Thứ Năm, ngày 16/01/2025 07:06 PM (GMT+7)

2 thị trường gạo chính của Việt Nam phải tăng mua vào

2024-02-28 09:22:00

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần chú ý điều chỉnh kế hoạch tăng nguồn cung hợp lý trong năm nay vì 2 thị trường lớn là Philippines và Indonesia có thể tăng lượng gạo nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới cập nhật dự báo của USDA về nhập khẩu gạo của Philippines trong năm nay lên con số 3,9 triệu tấn từ 3,8 triệu tấn đưa ra trong tháng 1. Cho biết phần lớn lượng tăng thêm này sẽ do Việt Nam cung cấp, USDA giải thích họ phải điều chỉnh dự báo vì Philippines "gần đây đã mua hàng mạnh mẽ từ Việt Nam".

Với ước tính mới nhất, USDA nhận định Philippines sẽ trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới năm thứ hai liên tiếp.

Nhu cầu gạo năm 2024 của Philippines, theo dự báo cập nhật của USDA, sẽ là 16,5 triệu tấn, tăng 3% so với 16 triệu tấn năm 2023.

2 thị trường gạo chính của Việt Nam phải tăng mua vào- Ảnh 1.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh tư liệu.


Những số liệu trên nằm trong báo cáo thị trường ngũ cốc thế giới trong tháng 2 của Bộ Nông nghiệp Mỹ. USDA viết: "Nhu cầu gạo toàn cầu đang tăng do nhập khẩu nhiều hơn từ Indonesia và Philippines". Báo cáo này dự báo nhu cầu gạo toàn cầu năm nay là 522,9 triệu tấn so với 522,1 triệu tấn năm ngoái.

Năm 2024, thống kê mới nhất của Cục Trồng trọt Philippines cho thấy nước này đã nhập khẩu khoảng 286.000 tấn gạo tính đến ngày 25/1, với hơn một nửa đến từ Việt Nam.

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, ông Zulkifli Hasan, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, cho biết ngày 26/2 rằng chính phủ ông đã quyết định tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn.

Nguyên nhân là sản xuất gạo trong nước bị thiếu hụt, xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước tưới (do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023). Dự kiến mùa thu hoạch vụ lúa chính sẽ rơi vào tháng 5 và tháng 6/2024 thay vì tháng 3 và tháng 4 hàng năm.

Giấy phép nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn sẽ sớm được ban hành sau khi hoàn tất một số thủ tục hành chính liên quan. Với lượng mới này, tổng hạn ngạch gạo nhập khẩu do Chính phủ Indonesia quyết định trong năm 2024 là 3,6 triệu tấn.

2 thị trường gạo chính của Việt Nam phải tăng mua vào- Ảnh 2.

Bốc gạo Việt Nam lên tàu để xuất khẩu từ Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN

Theo thương vụ Việt Nam tại Indonesia, tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thấp hơn nhu cầu. Hiện tượng gạo khan khiếm tại các siêu thị đã xuất hiện.

Năm 2023, Indonesia đã vươn lên trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Philippines) với hơn 1,1 triệu tấn và kim ngạch hơn 640 triệu USD, tăng tới 878% về lượng và đến 992% về trị giá so với năm 2022, theo Bộ Công Thương.

Cùng năm, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt 1,75 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2022. Số lượng xuất khẩu đạt 3,1 triệu tấn, giảm 2% so với năm 2022 (trên 3,2 triệu tấn), nhưng vẫn chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines.

Tường Thụy
'Soi' các ông lớn ngành gạo làm ăn ra sao trong cơn sốt giá gạo năm 2023

"Soi" các ông lớn ngành gạo làm ăn ra sao trong cơn sốt giá gạo năm 2023

Giữa bối cảnh ngành gạo liên tục lập kỷ lục về giá sản lượng, giá trị cùng đơn giá tăng thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phần lớn đều không đạt được như kỳ vọng, thậm chí có "ông lớn" còn lỗ sâu.