Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 12:09 PM (GMT+7)

Thị trường bất động sản sắp đón dòng tiền rời ngân hàng?

2023-12-09 17:08:00

Thị trường nhà đất hy vọng vốn nhàn rỗi ở các tài khoản tiết kiệm sẽ rời khỏi nhà băng để hướng về nơi ấy vì lãi suất tiền gửi đang thấp nhất trong nhiều năm nay.

Trên thực tế, khi lãi suất tăng cao, người dân thường có xu hướng gom tiền gửi vào ngân hàng để đảm bảo an toàn, nhưng mỗi khi lãi suất xuống thấp, đa số lại tính đến chuyện rút tiền để đầu tư vào những kênh có khả năng sinh lời cao, trong đó lựa chọn hàng đầu thường là nhà đất.

Tiền rẻ sắp “chảy” vào thị trường bất động sản? - Ảnh 1.

Dòng tiền lãi suất thấp được dự báo sẽ chảy vào thị trường BĐS thời gian tới. Ảnh: Quốc Hải.

Lãi suất tiền gửi bình quân chỉ còn khoảng 5%

Theo ghi nhận của Dân Việt, hiện lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng đã xuống mức rất thấp. Chẳng hạn, ở nhóm Big4, lãi suất tiền gửi thấp nhất kỳ hạn từ 12 tháng tại Vietcombank chỉ còn 4,8%/năm. BIDV, VietinBank, Agribank cũng chỉ áp dụng mức lãi suất 5,3%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Ở nhóm NHTM tư nhân, Techcombank công bố lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lãi suất là 4,85%/năm. Nhiều ngân hàng khác, lãi suất huy động cao nhất cũng từ 4,6 - 5,7%/năm. Đơn cử: HDBank 5,7%/năm; Nam A Bank 5,5%/năm; Eximbank, SHB, SeABank, TPBank cùng 5,4%/năm; OCB, LPBank, VPBank, BIDV, VietinBank cùng 5,3%/năm…

Nếu gửi kỳ hạn dài hơn từ 18 tháng trở lên, một số ngân hàng đang huy động lãi suất trên 6%/năm, như: HDBank 6,5%/năm, MSB 6,2%/năm, Vietbank 6,2%/năm, VietABank 6,1%/năm, Kienlongbank 6%/năm, NCB 6%/năm…

Thống kê của Công ty chứng khoán VNDIRECT, đến ngày 23/11, bình quân lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở các ngân hàng đã xuống 5,14%/năm, giảm khoảng 2,7 điểm % so với cuối năm 2022.

Tiền rẻ sắp “chảy” vào thị trường bất động sản? - Ảnh 2.

Người dân có xu hướng rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào chứng khoán, bất động sản. Ảnh: Quốc Hải

Trước xu hướng lãi suất xuống thấp, không ít nhà đầu tư bất động sản quyết định rút vốn khỏi nhà băng để chuyển đến bất động sản.

Anh Nguyễn Hưng (quận 10, TP.HCM), cho biết ngày 20/12 tới, sổ tiết kiệm 2,5 tỷ đồng của anh đến kỳ đáo hạn, lãi suất còn 5,5%/năm ở kỳ hạn 12 tháng, nên anh đang tìm cơ hội từ nhà đất.

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, lãi suất vay ngân hàng cho các khoản vay hiện hữu đã giảm từ 1-3% so với thời điểm đầu năm.

Cụ thể, ở thời điểm hiện tại, lãi suất ưu đãi khi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng dao động từ 6% - 10%/năm, áp dụng ở kỳ hạn vay ngắn từ 3-6 tháng, hết thời gian ưu đãi, lãi suất rơi vào khoảng 10,5% - 13%/năm.

"Hơn 2 tuần nay, tôi rảo quanh các khu vực ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn đi săn đất ngộp tầm giá khoảng 2,5-3 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa tìm được sản phẩm tốt. Trong tuần này và tuần tới nếu tôi tìm được sản phẩm tốt sẽ xuống tiền chứ không gửi ngân hàng nữa", anh Hưng nói và tin tưởng rằng thời gian qua, Chính phủ và TP.HCM cũng quyết liệt triển khai các giải pháp gỡ khó, cùng với vốn vay cho bất động sản cũng giảm nhiều nên khả năng thị trường sẽ sớm hồi phục.

