Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 01:08 PM (GMT+7)

Từ start up của Lê Diệp Kiều Trang, nhìn lại mô hình gọi vốn cộng đồng

2023-07-11 10:56:00

Vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang đã huy động 7 triệu USD cho dự án xe đạp in 3D thông qua hình thức gọi vốn cộng đồng. Với những lùm xùm gần đây, liệu hình thức này có thực sự an toàn với nhà đầu tư?

Từ start up của Lê Diệp Kiều Trang, nhìn lại mô hình gọi vốn cộng đồng - Ảnh 1.

Để có nguồn lực thực hiện dự án Superstrata, vào năm 2020, start up Arevo của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang và ông Sonny Vũ đã quyết định đưa dự án xe đạp in 3D của mình lên Indiegogo, nền tảng gọi vốn cộng đồng nổi tiếng.

Start up được coi là "Tesla ngành xe đạp" này từng gọi vốn thành công hơn 7 triệu USD từ cộng đồng trên Indiegogo và 25 triệu USD từ các nhà đầu tư dù mới thành lập. Theo kế hoạch dự kiến trên Indiegogo, những sản phẩm đầu tiên sẽ được giao đến những người góp vốn từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, tới nay có rất ít người nhận được sản phẩm.

Mới đây, trang gây quỹ cộng đồng Indiegogo công bố 2 dự án của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang là Scotsman All-Carbon Fiber Scooter và Superstrata Bike bị dừng hoạt động và khóa không cho gọi vốn để xác minh các cáo buộc sản phẩm kém chất lượng từ người dùng.

Từ start up của Lê Diệp Kiều Trang, nhìn lại mô hình gọi vốn cộng đồng - Ảnh 2.

Dự án của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang bị khóa trên Indiegogo. Ảnh chụp màn hình.

Không ít khách cho rằng chất lượng xe không xứng đáng với giá tiền. Một số khách hàng cho biết xe liên tục gặp lỗi, hỏng, thậm chí có chiếc xe không thể lắp hoàn thiện ngay khi nhận về từ hãng. Trong khi đó, đội ngũ chăm sóc khách hàng được cho là không có những phản hồi, giải quyết thỏa đáng.

Vậy hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) là gì và có an toàn với nhà đầu tư?

Gọi vốn cộng đồng là gì?

Theo Ngân hàng Thế giới, gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) là một cách thức tăng vốn cho các doanh nghiệp và các tổ chức thông qua các trang web dưới hình thức kêu gọi gây quỹ hoặc đầu tư từ cá nhân. Hình thức này kết nối người tài trợ cho một doanh nghiệp, một dự án với nhu cầu về vốn thông qua các nền tảng trực tuyến.

Có 3 yếu tố quan trọng tạo nên crowdfunding, đó lượng vốn nhỏ, huy động vốn từ nhiều cá nhân hoặc tổ chức và được dựa trên nền tảng công nghệ số.

Hình thức trên thu hút rất nhiều doanh nghiệp start up, đặc biệt là những công ty chưa có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn vốn, chưa có kinh nghiệm hay khả năng để gọi vốn từ nhà đầu tư hoặc ngân hàng.

Năm 2022, quy mô thị trường gọi vốn cộng đồng toàn cầu được định giá 1,25 tỷ USD và dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên mức 3,62 tỷ USD.

Gọi vốn cộng đồng hoạt động như thế nào?

Đa phần mô hình gọi vốn cộng đồng hiện nay đều có cách hoạt động giống nhau. Chủ dự án sẽ đăng dự án hoặc ý tưởng của mình lên trang web, sau đó kêu gọi nhà đầu tư cá nhân góp vốn. Các nhà đầu tư cá nhân nếu thấy dự án phù hợp với mình, có tiềm năng phát triển hoặc chỉ đơn giản là muốn ủng hộ sẽ lựa chọn gói ủng hộ khác nhau mà chủ dự án đưa ra.

Thông qua các nền tảng như lớn như Indiegogo, Kickstarter, GoFundMe, CircleUp... đội ngũ phát triển dự án sẽ tạo chiến dịch gây quỹ tập thể và người dùng có thể đầu tư các khoản tiền tùy vào khả năng.

Hình thức gọi vốn cộng đồng này đang khá phổ biến trên thế giới. Các start up, doanh nghiệp nhỏ có thể kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng nhằm mở rộng số lượng nhà đầu tư và giúp họ có thể hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Chủ dự án thường tặng cho người ủng hộ những món quà tri ân hoặc ưu đãi khi mua sản phẩm. Phần tiền ủng hộ thực chất có thể xem là tiền đặt mua sản phẩm trước khi chúng được phát hành và những khoản tiền đặt mua này sẽ thường thấp hơn giá thị trường.

Từ start up của Lê Diệp Kiều Trang, nhìn lại mô hình gọi vốn cộng đồng - Ảnh 3.

Các hình thức gọi vốn cộng đồng phổ biến hiện nay (Ảnh: Arora).

Nhà đầu tư cũng có thể nắm giữ một phần vốn của công ty dưới hình thức cổ phần. Khi ấy nhà đầu tư sẽ nhận được khoản lợi nhuận tăng lên tương ứng với sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.

Còn đối với hình thức gọi vốn cho vay, nhà tài trợ có thể rót vốn cho dự án dưới dạng khoản vay (có hoặc không có lãi suất) dựa trên các nền tảng cho vay liên kết. Nhà đầu tư sau đó sẽ thu lại khoản tiền gốc và có thể kèm theo tiền lãi.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể gọi vốn theo hình thức quyên góp từ thiện, các dự án được tài trợ bằng cách quyên góp và chủ dự án không phải trả lợi ích cho người góp vốn. Người tham gia có thể được nhận một phần thưởng để tri ân cho sự đóng góp. Dự án được tài trợ chủ yếu phục vụ cho mục đích nhân đạo, xã hội, giáo dục, nghiên cứu y tế...

