Thứ Hai, ngày 20/01/2025 12:48 AM (GMT+7)

Số hóa trong ngành ngân hàng để tăng độ minh bạch, phòng chống tham nhũng

2024-05-09 10:07:10

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số (số hóa) trong ngành ngân hàng đã giúp mang lại nhiều tiện ích cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao độ minh bạch của dòng tiền để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Số hóa trong ngành ngân hàng để tăng độ minh bạch, phòng chống tham nhũng- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những nội dung trên được Thủ tướng nêu bật trong sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 tại Hà Nội ngày 8/5.

Cùng tham dự sự kiện Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, đại diện các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước…

Thủ tướng chỉ rõ "5 đẩy mạnh"

Về nhiệm vụ, giải pháp chung trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra 5 nội dung phải đẩy mạnh.

Thứ nhất, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy phát triển, mở rộng, đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tuân thủ chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.

Hai là đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo nền tảng quan trọng cho phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, nền kinh tế số.

Kế tiếp là đẩy mạnh chuyển đổi số trong hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, nhằm tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, rửa tiền.

Đẩy mạnh phát triển nhân lực số ngành ngân hàng, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành ngân hàng. Đây là giải pháp thứ tư.

Thứ năm, phải đẩy mạnh an ninh, an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn bảo mật mới, bảo đảm thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và chi phí hợp lý.

Số hóa trong ngành ngân hàng để tăng độ minh bạch, phòng chống tham nhũng- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên trái) tham dự Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những kết quả nổi bật từ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số quốc gia ngành ngân hàng đã đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật, theo NHNN.

Thứ nhất, các dịch vụ không dùng tiền mặt đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước với số lượng người dùng, giá trị thanh toán ngày càng tăng.

Tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt 87%, vượt mục tiêu 80% vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng năm đạt hơn 50%; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên điện thoại di động đạt hơn 100%; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên kênh Internet đạt hơn 50%. Tỉ lệ khách hàng sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 49%. Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần GDP. Hạ tầng thanh toán được duy trì hoạt động liên tục, thông suốt và an toàn, hạn chế xảy ra sự cố, ách tắc.

Thứ hai, NHNN đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 và đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể là xác thực, định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử VneID. Ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong thanh toán (sinh trắc học khuôn mặt; thanh toán một chạm, bằng mã QR…); ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ thực tế ảo trong hoạt động cho vay, cấp tín dụng cho cá nhân, doanh nghiệp. Kết nối thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, viện phí, học phí, giao thông, xăng dầu, thuê xe, mua bán hàng hóa dịch vụ… gắn với hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế.

Thứ ba, đã tích cực triển khai cung cấp dịch vụ công ngành ngân hàng trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Đề án 06; trên 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng; đã có gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12,9 nghìn tỷ đồng. Triển khai 41/53 dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4. Tính riêng 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 hằng năm, đã tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm.

Một số tồn tại

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chuyển đổi số ngân hàng còn nhiều tồn tại, hạn chế. 

Thể chế, chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc, như Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung; Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt chưa được ban hành.

Hạ tầng số, nền tảng số còn chưa theo kịp nhu cầu thực tế (hạ tầng cho thương mại 5G, hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn...). 

Công tác bảo đảm an ninh an toàn, bảo mật thông tin còn nhiều thách thức, còn chưa ngăn chặn được các mã độc tống tiền đang ngày càng phổ biến (Quý I/2024 đã ghi nhận gần 2.400 cuộc tấn công mạng). Các doanh nghiệp tham gia phát triển các công nghệ mới (Fintech) còn hạn chế. Còn thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin.

Minh Thùy