Không chỉ những nhà đầu tư sẵn dòng tiền nhàn rỗi, một số nhà đầu tư khác cũng cho biết sẵn sàng sử dụng "đòn bẩy tài chính" nếu lãi suất ngân hàng tiếp tục hạ nhiệt.

Chẳng hạn, từ đầu tháng 11 đến nay, anh Minh Thành (Gò Vấp) tìm kiếm các sản phẩm đất nền tại nhiều khu vực ngoại thành như Hóc Môn, quận 12. Mục tiêu của anh là các lô đất có vị trí tốt, pháp lý rõ ràng với mức giá từ 3 - 4 tỷ đồng.

"Theo quan sát từ thực tế, tôi thấy thời điểm này khá nhiều nhà đầu tư đang đổ xô đi săn đất nền. Chưa kể, hiện tại mặt bằng lãi suất đang khá thấp cũng kỳ vọng tạo ra đợt 'sóng' mới cho thị trường, tôi dự đoán là khoảng cuối quý I/2024", anh Thành nói.

Dòng tiền có thực chuyển hướng vào bất động sản?

Thời điểm này, mặc dù mặt bằng lãi suất đang rất thấp, thậm chí được đánh giá là đã về "đáy", nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về việc tiền sẽ "chảy" mạnh vào thị trường bất động sản.

Chuyên gia tài chính Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định việc lãi suất thấp như hiện nay thì chắc chắn có một phần dòng tiền dịch chuyển ra khỏi kênh tiền gửi và "chảy" vào một số kênh như bất động sản, chứng khoán, kể cả một chút về vàng và ngoại hối. Đây đều là những kênh đầu tư truyền thống của các nhà đầu tư.

"Khi mức lãi suất không còn mức hấp dẫn nữa, trung bình cho một năm chỉ còn khoảng 5% thì việc dịch chuyển tất yếu sẽ xảy ra. Tất nhiên, vẫn có nhà đầu tư lựa chọn gửi tiết kiệm, nhưng đa phần đây là thuộc trường phái thận trọng, ăn chắc mặc bền. Còn lại, rất rất nhiều nhà đầu tư có tính chất năng động hơn, muốn tìm kiếm một lợi suất tốt hơn thì sẽ dịch chuyển dòng tiền khỏi các nhà băng. Khi đó thì chứng khoán và bất động sản sẽ là những kênh thu hút dòng tiền mới đến từ việc nhà đầu tư rút ra từ ngân hàng", ông Phương nói.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số chuyên gia cho rằng thời kỳ "tiền rẻ" cho bất động sản đã qua, bởi các ưu đãi lãi suất thấp hiện chỉ kéo dài 3-6 tháng, dài nhất cũng chỉ 12 tháng. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư vay tiền mua nhà đất chờ tăng giá chưa cảm thấy hấp dẫn. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đánh giá những thông tin về lãi suất nhà băng đang giảm mạnh phần nào đó thổi thêm hơi ấm vào thị trường bất động sản, giúp tâm lý của nhà đầu tư gỡ được nhiều gánh nặng.

"Tuy nhiên, để tháo gỡ tâm lý chờ của nhà đầu tư và khách hàng, qua đó kích thích dòng tiền đáo hạn nhà băng chảy vào nhà đất, thì điều quan trọng nhất lúc này là đẩy nhanh quá trình gỡ vướng về pháp lý và tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn cung trên thị trường", ông Châu nói.

Đặc biệt, Chủ tịch HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hướng dẫn các ngân hàng thương mại về cách hiểu và có thể vận dụng, "nới một chút" các "điều kiện vay vốn", để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại, người mua nhà, nhà đầu tư được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn trong tình hình thị trường bất động sản vẫn còn đang rất khó khăn hiện nay.

Hải Quốc
Tăng tốc gỡ vướng pháp lý cho nhiều dự án bất động sản TP.HCM giai đoạn cuối năm

Tăng tốc gỡ vướng pháp lý cho nhiều dự án bất động sản TP.HCM giai đoạn cuối năm

Thị trường bất động sản TP.HCM bắt đầu có tín hiệu khởi sắc khi một số dự án đã dần được khơi thông vấn đề pháp lý. Theo đó, để cải thiện bức tranh thị trường, Tổ công tác của TP.HCM đã giải quyết các vướng mắc cho 17 dự án đầu tư bất động sản.