnh đạo KIDO cho biết việc đầu tư vào doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Thọ Phát sẽ theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, KIDO sẽ mua 25% cổ phần. Sau khi hoàn tất giai đoạn 1, KIDO sẽ tiếp tục thương thảo, để đạt đến tỷ lệ sở hữu từ 51-70%.

Công ty CP Thọ Phát quốc tế mới thành lập ngày 23/5/2023, sau thời điểm KIDO công bố thương vụ đầu tư. Hoạt động kinh doanh chính của Thọ Phát quốc tế theo đăng ký là bán buôn thực phẩm.

Bánh bao Thọ Phát ngon đến mức nào mà anh em ông Trần Lệ Nguyên quyết mua cho bằng được? - Ảnh 2.

Bánh bao Thọ Phát ngon đến mức nào mà anh em ông Trần Lệ Nguyên quyết mua cho bằng được? - Ảnh 3.

Danh mục bánh của Thọ Phát có khoảng 30 loại với nhiều dòng bánh bao, dimsum, hamburger, bánh giò, xôi, bánh chưng, bánh dorayaki…Riêng bánh bao có đến gần 20 loại.

Vốn điều lệ khi mới thành lập của công ty là 1 tỷ đồng với cùng 6 cổ đông sáng lập. Trong đó ông Vũ Phước Thọ chiếm 62% cổ phần và bà Lê Thị Ngọc Mai chiếm 31% cổ phần. Ông Vũ Phước Thọ chính là người sáng lập thương hiệu bánh bao Thọ Phát từ năm 1987.

Đến ngày 29/6, Thọ Phát quốc tế thay đổi đăng ký kinh doanh, nâng vốn điều lệ lên 585 tỷ đồng.

BANH BAO THỌ PHÁT CÓ GÌ ĐẶC BIỆT ĐỂ KIDO "THÈM"?

Theo giới thiệu trên website Thọ Phát, năm 1987, ông Vũ Phước Thọ khởi nghiệp với lò bánh bao Ông Thọ trong căn nhà nhỏ, và làm bánh theo phương pháp thủ công. Ban đầu, bánh bao Ông Thọ tập trung  bỏ mối, với số lượng chỉ 6 khách hàng. Bánh bao theo chiếc xe máy cũ kĩ mang đi bỏ mối với quan niệm "ăn là ngon". Sự tiện lợi và giá cả phù hợp đã khiến bánh bao Ông Thọ được lòng khách hàng.

Đến năm 1995, lò bánh của Ông Thọ lần đầu cho ra mắt loại bánh bao mới có nhân trứng muối. Bánh bao trứng muối mang hương vị đậm đà hoàn toàn mới ở thời điểm ấy, đã tạo tiếng vang lớn cho Thọ Phát, khiến số lượng khách đông lên.

Bánh bao Thọ Phát ngon đến mức nào mà anh em ông Trần Lệ Nguyên quyết mua cho bằng được? - Ảnh 4.

Bánh bao Hoàng Kim là sản phẩm được Thọ Phát cho ra đời năm 2016, mở ra trào lưu nhân tan chảy cho các dòng sản phẩm bánh bao lúc bấy giờ. Ảnh: Thọ Phát

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, ông chủ nung nấu ý định nâng tầm quy mô, mở rộng kinh doanh tiệm bánh. Nhưng phải đến 5 năm sau, lò bánh mới được di dời đến quận 5 rộng rãi, quy mô hơn và bắt đầu tiếp cận người tiêu dùng lẻ, bằng chiến lược marketing cho mượn tủ hấp bánh miễn phí.

Năm 2002, Thọ Phát đổi mới công nghệ sản xuất bánh bao từ bột khai sang bột nổi, giúp cải tiến hương vị bánh không còn mùi khai đặc trưng của bánh bao như trước. Xưởng cũng chú trọng đầu tư hơn về máy móc, thiết bị và vệ sinh an toàn thực phẩm, bàn gỗ được thay bằng bàn inox, máy trộn, lò hấp được đầu tư lớn hiện đại hơn.

Năm 2005, dòng bánh bao đông lạnh từ Ông Thọ chính thức xuất hiện trên thị trường và đánh dấu 1.000 điểm bán lẻ tại TP.HCM năm 2008. Giai đoạn 2011-2013, Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Thọ Phát thành lập. Các dòng sản phẩm đông lạnh đa dạng hơn và hệ thống phân phối cũng hoàn thiện từ Nam ra Bắc.

Bánh bao Thọ Phát ngon đến mức nào mà anh em ông Trần Lệ Nguyên quyết mua cho bằng được? - Ảnh 5.

Bánh bao Thọ Phát những năm sau 2000 ở TP.HCM. Ảnh: Thọ Phát.

Thọ Phát cũng theo con đường M&A, sát nhập một số thương hiệu bánh bao khác trên thị trường.

Năm 2016, Thọ Phát lại gây tiếng vang khi cho ra đời bánh bao Hoàng Kim, mở ra trào lưu nhân tan chảy cho các dòng sản phẩm bánh bao lúc bấy giờ.

Các năm 2017- 2018, doanh nghiệp tiếp tục cho ra mắt các loại bánh bao, há cảo, xíu mại, bánh giò, bánh bao tạo hình… Tất cả đều được tự động hóa, đặc biệt gây chú ý với dàn máy lột trứng cút công nghệ hiện đại.

Hiện Thọ Phát có 1.000 lao động, sở hữu 1 trụ sở và 1 nhà máy chế biến thực phẩm diện tích hơn 22.000 m2 tại Nhà Bè trang bị công nghệ hiện đại, công suất 10.000 tấn sản phẩm cung cấp ra thị trường mỗi năm. Cùng với đó là đội xe tải lạnh trên 500 chiếc phân phối hàng khắp TP.HCM và các tỉnh lân cận và hơn 4.000 điểm bán, phủ rộng hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cả nước.

Thọ Phát cũng đang đẩy mạnh đưa sản phẩm ra nhiều thị trường Mỹ, Campuchia… với hàng trăm sản phẩm đa dạng.

Danh mục bánh của Thọ Phát có khoảng 30 loại với nhiều dòng bánh bao, dimsum, hamburger, bánh giò, xôi, bánh chưng, bánh dorayaki…Riêng bánh bao có đến gần 20 loại.

H. Linh
Hòa Bình muốn biến chủ nợ thành cổ đông, hoán đổi gần 1.300 tỷ đồng tiền nợ sang cổ phiếu

Hòa Bình muốn biến chủ nợ thành cổ đông, hoán đổi gần 1.300 tỷ đồng tiền nợ sang cổ phiếu

Phương án Hòa Bình đưa ra là phát hành riêng lẻ tối đa 107 triệu cổ phiếu, với giá 12.000 đồng/cổ phiếu cho các chủ nợ, mục đích là hoán đổi nợ của công ty với các chủ nợ. Nếu hoàn tất, Hòa Bình sẽ xóa được 1.284 tỷ đồng nợ và các chủ nợ sẽ trở thành cổ đông của Hòa Bình.