Thứ Năm, ngày 16/01/2025 11:59 PM (GMT+7)

Ăn sushi từ cá tra, tôm thẻ chân trắng theo phong cách Nhật, tại sao không?

2023-04-03 18:39:00

Từ những nguyên liệu quen thuộc như cá tra vùng Đồng Tháp hay tôm thẻ nuôi ở vùng giáp biển Bạc Liêu, đầu bếp người Nhật Matsuo Tomoyuki đã nâng tầm “5 sao” cho sản phẩm khi chế biến thành món sushi ngon miệng.

Bất ngờ với sushi cá tra tôm thẻ chân trắng "chuẩn 5 sao"

Đưa thủy sản Việt lên bàn tiệc thế giới là một trong những chủ đề mà Bộ NNPTNT vừa phối hợp tổ chức mới đây ở Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu cho thủy sản Việt Nam.

Tại chương trình, chuyên gia ẩm thực Matsuo Tomoyuki đã khiến nhiều thực khách bất ngờ khi tự chế biến, phục vụ món sushi "chuẩn Nhật" từ 2 nguyên liệu phổ biến ở Việt Nam là cá tra và tôm thẻ chân trắng.

Ông Matsuo Tomoyuki là đại sứ ẩm thực Nhật - Việt, Chủ tịch Hiệp hội ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam. Ông có niềm đam mê với ẩm thực Việt Nam từ nhiều năm nay.

Đầu bếp Matsuo Tomoyuki (giữa) chế biến món sushi từ cá tra và tôm thẻ chân trắng của Việt Nam. Ảnh: Trần Khánh

Đầu bếp Matsuo Tomoyuki (giữa) chế biến món sushi từ cá tra và tôm thẻ chân trắng của Việt Nam. Ảnh: Trần Khánh

Ông Matsuo cho biết, từ 5 năm trước, ông đã nghĩ đến việc chế biến cá tra thành các món ăn sống theo phong cách của người Nhật như sushi hay sashimi. Thế nhưng, thời điểm đó, vị đầu bếp vẫn còn e ngại vì cá tra có vị đắng, nhẫn. Kèm với đó là những lo ngại về ký sinh trùng, dư lượng kháng sinh…

Qua thời gian tìm kiếm nguồn nguyên liệu, ông Matsuo hiện đã rất tự tin với món sushi cá tra của mình. Ông dùng nguồn cá nuôi ở vùng Hồng Ngự (Đồng Tháp), trong điều kiện gắt gao như có bể nuôi sạch, cho bơi lội trong nước sạch 24 giờ trước khi cấp đông để không còn ký sinh trùng.

Ông Matsuo Tomoyuki lưu ý, cá nước ngọt sống trong môi trường hoang dã có lượng ký sinh trùng rất lớn. Nếu ăn sống cá tra sẽ nguy hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, với món sushi cá tra này, quy trình loại bỏ ký sinh trùng đã được thực hiện triệt để.

Để chế biến món ăn chất lượng 5 sao này, cá sau khi được thu hoạch từ bể nuôi sạch sẽ tiếp tục cho bơi lội trong nước sạch 24 giờ. Cá sau đó được sơ chế bỏ phần mỡ, da và được cấp đông ngay trong điều kiện âm ít nhất là 20oC, liên tục trong vòng 48 tiếng để không còn ký sinh trùng.

Món sushi làm từ cá tra. Ảnh: Trần Khánh

Món sushi làm từ cá tra. Ảnh: Trần Khánh

Cá tra Việt Nam tươi, sạch và an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính đã chứng minh cho người tiêu dùng thấy rằng, cá tra cũng có thể chế biến thành món ăn tươi sống rất ngon.

"Với sự nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, chúng tôi đã làm được điều này", vị đầu bếp chia sẻ.

Theo ông Matsuo, tại Nhật Bản, cá tra đã được dùng thay thế cho các loại cá da trơn khác từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, món ăn chủ yếu vẫn là chiên, rán. Trong khi đó, nền ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng lâu đời với các món ăn sống như sushi, sashimi.

Ông Matsuo cũng cho rằng, so với cá hồi Nauy – vốn đã được người Nhật sử dụng làm nguyên liệu cho món sushi từ lâu đời, cá tra Việt Nam hiện có chất lượng không hề kém cạnh. Điều này giúp cá tra thêm phần tự tin khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản.

Món sushi làm từ tôm thẻ. Ảnh: Trần Khánh

Món sushi làm từ tôm thẻ. Ảnh: Trần Khánh

Riêng với món sushi từ tôm thẻ chân trắng, ông Matsuo chọn nguồn nguyên liệu là tôm thẻ của Tập đoàn Việt Úc. Đây là một trong ba doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Tôm thẻ được lựa chọn là những con tôm nuôi không kháng sinh trong suốt vòng đời, và truy xuất được nguồn gốc. Qua bàn tay tài hoa của đầu bếp người Nhật, vị ngon, ngọt tự nhiên của loài thủy sản quen thuộc trở nên đặc biệt hơn, khiến thực khách đều phải xuýt xoa.

