10 năm nông thôn mới Sài thành thay da đổi thịt

Bài, ảnh: Ngọc Minh

19/08/2019 11:22 GMT +7

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để thực hiện mục tiêu và 8 nhiệm vụ, giải pháp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đề ra trong Nghị quyết 26, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20/10/2008.

Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đề án xây dựng chương trình thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM) trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo triển khai thực hiện – từ xã điểm Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (do Trung ương trực tiếp chỉ đạo), đến triển khai nhân rộng tại 5 xã điểm thuộc 5 huyện ngoại thành (nhằm rút kinh nghiệm triển khai tại xã điểm Tân Thông Hội và ngược lại) và nhân rộng thực hiện trong toàn vùng nông thôn thành phố từ năm 2010.

Nông dân ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng quả xoài.
Nông dân ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng quả xoài.

Đến hết giai đoạn 1 (từ 2010 - 2015), theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, TP.HCM đã có 54/56 xã đạt chuẩn, có 3/5 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM (là huyện Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè). Thu nhập bình quân khu vực nông thôn được Cục Thống kê điều tra và công bố năm 2015 là 39,7 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,7 lần so năm 2010. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm: Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn thành phố bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị; đến năm 2010, bằng 66,5% và đến cuối năm 2016 bằng 71,9%.

Phong trào chung sức NTM TP.HCM qua 10 năm đã huy động được 21.904 hộ dân hiến đất làm đường, với diện tích 267,5 ha ước kinh phí hơn 2.399 tỷ đồng. Mặt khác, TP đã đầu tư hơn 9.300 công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Huy động nguồn lực của xã hội xây dựng và sửa chữa hơn 10.000 căn nhà tình thương, xóa nhà tạm nhà dột nát…

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ngay từ thời điểm bắt đầu, Thành ủy, UBND Thành phố đã xác định: Xây dựng NTM là một tiến trình, theo hướng ngày một đi lên, phát triển liên tục; đạt tiêu chí không phải là kết quả cuối cùng, mà chỉ là đánh giá mức độ đạt được trong từng giai đoạn cụ thể (theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống).

”Phải thường xuyên kiên trì, bền bỉ, nâng cao chất lượng xây dựng phát triển nông thôn mạnh mẽ và bền vững với tinh thần không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nông dân và cư dân nông thôn thành phố. Lấy việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và sự hài lòng, đồng thuận của nông dân là thước đo cho kết quả của quá trình xây dựng NTM”, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định lại quan điểm, kim chỉ nam hành động và là chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo thành phố trong quá trình xây dựng NTM 10 năm qua.

Chính vì thế, không dừng lại ở tiêu chí quốc gia, TP.HCM đề ra nội dung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn vùng nông thôn TP cho giai đoạn 2 (từ 2016 – 2020), nhằm duy trì các tiêu chí đã đạt được kết hợp với thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí.

“Nếu như giai đoạn 2010 – 2015 vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất vừa tập trung xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng để đảm bảo phát triển giao thương, thực hiện an sinh xã hội thì giai đoạn 2016 – 2020 tập trung vào các nội dung về tiêu chí: phát triển sản xuất; nâng cao thu nhập; giảm nghèo bền vững; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch theo hướng tập trung quy hoạch khu dân cư nông thôn mới gắn với cảnh quan môi trường nông thôn; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng nông thôn, quản lý và phát huy công năng các cơ sở hạ tầng đã được đầu tư”, ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết.

Cần đẩy mạnh đầu tư hơn nữa

Căn cứ theo Bộ tiêu chí về NTM đặc thù vùng nông thôn TP.HCM giai đoạn nâng cao chất lượng các tiêu chí 2016 – 2020, tính đến cuối tháng 7/2019: số tiêu chí đạt bình quân/xã trên địa bàn thành phố là 17,86/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên khoảng 58 triệu người/năm.

Còn căn cứ theo tiêu chí huyện NTM đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 về ban hành tiêu chí huyện NTM và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, số tiêu chí đạt bình quân 1 huyện trên địa bàn thành phố đến tháng 6/2019 là 6,4/9 tiêu chí.

Mô hình trồng lan phát triển mạnh ở Củ Chi.
Mô hình trồng lan phát triển mạnh ở Củ Chi.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Hổ, công cuộc 10 năm xây dựng NTM TP.HCM mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng vẫn còn một số nội dung tồn tại cần tiếp tục khắc phục. Cụ thể, vấn đề phát triển hạ tầng TP từ hạ tầng giao thông đến hạ tầng văn hóa xã hội dù có đầu tư mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển hiện đại hóa nông thôn của TP.

“Hạ tầng văn hóa xã hội, đặc biệt là giáo dục, áp lực tăng dân số cơ học hàng năm lớn nên nhu cầu về trường học rất cao. Mặc dù hàng năm TP đều xây mới cả ngàn phòng học nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu và trường lớp còn nhiều nơi chưa đạt chuẩn, vẫn còn phải tiếp tục phấn đấu”, ông Hổ chia sẻ.

Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp tuy tích cực nhưng hình thức tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, việc tập hợp – liên kết sản xuất theo chuỗi còn chưa đạt yêu cầu. Vai trò của hợp tác xã vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu tập hợp nông dân sản xuất lớn. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật cao chưa được triển khai rộng rãi.

Tình trạng ô nhiễm môi trường; cảnh quan nông thôn chưa thật sự xanh – sạch – đẹp; vẫn còn rải rác tại một số nơi xảy ra tình trạng xả rác ven đường; hình thành các bãi rác tự phát; nước thải đã ảnh hưởng đến môi trường chung và tác động nhất định đến sản xuất nông nghiệp, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. “TP vẫn còn phải tiếp tục phấn đấu, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt phải làm sao chuyển động được các thành phần kinh tế, xã hội và người dân cùng chung tay xây dựng NTM trong thời gian tới“, ông Hổ nói.