dd/mm/yyyy

Tương Dương (Nghệ An) hợp với phát triển sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng KHCN

Ngày 25/5, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tham quan một số mô hình kinh tế, kiểm tra dự án tái định cư, làm việc với lãnh đạo huyện Tương Dương đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thời gian qua đề ra giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới.

Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả

Cụ thể, trước khi làm việc với lãnh đạo huyện Tương Dương để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thời gian qua và đề ra giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cùng đoàn công tác đã đến thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ và mô hình vỗ béo trâu, bò tại làng Bãi Sở, xã Tam Quang (huyện Tương Dương).

Tương Dương (Nghệ An) hợp với phát triển sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng KHCN - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung thăm quan Khu du lịch sinh thái rừng săng lẻ (Tương Dương).

Lãnh đạo xã Tam Quang báo cáo, hiện trên địa bàn xã này có 23 hộ gia đình trồng thanh long ruột đỏ với diện tích 7,1 ha. Những gia đình này đã liên kết với nhau để thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bãi Sở.

Tương Dương (Nghệ An) hợp với phát triển sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng KHCN - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung tại trang trại thanh long ruột đỏ của nông dân xã Tam Quang.

Năng suất trồng thanh long mỗi năm ước đạt 142 tấn. Doanh thu bình quân ước đạt đạt 2,8 tỷ đồng/năm, bình quân mỗi hộ thu về khoảng từ 90 -120 triệu đồng/năm từ trồng thanh long ruột đỏ. 

Ngoài ra, toàn xã cũng có 120 hộ dân tham gia nuôi vỗ béo trâu bò, bình quân mỗi hộ nuôi 5 con. Mỗi năm, các gia đình xuất 2 lứa trâu bò, thu về từ 150-200 triệu đồng/hộ/năm.

Tương Dương cần hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao

Hiện trên địa bàn xã Tam Quang xuất hiện nhiều gia đình làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu là hộ ông Trần Văn Đô. Mỗi năm gia đình ông Đô thu nhập từ 240 triệu đồng nhờ nuôi vỗ béo trâu bò, đánh bắt thủy sản, sản xuất nông nghiệp sạch. 

Tương Dương (Nghệ An) hợp với phát triển sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng KHCN - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Trung trò chuyện, lắng nghe từng nông dân.

Ngoài gia đình ông Đô còn có hộ ông Tống Văn Chiến, sở hữu 0,6ha thanh long ruột đỏ xen lẫn dưa hấu. Cộng với việc chăn nuôi trâu mỗi năm 2 lứa, quy mô mỗi lứa 4 con và các nguồn thu nhập khác, gia đình ông Chiến có thu 300 triệu đồng/năm.

Hiện tại, thị trường tiêu thụ thanh long ruột đỏ của các hộ dân ở xã Tam Quang chủ yếu là khu vực thành phố Vinh, TP. Hà Nội trong huyện, xã. Thị trường trâu, bò chủ yếu bán cho thương lái từ các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn mua.

Tương Dương (Nghệ An) hợp với phát triển sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng KHCN - Ảnh 4.

Một cụ ông chia sẻ với Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung.

Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã trò chuyện, hỏi han chi tiết với từng nông dân về sản xuất nông nghiệp và đề nghị huyệ̣n Tương Dương, xã Tam Quang quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ người dân nắm bắt, tiếp cận và ứng dụng các khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngọc Thọ