Thứ Ba, ngày 21/01/2025 06:24 AM (GMT+7)

Phó Thống đốc NHNN: Thanh toán không tiền mặt phải an toàn nhưng thuận lợi

2024-05-24 11:03:08

Ngân hàng Nhà nước khuyến khích phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhưng phải bảo đảm an toàn và phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Tại Hội thảo "Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt" được tổ chức gần đây, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho rằng không thể gián đoạn trải nghiệm của người dân bằng việc yêu cầu xác thực sinh trắc với giao dịch dưới 10 triệu đồng.

Phó Thống đốc NHNN: Thanh toán không tiền mặt phải an toàn nhưng thuận lợi- Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo

Ông Dũng cho biết từ 1/7/2024, để ngăn chặn nguy cơ lừa đảo, các ngân hàng áp dụng chính sách giao dịch trên 10 triệu đồng thì phải xác thực khuôn mặt của người giao dịch trùng khớp với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu từ căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an cấp. Trường hợp này để tránh việc thuê mượn tài khoản cũng như người dân kiểm tra, rà soát lại thông tin tài khoản.

Phó Thống đốc nói NHNN đã kết hợp với rất nhiều bên và nghiên cứu kỹ lưỡng về con số này. Mức 10 triệu không ảnh hưởng nhiều khách hàng. Bởi 70% giao dịch ngân hàng trực tuyến là giao dịch dưới 1 triệu đồng.

"Không thể bắt người dân mua 1 chai nước hay 1 cái vé xe bus phải kiểm tra sinh trắc học... Chúng tôi không thể làm gián đoạn trải nghiệm của người dân khi thực hiện giao dịch thông thường. NHNN quy định giao dịch nhỏ lẻ với tổng giá trị 20 triệu đồng mỗi ngày sẽ làm xác thực một lần. Chúng tôi cũng quy định khi cài sang một thiết bị khác cũng phải yêu cầu sinh trắc học. Thông qua một số biện pháp, câu chuyện bảo vệ quyền và lợi ích người dùng sẽ được nâng cao", ông Dũng nói tại hội thảo.

Phó Thống đốc nhấn mạnh: An ninh bảo mật là vấn đề cập nhật liên tục và năm nào NHNN cũng có chỉ thị về vấn đề này. Và đây là vấn đề hết sức quan trọng của tất cả các ngân hàng.

Tại hội thảo, nhiều diễn giả đã trình bày các tham luận về phát triển mạnh mẽ của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và dịch vụ thẻ ngân hàng.

Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc NAPAS (Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam) cho biết năm 2023, doanh số thẻ tín dụng nội địa tăng trưởng hơn 234% so với 2022. Tuy nhiên, con số này vẫn rất thấp so với tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa khi mới chỉ đạt 0,5% - 0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường.

Ông Minh cho rằng dư địa để phát triển thẻ tín dụng nội địa còn rất lớn, khi tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm. 

TS Đỗ Thị Hà Thương (Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM) nhận định thẻ tín dụng nội địa được coi là sản phẩm chủ lực cho chiến lược tài chính toàn diện, để giúp người dân, đặc biệt người dân thuộc nhóm khách hàng yếu thế tiếp cận được các kênh tín dụng chính thức và gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD và các đơn vị liên quan tích cực triển khai có hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Nghị định mới tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ phát triển thẻ tín dụng nội địa. 

Đồng thời, NHNN sẽ triển khai tốt các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng để đảm bảo an toàn, phòng ngừa gian lận, lừa đảo, tăng cường lòng tin của người dùng khi sử dụng các phương tiện điện tử.

Minh Thùy
Thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi, uống cốc trà đá, mua mớ rau cũng 'ting ting'

Thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi, uống cốc trà đá, mua mớ rau cũng "ting ting"

Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành thói quen với người dân ở nhiều tỉnh, thành phố. Từ uống cốc trà đá, mua mớ rau... với giá vài nghìn đồng người dân cũng quét mã QR để thanh toán.