Thứ Năm, ngày 16/01/2025 04:08 PM (GMT+7)

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank: Người phụ nữ Hà Nội "đắm đuối" với nông dân

2023-10-09 10:34:00

Cánh phóng viên ngân hàng nhiều lúc tự hỏi: Vì sao một người phụ nữ Hà Nội lại yêu “đắm đuối” nông dân như vậy? Chúng tôi đã đi thực tế cùng bà nhiều lần: Những con đường đến nhà khách hàng của Agribank chưa được rải nhựa, những đỉnh núi heo hút, thậm chí có những đoạn phải đi bộ vài cây số.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank: Người phụ nữ Hà Nội "đắm đuối" với nông dân - Ảnh 1.

- Năm nay Agribank kỷ niệm 35 năm thành lập, còn bà thì đã làm việc tại Agribank được hơn 30 năm. Bà có thể chia sẻ với bạn đọc về cơ duyên vì sao bà đến với ngân hàng của nông dân và gắn bó cả đời?

- Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên đi làm ở Agribank là ngày 1/1/1992. Tôi đến với Agribank như một cái duyên vậy. Năm tôi tốt nghiệp thủ khoa ra trường (năm 1990) là thời điểm Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, đất nước vừa mới chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường, sau đó là sự kiện của Đông Âu và Liên Xô bị tan rã. 

Đó cũng là năm đầu tiên, sinh viên ra trường không được nhà trường bố trí công việc và phải tự tìm việc làm. Nhiều anh em học cùng tôi không theo được nghề ngân hàng, phải làm các lĩnh vực khác.

Thời điểm đó, ngành ngân hàng cũng bắt đầu được chuyển giao từ mô hình ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước sang mô hình hai cấp và các ngân hàng thương mại cũng bắt đầu thành lập.

Đó cũng là thời điểm Agribank – tên ban đầu là Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam - có chủ trương tuyển dụng sinh viên để bổ sung lực lượng lao động. Tôi đã gia nhập vào gia đình Agribank như vậy đấy.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank: Người phụ nữ Hà Nội "đắm đuối" với nông dân - Ảnh 2.

- Khi vào công tác tại Agribank, một cô gái Hà Nội như bà đã biết gì về nông nghiệp, nông dân, nông thôn?

- Dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng thời ấy nhà tôi ở khu vực Dịch Vọng, Cầu Giấy vẫn hoàn toàn là vùng nông nghiệp với những cánh đồng lúa, ao hồ, vườn tược…

Những năm sơ tán chiến tranh hay nghỉ hè, ông bà lại gửi tôi về quê. Ở đây tôi cùng các em đi tát nước, nhổ mạ, gánh lúa, cắt cỏ, chăn trâu hay vác giỏ ra đồng đi bắt cua giữa buổi trưa.

Từ bé đã tham gia vào việc đồng áng, nên tôi hiểu những khó khăn và cũng hiểu được những niềm vui của trẻ thơ khi được chạy giữa đồng, chơi giữa những đống rơm, những đêm trăng sáng được chơi ở sân kho, vui vẻ múa hát đón chị Hằng chú Cuội.

Vậy nên, dù sinh ra ở Hà Nội nhưng tuổi thơ của tôi cũng "chân lấm, tay bùn" và nông nghiệp, nông dân là một phần của cuộc sống.

- Mấy chục năm tiếp xúc với nông dân, khi nghĩ về nông dân, ấn tượng lớn nhất của bà là gì?

- Nghĩ đến nông dân cảm xúc đầu tiên của tôi là sự xúc động. Bởi vì nông dân bao giờ cũng là những người vất vả "một nắng, hai sương", chịu nhiều thiệt thòi cả trong dựng nước và giữ nước.

Chúng ta đi qua hai cuộc kháng chiến cũng là nhờ xương máu của nông dân. Tại các nghĩa trang liệt sĩ, tên trên các hàng bia mộ phần lớn là con em nông dân. Chúng ta vượt qua đói nghèo, xuất khẩu hàng hóa đi khắp năm châu cũng là nhờ nông dân.

Gia đình tôi có ba người tham gia quân ngũ, đó là bố và hai anh trai. Nên tình cảm của tôi luôn với nông dân gắn bó như vậy.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank: Người phụ nữ Hà Nội "đắm đuối" với nông dân - Ảnh 3.

- Những hình ảnh nào khiến bà thường xúc động hay đau lòng khi nhớ về nông dân?

