Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 02:10 AM (GMT+7)
Tăng giá điện khi chi phí tăng 1%: Chuyên gia cảnh báo rối loạn thị trường
2022-09-27 14:16:00
Nhiều dấu hỏi được đặt ra xung quanh đề xuất cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền tự tăng giá điện khi chi phí đầu vào biến động làm tăng giá bán lẻ bình quân từ 1%.
Tần suất điều chỉnh giá điện 1% có thể gây rối loạn thị trường
Cụ thể, Bộ Công Thương vừa đưa ra lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, thay thế Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất cho EVN được quyền tăng giá điện bán lẻ khi chi phí đầu vào biến động làm giá bán lẻ bình quân tăng từ 1% đến 5%.
Dự thảo này hạ điều kiện, cơ sở so với quy định cũ khi EVN chỉ được quyền tự tăng giá điện khi chi phí đầu vào biến động, làm giá bán lẻ bình quân tăng từ 3-5%. Các chi phí biến động, làm giá bán lẻ bình quân tăng từ 1-3%, EVN không được quyền tăng giá.
Tại dự thảo được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, khi chi phí đầu vào biến động tăng từ 1-3%, độ mở rộng hơn, có lợi cho EVN. EVN cũng sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để các cơ quan này tổ chức kiểm tra, giám sát.
Theo giới chuyên gia, việc xác định chi phí đầu vào biến động tăng 1% rất nhạy cảm vì dung sai nhỏ, nên nếu tăng 1% chi phí đầu vào đã cho răng 1% giá điện sẽ khiến tần suất tăng giá điện nhiều sẽ tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, hộ sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh. Gây bất ổn đời sống kinh tế, xã hội của người dân.
Trao đổi với báo giới, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng: Về nguyên tắc nếu cho phép biên độ điều chỉnh hẹp lại, từ 5% xuống 1%, có nghĩa là tần suất điều chỉnh giá điện tăng lên.
Ông Long cho hay: "Vấn đề có 2 mặt, giá điện sẽ bám sát thị trường, doanh nghiệp cân bằng giữa chi phí và doanh thu. Tuy nhiên, biên độ điều chỉnh nhiều quá sẽ ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp, người dân, biến động giá cả trên thị trường".
Ông Long cho rằng nên áp dụng thử một thời gian, sau đó đánh giá xem số lần điều chỉnh có quá nhiều thường xuyên hay không, nếu cơ chế kia áp dụng, điều chỉnh chu kỳ trên 6 tháng/lần thì có thể áp dụng. Còn nếu điều chỉnh thường xuyên quá, sẽ ảnh hưởng lớn tới người dân và doanh nghiệp.
Thực tế, giá điện từ tháng 3/2019 đến nay chưa tăng, chính vì vậy áp lực giá bán lẻ/ giá thành sản xuất, chi phí đầu vào đối với EVN và các nhà sản xuất điện khác khá lớn. Theo báo cáo tài chính 6 tháng 2022 của EVN, tập đoàn này đã có số lỗ gần 16.600 tỷ đồng, được thuyết minh là do chi phí nguyên liệu (trong đó chủ yếu là than) tăng cao, khiến EVN lỗ khủng.
Đây cũng chính là nguyên nhân mà cơ quan chức năng đưa ra đề xuất tăng giá điện nhằm đảm bảo an toàn tài chính, hoạt động của EVN.
Theo ông Long, để thị trường điện mang tính thị trường nên tuân thủ quy luật thị trường, không nên gìm giá điện lâu quá, đến khi chênh lệch giá điện với thị trường quá lớn thì phải điều chỉnh biên độ lớn, không đáp ứng được nhu cầu linh hoạt thị trường.
Tuy nhiên, ông này cho rằng: Căn cứ tăng giảm và cơ chế điều chỉnh như nào cũng cần cân nhắc để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho đời sống và người dân.
Chủ tịch Hội điện lực cho rằng "cần duy trì cơ quan kiểm toán xem yếu tố nào dẫn tới tăng hoặc giảm giá điện", ông Long nói.
Ông này cho rằng, quản lý Nhà nước có công cụ rõ ràng, nếu luận chứng cho thấy giá điện giảm, họ có quyền can thiệp để EVN giảm giá điện.
Chuyên gia Long phân tích: Thời gian qua yếu tố giảm không thắng được yếu tố tăng. Vì vậy cần kiểm toán làm rõ vì sao các yếu tố đầu vào giảm, nhưng giá điện không giảm.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, giá điện từ lâu rồi nói mãi về câu chuyện thiếu công khai, minh bạch, không rõ ràng. Giá điện vẫn do Nhà nước quản lý, nếu theo thị trường có cạnh tranh, bình đẳng thì việc điều chỉnh giá là bình thường theo thị trường.
Ông Thịnh cho rằng ngành điện độc quyền, EVN được tự điều chỉnh khi thông số đầu vào thay đổi 1% là yếu tố cần cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định.
GS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Nếu EVN nói giá đầu vào tăng bao nhiêu thì chúng ta cũng biết vậy? Không thể biết họ nhập ở đâu, giá đầu vào ra sao và giá so sánh, cạnh tranh ra sao?
"Giá than phối trộn để sử dụng cho các nhà máy điện có nhiều loại, trong nước có, nhập có… Vậy bóc tách chi phí thế nào? Giá so sánh mặt hàng than đó với giá đối tác khác nhập về cho tổ máy phát điện của doanh nghiệp khu đại công nghiệp (Formosa) có được đưa ra đối chiếu, so sánh không. Các dự án điện sử dụng công nghệ cũ, tiêu tốn nhiên liệu, hiểu quả kém, tăng chi phí đầu vào, khấu hao… có được xem là căn cứ tính chi phí đầu vào… Rất nhiều câu hỏi, thắc mắc của người dân", ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, vấn đề ngành điện hiện nay là độc quyền, cạnh tranh và hiệu quả. Phá thế độc quyền Nhà nước có quyết định cổ phần hoá, nhưng đến nay vẫn khó khăn, vướng mắc.
Vấn đề lỗ của EVN cần được làm rõ, không chỉ đổ cho phí phí đầu vào bởi hiện nay EVN vừa là tập đoàn truyền tải điện, vừa là nhà sản xuất điện. Họ có mua, truyền tải điện của thuỷ điện, điện tái tạo. Phải làm rõ vấn đề giá đầu vào tổng thể các loại điện nói chung để căn cứ xác định tăng giá điện.
EVN lỗ hơn 16.500 tỷ đồng do đâu, giá điện bán lẻ có tăng?
19/09/2022 12:36Trung Nam kêu cứu lên Chính phủ vì bị dừng mua điện đột ngột: EVN nói gì?
20/09/2022 14:46Bộ Công Thương: EVN được tự điều chỉnh tăng giá điện 1%
24/09/2022 11:39