Đặc biệt, để món sushi đậm đà hương sắc Việt, vị đầu bếp người Nhật này còn kết hợp món ăn với các loại mắm cá, mắm tôm Việt Nam.

"Các món ăn của Việt Nam rất hấp dẫn, trong đó có thủy sản Việt. Việt Nam có thể làm nhiều hơn nữa để giới thiệu món ăn đến Nhật Bản và khắp thế giới", ông Matsuo Tomoyuki gợi ý.

Cua Cà Mau, hàu Long Sơn… nức lòng thực khách

Ngoài cá tra, tôm thẻ, thủy sản Việt Nam còn rất nhiều "anh hào" khác, đủ tiêu chuẩn góp mặt trên bàn tiệc thế giới như cua Cà Mau, hàu Long Sơn hay tôm hùm Phú Yên.

Đặc sản tôm hùm Sông Cầu của Phú Yên. Ảnh: Trần Khánh

Đặc sản tôm hùm Sông Cầu của Phú Yên. Ảnh: Trần Khánh

Ông Hồ Văn Việt - Trưởng phòng quản lý nuôi trồng, Chi cục thủy sản tỉnh Cà Mau chia sẻ, với người dân vùng rừng đước Cà Mau thì cua được xem là một niềm tự hào. Cua Cà Mau từ lâu cũng đã trở thanh thương hiệu nổi tiếng gần xa.

Theo ông Việt, cua Cà Mau sở dĩ thơm ngon vì được sống trong nguồn nước biển theo thủy triều thông suốt ngày hai lần vào các nhánh sông rạch, độ mặn cao và sạch.

Thức ăn cho cua ở vùng này dồi dào hơn các tỉnh thành khác trên cả nước. Bên cạnh đó, Cà Mau cũng tích cực trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu cho loại đặc sản này.

Nông dân Cà Mau thu hoạch cua biển. Ảnh: Chúc Ly

Nông dân Cà Mau thu hoạch cua biển. Ảnh: Chúc Ly

Cuối tháng 12/2022, UBND tỉnh Cà Mau vừa tổ chức "Ngày hội cua Cà Mau, trong đó, có cuộc thi Cua Cà Mau lớn nhất - Cua Sumo (Sumo Crab). Hội thi giúp người tiêu dùng có dịp chứng kiến những con cua khủng có trọng lượng từ một kg trở lên.

Điều này khẳng định, cua Việt không chỉ chất lượng mà có trọng lượng không thua kém gì các sản phẩm của thế giới như King Crab hay cua Canada.

Cua Cà Mau có thịt ngọt và chắc, gạch béo, hàm lượng dinh dưỡng cao. Đây cũng là nơi có nguồn cua biển được đánh giá ngon nhất cả nước và đông đảo người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.

Hiện, Cà Mau cũng đã có 1 số sản phẩm cua chế biến được chứng nhận OCOP là Cua biển Năm Căn và Thịt cua sinh thái, Bánh phồng cua,…

Món hàu Long Sơn sốt chanh dây. Ảnh: Trần Khánh

Món hàu Long Sơn sốt chanh dây. Ảnh: Trần Khánh

Hay như món Hàu Long Sơn sốt chanh dây (nuôi tại xã đảo Long Sơn, TP.Vũng Tàu) cũng khiến nhiều thực khách thích thú.

Long Sơn hàng chục năm qua được ví như "vương quốc hàu". Hàu ở xã đảo này có vị ngọt đậm, nhiều dinh dưỡng nên được đưa tiêu thụ khắp nơi và rất được ưa chuộng.

Hàu thường được nướng mỡ hành, ăn tái với sốt chanh tươi hoặc mù tạt (wasabi) hay nấu cháo hàu… Dưới bàn tay của đầu bếp Lương Hải (HTX thủy sản Như Ý), hàu được "khoác áo mới" khi chế biến cùng sốt chanh dây. Màu vàng ươm của chanh dây vừa hấp dẫn thị giác, vừa tạo vị ngọt bùi pha lẫn vị thanh chua, hấp dẫn càng hơn.

Cần gia tăng chế biến sâu cho thủy hải sản Việt

Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT), để gia tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì ngành thủy sản Việt Nam chỉ còn cách tăng tỷ trọng chế biến, và chế biến hàng hóa chất lượng cao hơn.

Theo đó, doanh nghiệp phải tìm cách gia tăng giá trị cho sản phẩm bằng cách đầu tư vào các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm ăn ngay. Với dòng sản phẩm này, khách hàng chỉ cần xử lý nhiệt trong thời gian ngắn là dùng được (ready to eat).

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phối hợp với các nhãn hàng, nhà phân phối lớn, thậm chí hệ thống các nhà hàng có lượng thực khách đông đảo để sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, cung cấp hàng hóa đáp ứng yêu cầu chất lượng của các mạng phân phối nước ngoài.

Trần Khánh