Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 04:54 AM (GMT+7)
Tương ớt, bánh tráng xuất khẩu đều đều qua Úc, Hàn Quốc giữa dịch Covid-19
2021-10-28 09:30:00
Tương ớt lên men vẫn duy trì xuất khẩu sang Australia, tiếp cận thêm nhiều thị trường mới; bánh tráng không nhúng nước vẫn đều đặn xuất đi khoảng 10 tấn hàng mỗi tháng qua Hàn Quốc, Trung Quốc... trong mùa dịch.
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, thậm chí mới chỉ 1-3 năm tuổi đã nhạy bén, linh hoạt trong mùa dịch để không chỉ duy trì sản xuất, mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính.
Xuất khẩu đều đều trong mùa dịch
Tương ớt lên men Chilica của anh Nguyễn Thanh Hiền - Giám đốc Công ty Tomcare có trụ sở tại TP.HCM, vừa được lên kệ "Tuần hàng Việt Nam tại Hà Lan" diễn ra cách đây ít ngày để tiếp cận người tiêu dùng châu Âu.
Anh Hiền cho biết, tháng 5 năm nay, khi thấy tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, trong khi các nước trên thế giới đều đã qua đỉnh dịch, anh vội viết tâm thư gửi Tham tán thương mại tại các nước để được hỗ trợ tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Ra mắt sản phẩm tương ớt lên men tháng 6/2020, tức trong mùa dịch, nhưng nhờ có quá trình chuẩn bị lâu dài từ máy móc đến công nghệ, sản phẩm nhanh chóng được xuất khẩu chính thức sang Australia và Campuchia.
Trong khi các chương trình kết nối, xúc tiến thương mại trong nước đang tạm ngưng vì Covid-19, anh Hiền đã đưa tương ớt lên men tiếp cận thị trường nước ngoài. Song song đó, anh cũng bán hàng đa kênh: Vừa tiếp tục cung cấp cho siêu thị, kênh thương mại điện tử, vừa chủ động liên hệ các doanh nghiệp có nhu cầu bán thực phẩm, hàng thiết yếu trong mùa dịch.
Anh Phạm Thái Hoàng - Giám đốc phụ trách khu vực TP.HCM của thương hiệu bánh tráng Tân Nhiên, cho biết đợt dịch vừa qua, doanh nghiệp vẫn đều đặn xuất khẩu được khoảng 10 tấn hàng mỗi tháng đi Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
"Sắp tới, có một vài đối tác Pháp, Nhật Bản cũng đang chuẩn bị ký hợp đồng, tín hiệu đến thời điểm này khá tốt", anh Hoàng cho hay.
Theo anh, khi xuất đi, doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và vẫn giữ thương hiệu vốn có. Điểm đặc biệt của sản phẩm này so với các loại bánh tráng khác là có thể cuốn trực tiếp với rau, thịt… không cần nhúng nước mà vẫn giữ được độ dẻo, dai, không bị gãy.
Khởi nghiệp được 3 năm nhưng đã có 2 năm đưa bánh tráng xuất khẩu, anh Hoàng cho biết ngay từ đầu đã đầu tư máy móc hiện đại, quy trình khép kín để đạt chuẩn nước ngoài. Trong đợt dịch vừa qua, mọi người ở nhà nhiều hơn, công ty cũng đã nhanh nhạy ra mắt một bộ sưu tập bánh tráng trộn tôm hành, bánh tráng trộn sa tế tỏi, bánh tráng trộn phô mai.
"Vượt bão" Covid-19 thành công, hiện công ty của anh Hoàng đang tăng tốc cho mùa kinh doanh cuối năm, bởi bánh tráng cũng là mặt hàng được tiêu thụ nhiều vào dịp Tết.
Tăng tốc cho hàng Tết và kết nối sau dịch
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội lương thực - thực phẩm TP.HCM, đánh giá sau khi TP.HCM ban hành Chỉ thị 18 và mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, thống nhất các quy định chống dịch theo hướng "Sống chung, thích ứng an toàn với Covid 19" trên phạm vi cả nước, các doanh nghiệp trong ngành rất phấn khởi.
Hiện các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm đang dần ổn định lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
"Một số doanh nghiệp còn tăng công suất, tăng ca để tăng lượng hàng hóa, ổn định giá cả, đảm bảo cung cấp hàng đầy đủ, nhất là chuẩn bị dự trữ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và Tết", bà Chi cho biết.
Các doanh nghiệp đang tăng cường sản xuất thì nhiều quận huyện cũng như ngành Công Thương đang chuẩn bị cho hoạt động xúc tiến thương mại cuối năm. Không chỉ kết nối tiêu thụ, nhiều hoạt động khác của các Hội, ngành cũng được tổ chức để đưa sản phẩm Việt Nam kết nối với thị trường nước ngoài.
Nhiều người tranh thủ mua sắm sau giãn cách xã hội những ngày qua không khỏi bất ngờ khi nhiều loại sản phẩm có nguồn gốc từ nông sản Việt như tương ớt, bánh tráng, bột rau má, trái cây sấy… được trưng bày tại một vị trí "đắt khách" bên trong cửa hàng Uniqlo Đồng Khởi (quận 1).
Chương trình này do Uniqlo phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức. Cuối tuần trước, thương hiệu thời trang lớn nhất Nhật Bản cũng đã tổ chức triển lãm, trưng bày và bán các mặt hàng nông sản chế biến của Việt Nam tại một cửa hàng ở quận 10.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng đây là cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp xúc thêm nhiều khách hàng mới.
"Biết đâu những sản phẩm của người nông dân ngày hôm nay có thể bay ra khỏi Việt Nam đến Nhật Bản, như cách mà Nhật Bản vừa giúp đỡ cho nông dân Việt Nam khi trao bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho vải Lục Ngạn (Bắc Giang) và thanh long Bình Thuận", bà Hạnh nói.