Chủ Nhật, ngày 19/01/2025 01:22 AM (GMT+7)
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hồi hương từ Pháp, an ninh theo sát
2023-11-23 14:20:44
Chuyên gia Nguyễn Văn Đoàn cho biết, từ khi ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được giao về phía Việt Nam, bảo vật được đảm bảo an ninh tuyệt đối từ Pháp tới khi về Bắc Ninh.
Sau một thời gian đàm phán, ấn vàng Hoàng đế chi bảo vừa được chuyển giao từ Pháp về Việt Nam. Người sở hữu ấn vàng này là ông Nguyễn Thế Hồng - Giám đốc của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh).
Việc đưa chiếc ấn trở về cũng có sự góp sức của các chuyên gia bảo tàng là TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia và TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây là hai chuyên gia tham gia vào quá trình thẩm định hiện vật.
Nói về quá trình hồi hương ấn vàng, TS Nguyễn Văn Đoàn cho phóng viên Dân trí biết, hiện tại ông vẫn còn thấy xúc động khi nhớ lại hành trình đặc biệt ấy. Ông và đoàn công tác đã có hai lần sang Pháp để tham gia vào việc đưa ấn vàng về Việt Nam.
"Khi tiếp xúc với hiện vật, chúng tôi rất hồi hộp. Bởi đây không chỉ là lần được tiếp xúc trực tiếp với hiện vật lịch sử nổi tiếng, mà chúng tôi còn đảm nhận trách nhiệm của những chuyên gia, mọi nhận định phải chính xác, thận trọng", ông Đoàn kể lại.
Chuyên gia Nguyễn Văn Đoàn cho biết, song song với việc chuẩn bị hồ sơ khoa học, ông và TS Quốc Quân đã kiểm tra lại tất cả những tài liệu, hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đặc biệt là hai hiện vật có tính sát thực, gần gũi và có nhiều điểm tương đồng nhất là ấn Sắc mệnh chi bảo và ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo đều đúc năm 1827.
Ba chiếc ấn này đều được đúc dưới thời Minh Mệnh, đều có giá trị đặc biệt quan trọng đối với triều nhà Nguyễn lúc bấy giờ, nhưng khi đúc thì mỗi chiếc ấn này đều là những hiện vật độc bản. Chính vì vậy, cả ba vừa có những đặc trưng chung, nhưng khi đi vào chi tiết thì mỗi hiện vật lại có nét riêng.
Theo đó, ấn vàng Hoàng đế chi bảo thể hiện rõ vị trí là một chiếc ấn đặc biệt quan trọng, quá trình đúc ấn kỹ lưỡng và công phu, với những họa tiết trang trí minh văn, thông tin lưu, khắc đều được thể hiện đặc biệt hơn.
"Nếu nét chữ trên hai ấn Sắc mệnh chi bảo và Hoàng đế tôn thân chi bảo là nét đơn, thì trên ấn Hoàng đế chi bảo nét chữ lại là nét kép. Đầu trang trí hình tượng rồng hay các hoa văn, chi tiết trên ấn cũng tinh xảo hơn. Chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng và nhanh chóng xác thực ấn vàng Hoàng đế chi bảo khi được tiếp xúc trực tiếp", TS Nguyễn Văn Đoàn cho biết.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết thêm, lần trước ông sang Pháp là để giám định, bởi phải xác định đúng đó là ấn vàng Hoàng đế chi bảo thì mới có cơ sở để đàm phán. Lần thứ hai, ông quay lại Pháp là để thẩm định lại một lần nữa trước khi đưa ấn về.
"Lần này quay trở lại Pháp, tôi và TS Quân rất thận trọng. Chúng tôi phải nhận diện lại xem dấu vết sử dụng mực, vết xước, vết móp trên ấn vàng còn không, quan trọng là xem có đúng là chiếc ấn lần trước không. Lần đầu tiên có một hiện vật giá trị như vậy hồi hương, có thể nói chúng ta rất thành công rồi…", ông Đoàn cho biết.
TS Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ rằng, ngay khi ấn vàng Hoàng đế chi bảo được chuyển giao cho phía Việt Nam, doanh nhân Nguyễn Thế Hồng được bố trí ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, ông là người giữ bảo vật 24/24h. Phía an ninh nước sở tại và Bộ Ngoại giao của Việt Nam cũng có những biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an toàn cho người và kim ấn cả ngày và đêm.
"Hiện vật được chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không, ấn vàng không thể gửi theo kiện hàng mà phải xách tay, đi liền với chủ nhân. Gia đình ông Hồng được ngồi trong khoang máy bay tốt nhất. Ấn vàng được gia đình giữ và có sự hỗ trợ, theo sát của an ninh, lực lượng này đưa người và kim ấn về tận Bắc Ninh. Khi đó, nhiệm vụ của họ mới hoàn thành", ông Đoàn kể lại.
Chuyên gia Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ thêm, trong quá trình tham gia vào đoàn công tác hồi hương ấn vàng, ông cũng có tiếp xúc nhiều với doanh nhân Nguyễn Thế Hồng. Doanh nhân Nguyễn Thế Hồng chia sẻ với ông rằng, sau này khi có điều kiện phù hợp thì ông Hồng sẽ chuyển ấn vàng cho Nhà nước, cụ thể là Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
"Anh Hồng cũng đã đến xem bộ sưu tập hiện vật ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia và cũng nói, sau này có thể sẽ giao ấn vàng cho Bảo tàng. Đây là sự nhìn nhận rất đúng về tầm vóc của hiện vật.
Nếu Bảo tàng Lịch sử quốc gia được bổ sung thêm những hiện vật quý, đặc biệt giá trị như ấn vàng Hoàng đế chi bảo thì rất tuyệt vời", ông Đoàn nói.
Theo chuyên gia này, hiện nay có nhiều cổ vật ở Việt Nam bị lưu lạc nhưng chưa tìm được, chưa thương lượng được để hồi hương. Đối với các hiện vật ấy, các cơ quan chức năng phải có những đánh giá để xem cổ vật đang ở quốc gia nào, số lượng bao nhiêu để lên phương án, kế hoạch hồi hương theo nhiều hình thức.
"Có thể là theo con đường đàm phán, hoặc các tổ chức trao tặng (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã từng nhận rất nhiều thông qua hình thức này). Tôi hy vọng trong thời gian tới, thông qua con đường ngoại giao, thương thảo, qua nguồn lực xã hội cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sẽ có nhiều di sản được hồi hương", ông Đoàn bày tỏ.
Theo Dân Trí
Khám phá bảo tàng của Mazda tại Nhật Bản
02/03/2023 09:15Đề nghị công nhận nước mắm là di sản văn hóa Việt Nam
30/09/2023 19:00
Các bảo vật vô giá sẽ có trong lễ đăng quang của Vua Charles
Các cổ vật có tuổi đời hàng trăm năm sẽ được giáo hội và hoàng gia Anh sử dụng trong lễ đăng quang của Vua Charles III.