- Tôi hay nhớ tới những con đường. Những con đường mà cán bộ tín dụng của Agribank chúng tôi đã và đang đi những năm qua. Hầu hết đó là những con đường chưa được trải nhựa, gồ ghề và bùn đất. Đi lại vô cùng vất vả, nhất là mùa mưa lũ.

Có lẽ vậy, nên cứ đến mùa mưa lũ hay nghe tin vùng nào có mưa lũ là tôi và các anh em trong hệ thống đều hướng suy nghĩ, tình cảm của mình đến vùng đất ấy với tâm trạng lo lắng, bồn chồn đến thắt lòng, chỉ mong sao giảm thiểu nhất những thiệt hại…

Một thiệt hại ở đấy như chính Agribank bị thiệt hại vậy. Bởi đấy là khách hàng, là tài sản, là những gì mà Agribank đã đầu tư. Vậy nên tổn thất của nông dân luôn gắn chặt chẽ với Agribank.

Vì vậy, với Agribank cứ mùa mưa đến là thường trực một nỗi lo liệu năm nay có được mùa không, thiên tai, bão lũ như nào và vùng nào sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất? Nên Agribank lúc nào cũng thường trực một khoảng dự phòng quỹ an sinh xã hội khoảng 500 – 600 tỷ đồng/năm để sẵn sàng hỗ trợ nông dân khi thiên tai xảy đến.

- Tôi có thể hình dung bà và những con người trong hệ thống Agribank luôn suy nghĩ và cảm xúc như một người nông dân, vui với cái vui được mùa của họ, buồn với nỗi buồn giảm giá, mất mùa của họ...

- Vâng, chúng tôi đồng hành với nông dân trong suốt cả quá trình sản xuất như bắt đầu lựa chọn giống cây, hàng hóa, vật nuôi, rồi đến quy trình tiêu thụ. Chúng tôi giúp đỡ, hướng dẫn và hỗ trợ bà con, giúp họ học hỏi những mô hình canh tác, sản xuất mang lại hiệu quả cao.

Giúp cho bà con của mình từ nghèo thì thoát nghèo, từ thoát nghèo vươn lên khá và làm giàu dần. Đấy là sự đồng hành chứ không đơn giản là câu chuyện đưa đồng vốn để cho vay.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank: Người phụ nữ Hà Nội "đắm đuối" với nông dân - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank: Người phụ nữ Hà Nội "đắm đuối" với nông dân - Ảnh 5.

- Hiện nay dư nợ khu vực nông thôn chiếm tới 65-70% tổng dư nợ của Agribank. Vậy thì đối với Agribank, nông thôn, nông dân là sự phân công chính trị, là tôn chỉ mục đích hay đó chính là động lực, là lợi thế cạnh tranh?

- Ban đầu, đấy là sự phân công, là nhiệm vụ chính trị. Nhưng trong hành trình hơn 30 năm phát triển, Agribank ngày càng nhận thấy rằng nông thôn là thị trường chính và nông dân là những khách hàng mục tiêu.

Chúng ta là nước nông nghiệp, tỷ lệ người làm nông nghiệp, nông thôn lớn nhất. Nếu đồng vốn của Agribank giúp nông thôn đổi mới, phát triển, điều đó có ý nghĩa là góp phần rất có ý nghĩa vào phát triển kinh tế đất nước.

Agribank với sứ mệnh của mình 35 năm qua như một "bà đỡ", đóng góp một phần công sức của mình cùng các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để nâng dần sức sản xuất của nông nghiệp; từng bước đưa nông nghiệp Việt Nam từ manh mún đến quy mô, không ngừng nâng cao chất lượng, rồi đến các chuỗi sản xuất và cuối cùng là sản phẩm của chúng ta dần chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu ra thế giới.

Những năm gần đây, nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển và nông sản Việt Nam ngày càng có uy tín trên thị trường. Thành tựu đó có một phần công sức nhỏ của Agribank.

- Nếu được làm lại, Agribank có chọn một lĩnh vực khác béo bở, nhiều lợi nhuận hơn làm thị trường chính thay vì tôn chỉ mục đích là nông dân, nông thôn hiện nay?

- Với Agribank, nông thôn, nông dân mãi vẫn là thị trường chính, bởi vì hệ thống mạng lưới đã gắn với cơ sở, gắn với địa bàn hơn 30 năm nay. Agribank cùng với đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn cũng vẫn duy trì và mở rộng những hoạt động, sự hiện diện của mình ở các địa bàn thành phố.

