Xuất khẩu quý 1/2023 giảm tới 29%, thủy sản Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với những nước nào?

Bình Minh Thứ năm, ngày 30/03/2023 12:22 PM (GMT+7)
Theo số liệu công bố của Bộ NNPTNT, 3 tháng đầu năm 2023, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh nhất, đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ.
Bình luận 0

Bộ NNPTNT nhận định, sản xuất trong quý I/2023 có nhiều biến động trong bối cảnh thị trường xuất khẩu giảm mạnh ở những tháng đầu năm. Tổng sản lượng thủy sản tháng 3 ước đạt hơn 703.000 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 3 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt gần 1,9 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hai mặt hàng thủy sản có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất là tôm và cá tra cũng đang gặp nhiều khó khăn khi các nước nhập khẩu áp dụng nhiều chính sách mới. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hạn ngạch, thuế đang "cản đường" xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc.

VASEP cho hay, Hàn Quốc chiếm 14% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ, EU và Nhật Bản. Mỗi năm Hàn Quốc nhập khẩu trên 50.000 tấn tôm của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang thị trường này đang thực hiện theo cơ chế hạn ngạch, nếu ngoài hạn ngạch, thì mức thuế nhập khẩu có thể lên tới 20%.

Số liệu của VASEP cho thấy, 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt hơn 46 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc những tháng đầu năm nay đi theo xu hướng giảm chung trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát tăng, sức mua giảm.

Xuất khẩu quý 1/2023 giảm tới 29%, thủy sản Việt Nam đang phải canh tranh gay gắt với những nước nào? - Ảnh 1.

Theo Bộ NNPTNT xuất khẩu thủy sản quý 1/2023 đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Ảnh: VASEP

Theo VASEP, sản phẩm tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đang bị vướng quy định về hạn ngạch. Đó là Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu đấu giá mua hạn ngạch nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào nước này với giá 14-16% giá trị nhập khẩu.

Nếu ngoài quota thì mức thuế nhập khẩu là 20%. Như vậy, nhập khẩu tôm Việt Nam vào Hàn Quốc chịu mức thuế 14-20%. Đây là một bất lợi lớn và làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường Hàn Quốc.

Đối với thị trường Mỹ, có chiều hướng sụt giảm từ quý 4/2022 và tiếp đà giảm sâu trong 2 tháng đầu năm nay. Đến nay, Mỹ chỉ còn chiếm 14,5% tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng vẫn giữ vị trí thị trường nhập khẩu số 1.

Tính đến hết tháng 2/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 155 triệu USD, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tôm chiếm 37%, cá ngừ chiếm 23%, cá tra chiếm 17% và các mặt hàng cá biển khác chiếm 15%.

Còn đối với thị trường Trung Quốc, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi 2 đối thủ là Ecuador và Ấn Độ, khi hai nước này chiếm thị phần chi phối với hơn 60% nhập khẩu tôm của Trung Quốc. 

Theo VASEP, thế mạnh của Ecuador và Ấn Độ là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ, giá rẻ. Không chỉ tôm, đối với các mặt hàng thủy hải sản khác, như các loài cá biển, mực, bạch tuộc... Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu và các thương gia thủy sản từ các nước khác.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ phục hồi trở lại sau quý 1/2023. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem