Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 02:35 PM (GMT+7)
Xăng dầu "ăn theo" đại lý, chỉ giảm giá... nhỏ giọt, dân nghi động thái "xoa dịu" doanh nghiệp?
2022-11-22 10:26:00
Khá nhiều người tiêu dùng thất vọng, xen lẫn bực bội khi thông tin giá xăng được điều chỉnh giảm rất thấp chỉ 40-80 đồng/ lít. Tức là mua 10 lít xăng mới giảm được 400-800 đồng, không thấm vào đâu!
Người dân thất vọng vì "giảm nhỏ giọt"
Trả lời PV Dân Việt, chị Nguyễn Thanh Thảo (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Mấy hôm trước ngày điều chỉnh, tôi đón nhận thông tin có thể giảm giá xăng 300 đồng/ lít, nhưng đến chiều ngày 21/11, té ngửa khi nhận thông tin giá xăng chỉ giảm 40-80 đồng/ lít. Giảm vậy, thà không giảm còn hơn, bởi nhiều người nghèo như chúng tôi mong giá xăng giảm mạnh".
Tương tự, anh Nguyễn Mạnh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá xăng tăng giảm theo thị trường, nhưng là người tiêu dùng, chúng tôi nhận thấy giá thường tăng nhiều, cao hơn giá giảm. Thời gian từ tháng 7/2022, do có sự vào cuộc mạnh mẽ của Nhà nước và giá thế giới giảm mạnh, giá xăng dầu mới giảm mạnh, còn trong điều kiện bình thường, giá xăng vẫn có xu hướng "tăng thì nhanh, và cao. Còn giảm thì chậm và thấp".
Ông Phạm Văn Hợi (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: "Sắp bước vào tháng cao điểm đi lại với nhiều ngày lễ lớn và dịp Tết Nguyên đán, vì vậy nhiều người tiêu dùng lo ngại từ nay giá xăng dầu sẽ không còn được giảm giá nữa, chỉ có tăng giá. Điều này sẽ không hề tốt vì lạm phát sẽ tăng cao".
Chia sẻ về cảm xúc khi nhận tin giá xăng giảm nhỏ giọt trên báo Dân Việt, độc giả Nhung Dương cho rằng: "Ngày xưa nghe giảm là mừng, giờ nghe xăng giảm giật mình thon thót. Chỉ sợ mấy anh cây xăng lại đóng cửa, xếp hàng cả tiếng đồng hồ, chen chúc nhau đổi xăng thôi. Mệt lắm!"; còn độc giả, Tạ Quang Thắng, bình luận: "Giảm như không giảm, đọc mà giật hết cả mình".
Độc giả Phan Hoàng Nguyễn cho rằng: "Là người tiêu dùng, ai cũng muốn giá rẻ, dịch vụ chất lượng. Nhưng nếu giá phù hợp, dịch vụ cũng vẫn phải chất lượng. Đây giá đã đắt, cao so với khả năng chi trả của người dân mà dịch vụ lại kém. Nơi đóng cửa, nơi hết xăng là không thể chấp nhận được. 17.000 đại lý xăng dầu bán lẻ, so với nước ngoài là quá nhiều, nhưng nghe chừng cơ quan quản lý chỉ thích cấp phép cho được, quản lý chất lượng dịch vụ không hề được quan tâm, hở ra là chỉ phạt, kiểm tra và xử lý… Không ai đo lường xem người dân, người tiêu dùng nghĩ gì, cảm nhận gì khi phải chen chân, chờ đợi cả nửa tiếng đồng hồ để chỉ được mua mặt hàng thiết yếu".
Độc giả Lý Anh Thư cho rằng: "Quản lý xăng dầu về điều hành giá vẫn lạc nhịp so với thế giới, có thời điểm tôi thấy xăng dầu thế giới giảm mấy ngày, thậm chí cả tuần xăng trong nước vẫn đứng yên. Trong khi đó, tăng mấy ngày trước đó thì đại lý xăng dầu không bán hoặc chỉ bán nhỏ giọt để chờ điều chỉnh. Rõ ràng, có động cơ làm giá, lũng đoạn thị trường mà không xử lý được".
Vì sao giá xăng giảm nhỏ giọt?
Theo chuyên gia xăng dầu từ Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, lý do xăng giảm giá nhỏ giọt hôm qua ngày 21/11 do các yếu tố tác động đến giá, trong đó, giá xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều chỉnh ngày 11-21/11 đều giảm nhẹ từ 0,4 đến 0,6 USD/thùng.
Bên cạnh đó, mức giảm giá thấp do cơ quan điều hành đã trích quỹ bình ổn từ 200 đến 300 đồng/ lít, điều này đồng nghĩa nếu không trích quỹ bình ổn, xăng dầu có thể sẽ tăng nhẹ.
Các lý do khiến giá xăng dầu giảm tại kỳ điều hành ngày 21/11 là do kỳ vọng vào giá xăng dầu thế giới không cao, sự bất ổn của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc (lo ngại làn song quay trở lại của Covid-19) và Mỹ (khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tiếp, kéo theo lạm phát và bất ổn của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Chuyên gia tại Hiệp hội xăng dầu Việt Nam bình luận, thông thường cuối năm tiêu dùng xăng dầu tăng cao do nhu cầu đi lại, giao thương lớn, mặt hàng xăng dầu có thể sẽ tăng. Tuy nhiên, năm nay, một năm "dị biệt" của thị trường xăng dầu, chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Nếu các nước EU vẫn bỏ tiền lớn mua gom hàng xăng dầu lớn trên thế giới như vừa qua, để đối phó với mùa đông lạnh và nền kinh tế Trung Quốc hồi phục trở lại, các nước OPEC không tăng sản lượng bán dầu thì rất có thể sẽ tăng.
Tuy nhiên, vị này cũng bình luận: Nếu Nga và các nước EU đạt thoả thuận về khí đốt cho mùa đông châu Âu, nền kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến xấu, sự hồi phục của Trung Quốc, Mỹ hay Nhật Bản chậm, giá xăng sẽ đi ngang hoặc hạ.
"Tuy nhiên, ngoại cảnh chúng ta không thể thay đổi được và luôn biến động dữ dội theo cán cân lợi ích các nước lớn. Trong khi đó, vấn đề điều hành xăng dầu là nằm trong tay Bộ Công Thương - Tài chính, vì vậy, hơn lúc nào hết cần ngồi lại giải quyết vấn đề xung đột lợi ích, quy trách nhiệm và xử lý dứt điểm các yếu kém trong quản lý điều hành của chúng ta, điều này mới giúp cho năm 2023, thị trường xăng dầu ổn định", vị chuyên gia nói.
Bộ Tài chính “đề xuất lạ” về thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu, xin giảm mức sàn 500-1.000 đồng/lít
21/11/2022 15:20Giá xăng bất ngờ quay đầu giảm... 40 đồng/lít
21/11/2022 14:49"Bác" loạt đề xuất của Bộ Công Thương, chuyên gia chỉ rõ yếu kém của quản lý vận hành thị trường xăng dầu
17/11/2022 11:10