Trồng hoa địa lan giúp đồng bào người Mông Lào Cai vươn lên thoát nghèo

Mùa Xuân Thứ hai, ngày 27/03/2023 14:44 PM (GMT+7)
Với khí hậu lạnh đặc trưng, xung quanh được bao bọc bởi rừng già, đồng bào Mông thôn Sín Chải, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã lấy giống cây địa lan từ rừng về trồng để nâng cao thu nhập.
Bình luận 0


Clip: Địa lan của người dân xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Địa lan được đồng bào Mông mang từ rừng về trồng

Từ năm 2005, địa lan rừng đã được người dân thôn Sín Chải, xã Hoàng Liên đưa về trồng. Ban đầu, người dân mang giống địa lan từ rừng về trồng bằng những mầm nhỏ, nhưng với kinh nghiệm vốn có của mình, người Mông trong thôn đã trồng chăm sóc và nhân giống lên với số lượng địa lan ngày càng nhiều.

Trồng hoa địa lan giúp đồng bào người Mông Lào Cai vươn lên thoát nghèo - Ảnh 1.

Người dân thôn Sín Chải, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai chăm sóc vườn địa lan. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo người dân ở thôn Sín Chải, việc trồng và chăm sóc cây địa lan đơn giản và không cầu kỳ, không mất nhiều công sức. Tuy nhiên, để cây địa lan sinh trưởng và phát triển tốt phải thường xuyên tưới nước, giữ ẩm cho cây, trộn đất với phân gà và phân trâu ủ mục để bón lót. Khi cây phát triển tốt, bón thêm một lượng nhỏ phân vi sinh. 

Bên cạnh đó, người trồng địa lan phải hiểu được đặc tính của cây để chăm sóc thì cây sẽ sinh trưởng tốt đẻ nhiều nhánh, ra nhiều hoa, bông hoa sẽ dài và to với sắc màu tươi mới. Với cách làm như vậy, sẽ mất thời gian khoảng 3 năm chăm bón mới có những chậu địa lan đẹp bán cho thương lái.

Việc học hỏi các kinh nghiệm trồng hoa địa lan cũng được Hội nông dân xã Hoàng Liên cùng chú trọng như đi học hỏi kinh nghiệm trồng lan tại xã Tả Phìn, mua sách hướng dẫn trồng địa lan về tự nghiên cứu hay những gia đình trồng nhiều địa lan sẽ hướng dẫn cho những gia đình mới trồng hoặc trồng ít.

Trồng hoa địa lan giúp đồng bào người Mông Lào Cai vươn lên thoát nghèo - Ảnh 2.

Nhờ trồng địa lan mà nhiều hộ dân ở thôn Sín Chải, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Vàng A Dung, Trưởng thôn Sín Chải, xã Hoàng Liên, cho biết: Thôn hiện có 95 hộ dân, 100% dân tộc Mông sinh sống. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ các chương trình dự án phát triển sản xuất, cuộc sống của bà con đã có nhiều đổi thay. Nhất là hiện nay đã có một nửa số hộ dân trong thôn chuyển sang trồng hoa địa lan. 

Bước đầu hoa địa lan đã đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, giúp người dân dần dần thay đổi cách nghĩ không chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa mà phát triển các cây trồng khác đem lại thu nhập cao hơn. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm xuống còn 40% (theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều).

Từ những nhánh lan ban đầu mang từ rừng về đến nay, toàn thôn đã có khoảng 3.500 chậu địa lan. Nhiều gia đình trồng với số lượng lớn như gia đình anh Vàng A Dủng, Vàng A Giàng... 

Địa lan giúp đồng bào Mông nâng cao thu nhập

Tùy theo từng chậu mà có giá khác nhau, chậu nào nhiều bông, bông dài và to giá sẽ cao hơn. Chậu to có giá từ 5-6 triệu đồng, còn thông thường giá dao động từ 2-4 triệu đồng. Từ tiền bán lan, các gia đình đã đầu tư vào mua sắm vật tư nông nghiệp phục vụ cho lao động sản xuất, xây được nhà mới, mua phương tiện đi lại mới…

Anh Vàng A Dủng, là một trong những hộ trồng nhiều địa lan ở thôn Sín Chải, hiện gia đình anh có gần 300 chậu địa lan, anh Dủng chia sẻ: Năm 2005, tôi lấy giống địa lan này là ở trên rừng về trồng, qua một thời gian trồng tôi thấy giống địa lan này phù hợp và phát triển tốt. Năm 2022, gia đình tôi bán được 50 chậu địa lan, thu về hơn 100 triệu đồng. 

Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm nhưng sau khi trồng cây địa lan đã giúp gia đình tôi có thêm thu nhập ổn định hơn, vươn lên thoát nghèo. Từ đó, gia đình tôi có thêm điều kiện mua xe, dựng lại nhà mới khang trang và chăm lo con cái học hành chu đáo.

Trồng hoa địa lan giúp đồng bào người Mông Lào Cai vươn lên thoát nghèo - Ảnh 3.

Hiện nay, thôn Sín Chải, xã Hoàng Liên có khoảng 3.500 chậu địa lan. Ảnh: Mùa Xuân.

Cây địa lan đã và đang trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế được cấp ủy, chính quyền và nhân dân thôn Sín Chải kỳ vọng giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Ông Thào A Tung, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa cho biết: Cây địa lan tại xã Hoàng Liên được bà con nhân dân lấy giống từ trên rừng thuộc Vườn Quốc Gia Hoàng Liên về trồng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong năm 2022, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ hơn 1.400 gốc giống địa lan cho 59 hộ của 3 thôn Sín Chải, Ý Lình Hồ 2, Lao Chải San I trồng, hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Thời gian tới, xã sẽ đề xuất đối với phòng Kinh tế thị xã Sa Pa triển khai dự án hỗ trợ trồng địa lan trong giai đoạn 2021 – 2025, khoảng gần 2.500 chậu để cho nhân dân phát triển kinh tế. 

Trồng hoa địa lan giúp đồng bào người Mông Lào Cai vươn lên thoát nghèo - Ảnh 4.

Hoa địa lan thường nở vào đúng dịp Tết nguyên đán hàng năm nên được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Mùa Xuân.

Nằm trên đỉnh núi thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, cuộc sống của người dân thôn Sín Chải nơi có 100% người dân tộc Mông sinh sống nay đã dần đổi thay nhờ có cây hoa địa lan. Với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân trong thôn, tin rằng cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây sẽ ngày càng ấm no, hạnh phúc từ những cây hoa địa lan đẹp say đắm lòng người.

"Xã Hoàng Liên, có 8 thôn, với 1.000 hộ dân, với hơn 6.000 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm 98%. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển sang trồng địa lan, đời sống của người dân trong xã đã từng bước được nâng lên. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 52%, thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/người/năm". Ông Thào A Tung, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa chia sẻ thêm.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem