dd/mm/yyyy

Trên đất lúa bị nhiễm mặn, nông dân Tiền Giang trồng thứ cây thơm lừng, thu lợi nhuận cao

Nông dân huyện Tân Phú Đông đã chuyển trên 2.300ha đất trồng lúa bị nhiễm mặn sang trồng chuyên canh sả, thu hoạch trên 13.000 tấn sả thương phẩm trong nửa đầu năm, thu lợi nhuận cao.
Trên đất lúa bị nhiễm mặn, nông dân Tiền Giang trồng thứ cây thơm lừng, thu lợi nhuận cao - Ảnh 1.

Sả thương phẩm Tân Phú Đông. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang)

Huyện Tân Phú Đông ở tỉnh Tiền Giang, đặc thù là huyện cù lao nhiễm mặn tiếp giáp biển Đông, điều kiện thiên nhiên khắt nghiệt.

Mỗi năm, địa phương có từ 4-6 tháng bị nhiễm mặn. Trước đây, trồng lúa mỗi năm 1 vụ nhưng năng suất bấp bênh, những năm thiên tai coi như mất trắng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất trên đất nhiễm mặn, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, trong 6 tháng đầu năm nay, Tân Phú Đông đã chuyển trên 2.300ha đất trồng lúa một vụ năng suất bấp bênh sang trồng chuyên canh sả, đạt gần 89% chỉ tiêu cả năm.

Trong năm 2023, Tân Phú Đông có kế hoạch trồng 3.700ha sả, hình thành vùng chuyên canh sả lớn nhất tỉnh Tiền Giang với sản lượng thu hoạch đạt trên 60.000 tấn sả thương phẩm cung ứng thị trường.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải, trong 6 tháng đầu năm nay, nông dân địa phương đã thu hoạch trên 800ha sả, sản lượng đạt trên 13.000 tấn sả thương phẩm, tăng hơn cùng kỳ năm trước gần 2.000 tấn sản phẩm.

Đặc biệt, sả thương phẩm giữ ở mức cao, thương lái thu mua bình quân từ 6.000-6.500 đồng/kg tùy theo thời điểm. Với giá này, mỗi ha sả đạt giá trị sản lượng trên 100 triệu đồng, trừ chi phí, nông dân còn lãi ròng khoảng 60 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa một vụ năng suất bấp bênh trước đây nên ai cũng phấn khởi.

Ưu điểm cây sả là thích nghi với môi trường thổ nhưỡng vùng đất cù lao nhiễm mặn, chịu được hạn hán, dễ trồng, cho năng suất cao, chi phí thấp trong khi lợi nhuận cao. Hơn nữa, sả vừa là cây gia vị vừa là cây dược liệu, có thể chế biến được nhiều sản phẩm đắc dụng cho sức khỏe, đầu ra thuận lợi.

Ông Lê Hồng Đáng, cư ngụ tại xã ven biển Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, chuyển 10.000m2 đất trồng lúa một vụ sang trồng sả chuyên canh theo khuyến khích của chính quyền địa phương, cho biết sả trồng sau 5 tháng có thể cho thu hoạch vụ đầu tiên.

Nhờ giỏi thâm canh, hàng năm, ông Lê Hồng Đáng thu hoạch đạt sản lượng 30 tấn sả, bán thu được 180 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hàng trăm triệu đồng. Từ khi chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo dựng cơ nghiệp bền vững, nhiều năm liền, ông Lê Hồng Đáng được bình chọn nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện cù lao nhiễm mặn Tân Phú Đông.

Để giúp nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sả chuyên canh thành công, mang lại hiệu quả kinh tế, hàng năm, ngành nông nghiệp huyện chủ động phối hợp với các xã vùng chuyên canh như Phú Thạnh, Phú Đông… quy hoạch vùng trồng gắn với hướng dẫn nông dân trồng sả theo vùng quy hoạch, đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ trong thâm canh, áp dụng tiêu chí VietGAP vào trồng sả nhằm nâng chất lượng nông sản hàng hóa, tạo sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc và có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Trên đất lúa bị nhiễm mặn, nông dân Tiền Giang trồng thứ cây thơm lừng, thu lợi nhuận cao - Ảnh 2.

Cây sả giúp bà con nông dân huyện Tân Phú Đông nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. (Nguồn: Truyền hình Tiền Giang)


Mặt khác, phát triển kinh tế hợp tác trên lĩnh vực trồng sả, gắn với liên kết tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, nông dân an tâm mở rộng vùng chuyên canh mang lại hiệu quả cao.

Tân Phú Đông hiện thành lập được một hợp tác xã chuyên canh sả, 3 Tổ hợp tác trồng sả ở các xã trọng điểm là Phú Thạnh và Phú Đông cùng với hàng trăm cơ sở thu mua sả lớn nhỏ đảm nhận thu mua sả thương phẩm đưa đi tiêu thụ khắp các nơi trong ngoài tỉnh.

Mạng lưới hợp tác xã và tổ hợp tác trên lĩnh vực trồng sả còn phát huy tốt vai trò kinh tế tập thể, tích cực góp phần cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cũng như đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho vùng chuyên canh.

Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang cùng các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, Tân Phú Đông đã xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Sả Tân Phú Đông" thành công. Kết quả, tháng 4/2019 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Sả Tân Phú Đông" cho Hội Làm vườn huyện Tân Phú Đông.

Đây là bước đi cần thiết khẳng định vị thế, sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, giúp phát triển bền vững vùng trồng sả trọng điểm tại tỉnh Tiền Giang, giúp nhân dân cù lao nhiễm mặn hạ lưu sông Tiền giảm nghèo bền vững và phấn đấu cho mục tiêu xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào năm 2025./.


Minh Trí (TTXVN/Vietnam+)