Tức là, cơ cấu tín dụng trước đây của Agribank có khi là 90% đầu tư cho nông nghiệp, bây giờ đang giảm dần xuống 80%, rồi xuống 70% và bây giờ còn khoảng 66 - 68%/tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank: Người phụ nữ Hà Nội "đắm đuối" với nông dân - Ảnh 6.

- Để mường tượng ra tương lai, ví dụ chẳng hạn như là 10 - 15 năm tới nông thôn Việt Nam sẽ như thế nào và Agribank đứng ở đâu trong tương lai đó?

- Trong hình dung của tôi, bức tranh nông thôn Việt Nam sẽ làm bức tranh rất là đa sắc màu, mà ở đó, mỗi thành phố, mỗi địa phương sẽ là một màu sắc đặc trưng với thế mạnh của vùng đất đó.

Khi mỗi địa phương phát huy được thế mạnh của mình và sự liên kết chặt với liên kết vùng, chúng ta sẽ có một bức tranh tổng thể, toàn diện. Hình ảnh của Agribank khi đó sẽ là hình ảnh con người đẹp nhất, cùng siết chặt tay nhau trên bản đồ sắc màu của 63 tỉnh, thành.

- Hiện nay, nhiều ngân hàng cũng có đang có chiến lược tung ra sản phẩm, dịch vụ nhằm tiến quân vào thị trường nông thôn. Agribank bắt đầu cảm thấy áp lực cạnh tranh đó chưa và có chiến lược gì để giữ vững vị trí số một tại thị trường nông thôn?

- Việc các ngân hàng khác mở rộng thị trường tiến vào nông nghiệp nông thôn, đấy là chuyện hết sức bình thường. Kinh doanh thì phải có cạnh tranh. Cũng nhờ sự gia nhập của các ngân hàng, khách hàng ở địa bàn nông thôn, nông dân có cơ hội sử dụng sản phẩm, trải nghiệm dịch vụ. Đấy cũng là một xu hướng tốt.

Còn với Agribank, đấy vừa là một động lực, vừa là một sức ép. Để có thể tồn tại và phát triển, Agribank cũng phải tự thay đổi, cải tiến về quy trình, sản phẩm và ý thức, phong cách giao tiếp, để phục vụ khách hàng tốt hơn, sản phẩm dịch vụ tốt hơn nhưng vẫn duy trì được văn hoá, truyền thống của ngân hàng.

- Mặc dù gần đây có rất nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông thôn, chính sách tín dụng ưu đãi cho lhu vực nông thôn, nhưng nhiều chủ trang trại, hợp tác xã và bà con nông dân vẫn kêu rất khó tiếp cận đồng vốn. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng nút thắt về vốn đang kìm hãm sự cất cánh của nông nghiệp, nông thôn. Bà bình luận gì về ý kiến này?

- Ý kiến này trong mọi diễn đàn đều được nêu ra và đều nói việc tiếp cận vốn khó khăn, hay là ngân hàng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo quá khắt khe, hoặc số lượng vốn cho vay không đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

Nhưng nút thắt chính khâu tổ chức sản xuất của chúng ta được quản trị chưa tốt, còn nhiều rủi ro. Đó là vấn đề của mô hình, liên kết chuỗi, giữa đầu vào và đầu ra sản phẩm, khâu tiêu thụ…

Nếu như ngân hàng đánh giá một dự án là rủi ro thấp, khả năng thu hồi vốn cao thì việc bỏ vốn đầu tư rất đơn giản, không có vướng mắc. Những mô hình khó khăn trong tiếp cận dòng vốn thì lý do đầu tiên là không đảm bảo chắc chắn về hiệu quả, đầu tư không an toàn.

Có lẽ vấn đề ở đây là tổ chức sản xuất của chúng ta chưa tốt. Bà con đang tự mình tổ chức sản xuất, tự mình tổ chức tiêu thụ. Việc đảm bảo yếu tố đầu ra cho bà con, đảm bảo mô hình sản xuất ở các địa phương là vấn đề nhiều năm qua đặt ra. Ví dụ như, quy hoạch vùng, chỉ dẫn địa lý, chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, tổ chức các chuỗi liên kết, hệ thống  tiêu thụ sản phẩm... vẫn còn nhiều vấn đề.

