dd/mm/yyyy

Thủ phủ “bàn tay Phật” giữa Thủ đô

Mới hơn 10 năm xuất hiện ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội), cây phật thủ với quả có hình bàn tay Phật đã và đang làm thay đổi nhanh chóng cuộc sống của người dân nơi đây. Nhờ trồng phật thủ, hàng trăm hộ dân nghèo đã trở thành tỷ phú.

Những ngày cuối năm, tại thủ phủ “bàn tay Phật” lớn nhất cả nước, bà con luôn tất bật thu hái phật thủ bán cho thương lái, trên khuôn mặt ai cũng rạng rỡ. “Năm nay thời tiết thuận, phật thủ cho nhiều quả to, đều đẹp lại bán được giá khá cao, trung bình 50.000 – 70.000 đồng/quả, thậm chí có quả đặc biệt giá lên tới 1 triệu đồng, nên bà con rất phấn khởi” – tỷ phú 43 tuổi Tạ Đăng Hòa chia sẻ. Được biết, anh Hòa là một trong những người đầu tiên đưa loại cây đặc biệt này về trồng và đến nay gia đình anh đang sở hữu vườn phật thủ gần 3 mẫu, doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.

Tỷ phú “bàn tay Phật” Tạ Đăng Hòa kiểm tra chất lượng phật thủ trước khi xuất bán.

Ngoài việc trồng “phật thỏi”, anh Hòa còn là tay buôn phật thủ chuyên nghiệp ở Đắc Sở. Anh cho biết: “Toàn xã có khoảng 500 hộ trồng phật thủ, gồm cả các hộ ở xã Yên Sở lên thuê đất trồng, thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng/năm, trong đó có hàng chục hộ thu tới tiền tỷ”. Hiện, đầu ra chính của phật thủ vẫn là Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc. Đáng mừng mấy năm gần đây, phật thủ bắt đầu được khách miền Nam biết đến và mua nhiều, do vậy đầu ra cho mặt hàng này luôn rộng mở. Tuy nhiên, cũng theo anh Hòa, mấy năm gần đây, do người dân tự phát trồng phật thủ ồ ạt nên đã dẫn đến nhiều hệ lụy như sâu bệnh gia tăng nhanh chóng, khiến không ít hộ bị thiệt hại nặng.

 Các giàn phật thủ sai trĩu quả ở Đắc Sở phần lớn đều đã được đặt mua.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắc Sở cho biết: “Năm 2010, toàn xã mới chỉ có 20ha phật thủ, đến nay đã phát triển lên 200ha, với gần 80% hộ dân trong xã tham gia trồng. Xã cũng đã làm hồ sơ đăng ký công nhận thương hiệu “Phật thủ Đắc Sở”. Đồng thời thành lập Hội sản xuất kinh doanh phật thủ để bà con có điều kiện giúp đỡ lẫn nhau, cũng như tham gia các hội chợ nhằm giới thiệu và quảng bá phật thủ Đắc Sở”.

Trồng phật thủ bon sai đang là hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Đắc Sở.
“Vì chu kỳ sản xuất chỉ 5 năm, nên hiện nay quỹ đất trồng phật thủ trong xã đã hết, bà con phải đi thuê hơn 100ha đất vùng bãi của xã Yên Sở, Tiền Yên (Hoài Đức), Sài Sơn (Quốc Oai) và các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ để trồng loại cây này” - ông Đính nói thêm.

Chị Nguyễn Thị Phượng (33 tuổi) đang thu hái phật thủ bán cho thương lái.

Các luống phật thủ dài tăm tắp, sai trĩu quả.

Anh Lê Văn Thắng đang tích cực phun thuốc trừ sâu đợt cuối cho vườn phật thủ của gia đình để đảm bảo quả to đều, màu sắc đẹp.

Chùm hoa phật thủ hiếm hoi xen lẫn với quả đẹp tinh khôi.

Trần Quang