Lợi ích khi gọi vốn cộng đồng?

So với việc huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc vay ngân hàng, gọi vốn cộng đồng dễ dàng thực hiện và ít rủi ro hơn vì hình thức này cho phép một số lượng lớn các nhà đầu tư tham gia, mỗi người chỉ bỏ ra một số tiền nhỏ.

Mỗi nền tảng gọi vốn cộng đồng sẽ có quy định riêng về mức phí mà start up phải trả khi tham gia gọi vốn. Mức phí này sẽ khoảng 5% tổng số tiền huy động thành công, bên cạnh các phí giao dịch thanh toán khác. Nếu không đạt được số tiền đưa ra ban đầu thì chủ dự án không mất phí.

Toàn bộ số tiền được ủng hộ sẽ chuyển về nền tảng gọi vốn và khi gây quỹ thành công, số tiền sẽ được chuyển cho chủ dự án để thực hiện. Trong trường hợp gọi vốn không thành công, số tiền ủng hộ sẽ được chuyển trả lại cho nhà đầu tư cá nhân.

Hình thức này không chỉ giúp người đi vay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn, dễ dàng hơn so với các sản phẩm cho vay truyền thống, mà còn mang lại cho nhà đầu tư mức lợi tức cao so với gửi tiết kiệm. Nhà đầu tư cũng được tự lựa chọn các dự án để tài trợ dựa trên thông tin các dự án cung cấp.

Từ start up của Lê Diệp Kiều Trang, nhìn lại mô hình gọi vốn cộng đồng - Ảnh 4.

Gọi vốn cộng đồng giúp người đi vay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn, dễ dàng hơn so với các sản phẩm cho vay truyền thống (Ảnh: Money Control).

Các nền tảng trực tuyến cũng được hoạt động liên tục, không phân biệt không gian, khoảng cách địa lý và cho phép quá trình góp vốn hay hoàn tiền diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn. Chính vì vậy, hình thức này mang lại sự tiện lợi cho cả nhà đầu tư và người gọi vốn.

Đây cũng là cơ hội tốt để các start up có thể khảo sát và nghiên cứu thị trường. Cộng đồng crowdfunding sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá được nhu cầu cho sản phẩm và dịch vụ công ty định cung cấp. Nếu ý tưởng hay nhưng không được sự cộng đồng đón nhận thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường không có nhu cầu về sản phẩm hay dịch vụ này và ngược lại.

Bên cạnh đó, chính những người tham gia góp vốn có thể sẽ trở thành khách hàng tiềm năng trong tương lai. Bởi khi người tham gia sẵn sàng bỏ tiền đầu tư nghĩa là họ đã có niềm tin nhất định vào dự án mà công ty đang thực hiện.

Có phải cứ gọi vốn cộng đồng là sẽ thành công?

Tuy nhiên, không phải dự án nào gọi vốn xong cũng thực hiện thành công. Indiegogo nhiều lần nhấn mạnh gọi vốn cộng đồng là hình thức đầu tư có rủi ro. Nền tảng lưu ý tất cả khoản tài trợ mang tính chất tự nguyện, theo quyết định cá nhân và khả năng chấp nhận rủi ro của nhà tài trợ.

Trước khi quyết định rót vốn, các quỹ đầu tư thường thẩm định chi tiết và kỹ lưỡng về start up. Quá trình thẩm định này có thể kéo dài đến vài tháng. Tuy nhiên, những nhà đầu tư theo hình thức gọi vốn cộng đồng không có nhiều cơ hội và kinh nghiệm để đánh giá về dự án, nên có thể rót vốn vào những start up lừa đảo.

Từ start up của Lê Diệp Kiều Trang, nhìn lại mô hình gọi vốn cộng đồng - Ảnh 5.

Gọi vốn cộng đồng cũng tồn tại nhiều có nhiều rủi ro cho nhà đầu tư (Ảnh: Shopify).

Mức độ rủi ro mất vốn của hình thức tài trợ này sẽ cao hơn nhiều so với quy trình chặt chẽ của ngân hàng bởi các nhà tài trợ không nắm giữ bất kỳ tài sản nào của người gọi vốn.

Hiện nay, các nền tảng gọi vốn cộng đồng đã đưa ra những quy định chặt chẽ để bảo vệ nhà đầu tư, thậm chí hoàn tiền nếu các chủ dự án lừa đảo. Tuy nhiên, ngay cả khi những chủ dự án hoàn toàn trung thực, ý tưởng hay vẫn không đảm bảo sản phẩm của start up có thể thành công như mong đợi.

Không chỉ vậy, hình thức này cũng mang lại rủi ro cho những người những người gọi vốn bởi khi công khai dự án ý tưởng sáng tạo sẽ rất dễ bị sao chép. Thậm chí, những sản phẩm tương tự có thể ra đời trước khi doanh nghiệp hoàn thành việc gọi vốn.

Theo Dân trí

Phương Liên
Đoạn kết buồn của những startup Việt triệu USD

Đoạn kết buồn của những startup Việt triệu USD

Trước dự án xe đạp in 3D bằng carbon Superstrata, nhiều startup do người Việt sáng lập đã nói lời chia tay thị trường dù nhận được nhiều kỳ vọng cũng như nguồn vốn khổng lồ.