Nhiều địa phương cũng tổ chức hội nghị, diễn đàn để làm sao tháo gỡ nhưng câu chuyện đầu ra cho nông sản Việt Nam vẫn là nỗi lo thường trực. Vẫn có chuyện được mùa rớt giá, hay là bất thường sản phẩm xuất khẩu không thực hiện được các hợp đồng xuất khẩu như kế hoạch ban đầu dẫn đến việc thu hồi vốn của ngân hàng bị khó khăn.

Bộ NN&PTNT đang tổ chức một đề án về phát triển các vùng nguyên liệu, trong đó sẽ lựa chọn các doanh nghiệp đầu tàu làm đầu chuỗi, còn hợp tác xã về mô hình chủ trang trại và nông dân sẽ là những vệ tinh nằm trong chuỗi đấy.

Nếu đề án này thành hiện thực và an toàn, Agribank hoàn toàn có thể đầu tư vào doanh nghiệp đầu chuỗi. Doanh nghiệp đầu chuỗi có trình độ sản xuất, tổ chức, quản trị và có phương án để bao tiêu sản phẩm và giảm được giá thành sản xuất. Như vậy Agribank cho vay các doanh nghiệp đầu chuỗi sẽ an toàn hơn rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank: Người phụ nữ Hà Nội "đắm đuối" với nông dân - Ảnh 7.

- Đi khắp nơi trên dải đất chữ S này có thể bà đã nghe nông dân nói "Agribank là ngân hàng của nông dân, là bạn của nông dân"? Cảm xúc của bà lúc ấy thế nào? 

- Agribank sinh ra từ nông dân, vì nông dân và lớn lên cùng với cùng với sự phát triển đi lên của nông thôn. Agribank sinh ra là để phục vụ cho cho tam nông. 

Agribank thành công cũng là từ tam nông, phát triển cũng là từ tam nông. Nhưng chính tam nông cũng là điểm tựa, là động lực để Agribank thay đổi để bản thân mình tốt hơn và thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank: Người phụ nữ Hà Nội "đắm đuối" với nông dân - Ảnh 8.

- Người ta nói làm nghề kinh doanh tiền rất áp lực, làm thế nào bà vẫn giữ được sự tươi trẻ, năng lượng tràn trề như vậy?

- Có lẽ là nhờ giữ được tâm thái của người làm ngân hàng khi giúp ai được việc gì là cảm thấy vui, dự án của khách hàng thành công mình cũng vui. Năm nay sản lượng thu hoạch lúa, trái cây, hay con cá, con tôm tốt hơn mình cũng vui, hay như sản phẩm nông sản được giá, xuất khẩu nông sản tăng thì mình cũng vui.

Niềm vui cóp nhặt từng ngày, từ mỗi thông tin nhỏ, niềm vui từ công việc, thành công từ những bước đi đầu tiên, nhìn lại chặng đường gian khó mình đã vượt qua và đạt được kết quả như ngày hôm nay…

Đó vừa là niềm tự hào, vừa là động lực thôi thúc mình và mỗi một lần đi cơ sở nhìn xuống ruộng đồng, mỗi một lần gặp anh em ở dưới cơ sở tự mình lại cảm thấy mình vẫn phải cố gắng nữa.

Tôi là người yêu thanh niên, yêu các hoạt động phong trào thanh niên vì nó luôn có một sức trẻ, sự đổi mới, sáng tạo. Qua mỗi hoạt động đó, tôi phải tự thay đổi mỗi ngày, phải luôn tìm tòi cái mới. Điều đó dường như khiến mình trẻ hơn.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank: Người phụ nữ Hà Nội "đắm đuối" với nông dân - Ảnh 9.

- Người ta hay nói ngân hàng là nghề khô khan suốt ngày tiếp xúc với tiền với các con số, nhưng bà lại yêu nghệ thuật, yêu tranh… Tình yêu đó xuất phát từ đâu?

- Có lẽ là vì từ nhỏ tôi đã yêu văn học, thiên nhiên, thích những trải nghiệm, thích cuộc sống với cộng đồng, văn hóa nông thôn. Đặt chân đến vùng nào cũng vậy, việc đầu tiên là tôi khám phá chợ địa phương. Qua việc đi chợ, tôi sẽ nhìn ra mức sống, đời sống kinh tế của bà con vùng đó, rồi biết thêm sản vật địa phương có gì, qua đó khám phá bức tranh thu nhỏ của cộng đồng dân cư vùng đó.

