Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 01:50 AM (GMT+7)

Bình Phước: Sốt ruột chờ cấp mã số xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

2022-05-04 17:23:00

Sầu riêng đang bước vào chính vụ nhưng mã số để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vẫn chưa được cấp. Doanh nghiệp lẫn nông dân đang sốt ruột vì nỗi lo tiếp tục bán sầu riêng trôi nổi trên thị trường tự do.

Sốt ruột chờ xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

Sầu riêng là loại cây trồng mới, đang phát triển nhanh ở Bình Phước. Tỉnh Bình Phước nằm ở vị trí thuận lợi, ngay trung tâm vùng nguyên liệu sầu riêng cả khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Đó là những lý do mà năm 2021, Công ty TNHH Minh Hàng chọn xã Đức Liễu (huyện Bù Đăng) để đặt nhà máy cấp đông sầu riêng.

Năm 2021, công ty đã xuất khẩu hơn 4.000 tấn sầu riêng cấp đông, trong đó có xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đang gặp khó vì chính sách kiểm soát dịch Covid-19.

Từ đầu năm 2022, Hải quan Trung Quốc quy định hàng nông sản nhập khẩu chính ngạch vào nước này phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Một cơ sở cấp đông sầu riêng để xuất khẩu ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: Đông Kiểm

Một cơ sở cấp đông sầu riêng để xuất khẩu ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: Đông Kiểm

Ông Lưu Lý Hoàng – Giám đốc quản lý đầu vào của công ty Minh Hàng cho biết, để đáp ứng nhu cầu, công ty tiến hành đăng ký mã số nhằm công khai thông tin, chất lượng sản phẩm.

"Bỡi vì nếu có mã số đóng gói và mã số vùng trồng, việc xuất khẩu sẽ rất tiện lợi. Công ty sản xuất được bao nhiêu thì xuất khẩu bấy nhiêu", ông Hoàng nói.

Từ đầu năm 2022, Minh Hàng là một trong số ít những đơn vị được ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước lựa chọn để cấp mã số cơ sở đóng gói, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.

Thế nhưng đến nay, sầu riêng đã vào chính vụ thu hoạch nhưng mã số để công ty xuất khẩu sầu riêng vẫn chưa được cấp.

"Mã số vùng trồng và mã số đóng gói đang là niềm đau đáu của công ty", ông Hoàng cho biết.

Theo ông Hoàng kể, năm ngoái do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá sầu riêng ở những vùng chín muộn chỉ còn 20.000-25.000 đồng/kg. Thậm chí, có nơi rớt xuống còn 17.000 đồng/kg vẫn không có người mua.

So với giá bình quân đầu vụ khoảng 50.000-60.000 đồng/kg thì giá bán 17.000 đồng/kg đã khiến nhiều nông dân thua thiệt. Thế nhưng, công suất kho chứa của công ty chỉ giải quyết được một phần cho nông dân.

Nhận định sản lượng sầu riêng sẽ còn tăng cao trong các năm tiếp theo, công ty đã nâng công suất chế biến đóng gói lên 70 tấn cơm sầu riêng mỗi ngày, tương đương 140 tấn sầu riêng tươi. Công ty cũng đồng thời mở rộng thêm kho chứa.

Thế nhưng đến giờ, công ty Minh Hàng chưa được cấp mã số đóng gói và mã số vùng trồng nên chưa thể xuất khẩu được.

"Việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc sẽ khó khăn hơn rất nhiều", ông Hoàng nói.

Nông dân lo tiếp tục bán sầu riêng trôi nổi

Toàn tỉnh Bình Phước hiện có hơn 12.500ha cây ăn trái, trong đó cây sầu riêng khoảng 3.000ha. Nhờ điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi nên sầu riêng Bình Phước có chất lượng thơm ngon.

Sầu riêng Bình Phước đang vào vụ thu hoạch. Ảnh: Trần Khánh

Sầu riêng Bình Phước đang vào vụ thu hoạch. Ảnh: Trần Khánh

Sầu riêng Bình Phước cũng thường bán được giá cao hơn các nơi nhờ ưu thế chín sớm. Thế nhưng, năm nay, thời tiết bất lợi khiến vụ sầu riêng đến trễ hơn 1 tháng.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng ở xã Minh Hưng (huyện Bù Đăng) cho biết, nửa tháng trước, sầu riêng Bình Phước có giá trên dưới 100.000 đồng/kg do sản lượng ít.

Hiện nay, sầu riêng ở miền Tây đang chín rộ, sầu riêng miền Đông cũng bước vào vụ thu hoạch. Giá sầu riêng giảm xuống chỉ còn 70.000-80.000 đồng/kg.

Tuy giá sầu riêng vẫn đang ở mức cao nhưng càng vào vụ, giá càng giảm sâu. Và ông Hùng lại tiếp tục đối diện với nỗi lo giá bán bấp bênh vì thị trường tự do.

Ông Hùng lo lắng như vậy bởi đầu năm 2022, ông là 1 trong các hộ dân được đề nghị cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng.

Theo ông Hùng, để sầu riêng cho giá trị cao và bền vững thì phải xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, nhất là sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện để xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc là phải có mã số vùng trồng.

"Đến giờ, mã số vùng trồng vẫn chưa được cấp, người trồng sầu riêng đang sốt ruột", ông Hùng nói.

Ông Hùng hiện đang trồng 5ha sầu riêng VietGAP, là thành viên HTX cây ăn trái dịch vụ Long An - Minh Hưng.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng bên vườn sầu riêng gia đình. Ảnh: Trần Khánh

Ông Nguyễn Ngọc Hùng bên vườn sầu riêng gia đình. Ảnh: Trần Khánh

HTX cây ăn trái dịch vụ Long An - Minh Hưng có tổng diện tích 105ha, chủ yếu là cây sầu riêng. Từ năm 2020, HTX được cấp chứng nhận VietGAP.

Ông Lưu Hoàng Thạch – Giám đốc HTX Long An - Minh Hưng cho biết, sầu riêng là cây trồng cho giá trị kinh tế cao.

Ông Thạch cho rằng, mã số vùng trồng sẽ tạo động lực để nông dân sản xuất sạch, phục vụ xuất khẩu và đem lại giá bán ổn định hơn.

Từ đầu năm 2022, các thành viên HTX được Phòng nông nghiệp huyện Bù Đăng hỗ trợ thủ tục để được cấp mã số vùng trồng. Tuy nhiên, thủ tục đến nay vẫn chưa hoàn tất.

"Người trồng sầu riêng lo lắng sẽ không kịp xuất khẩu sầu riêng trong vụ này, mà phải tiếp tục bán ra thị trường tự do như năm ngoái", ông Thạch nói.

Trần Khánh