Hơn nữa, văn hoá địa phương là điều tôi rất quan tâm, nên đến đâu cũng tìm hiểu văn hoá vùng đó qua trang phục, cách ăn mặc, dân ca, thức ăn, phong tục...

Tất cả những điều này tôi đã cóp nhặt từng ngày trong hơn 30 năm làm việc tại Agribank. Đến giờ tôi cũng am hiểu được khá nhiều nét đặc sắc văn hóa địa phương, vùng miền. Đó là điều khá may mắn đối với tôi.

- Đầu câu chuyện, bà nhắc đến người cha và hai anh trai đi bộ đội. Phẩm chất của những người lính cương trực, quyết đoán, sống vì người khác của cha ảnh hưởng đến bà như thế nào?

- Cha tôi vốn là một nhà sư, đi tu từ khi mười tuổi và sau đó tham gia vào cách mạng. Ông tu ở Chùa Bắc Mã (Đông Triều, Quảng Ninh). Ngôi chùa chính là một cơ sở hoạt động cách mạng và ông đã được giác ngộ, tham gia kháng chiến ngay từ khi còn đang đi tu. 

Đến năm 1945, khi cách mạng tháng 8 nổ ra, các nhà sư được vận động theo phong trào "rũ áo cà sa khoác chiến bào", tức là cởi bỏ áo cà sa, mặc chiến bào để cứu dân, cứu nước và đấy là tinh thần của Phật tử, tinh thần của thế hệ các cụ.

Ông là Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, thành viên của Đội cảm tử ôm bom ba càng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến. Ông và đội cảm tử đã nhiều lần được đơn vị truy điệu sống trước khi nhận nhiệm vụ. 

Sau này, ông được cử đi học tại Trung Quốc và về dạy tại Trường Sĩ quan lục quân I một thời gian, rồi xin nghỉ hưu rất sớm, năm 1971, khi mới hơn 40 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank: Người phụ nữ Hà Nội "đắm đuối" với nông dân - Ảnh 10.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank: Người phụ nữ Hà Nội "đắm đuối" với nông dân - Ảnh 11.

Ra khỏi quân ngũ và trở về với gia đình với vợ con, đời thường và tiếp tục một cuộc sống hướng phật. Điều đó thể hiện qua cách ông ứng xử vị tha, cách ông buông bỏ mọi thứ, cách ông suy nghĩ đơn giản và từ bi. Ông rất trí tuệ, nhìn mọi thứ qua nhiều lăng chiếu khác nhau và giải thích cho vợ con.

Là con gái duy nhất, nên ông rất hay tâm sự, kể chuyện về thời gian đi tu và tại sao ông đi tham gia kháng chiến. Ông cũng giải thích về việc nhà sư tham gia kháng chiến khác gì với người bình thường tham gia kháng chiến. 

Ông cũng đã có một giai đoạn suy nghĩ và đấu tranh rất là nhiều khi nhà sư tham gia kháng chiến thì sẽ như thế nào. Cuối cùng ông nói rằng, ông muốn được sống một cuộc đời đơn giản, và đó là lý do ông xin nghỉ hưu rất sớm.

- Bà còn điều gì trăn trở sau hơn 30 năm làm việc tại Agribank?

- Điều trăn trở không bao giờ hết được, kể cả là kỳ vọng, mong muốn và có cả nỗi sốt ruột nữa. Nhưng tôi mong nhất là những thế hệ trẻ hôm nay của Ngân hàng họ có đủ nhiệt huyết, ý chí để vươn lên, vượt qua được mọi cám dỗ và khó khăn.

Và một điều quan trọng là giữa giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, có rất nhiều sức ép, làm sao để các bạn ấy lại quay trở lại, yêu được người nông dân và nhớ được tôn chỉ mục đích của mình. Như vậy, các bạn ấy sẽ không bao giờ rời xa mục đích ban đầu khi các bạn bước chân vào Agribank.

- Xin cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện!

Quang Định - Lê Thúy
Ngân hàng 'bốc thuốc' gì, chữa bệnh thừa tiền thế nào?

Ngân hàng 'bốc thuốc' gì, chữa bệnh thừa tiền thế nào?

Sau hơn một tháng triển khai chương trình vay vốn ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác, nhiều ngân hàng cho biết đang tăng tốc giải ngân để giải quyết bài toán tăng trưởng tín dụng.